Nghi án dùng dầu bẩn chế tạo thuốc ở Trung Quốc
Nhà chức trách Trung Quốc đang mở cuộc điều tra sau khi xuất hiện cáo buộc cho rằng các công ty dược ở nước này đã dùng dầu bẩn để chế tạo thuốc kháng sinh.
Dầu ăn được bày bán tại Trung Quốc |
Theo cáo buộc, các công ty dược đã dùng loại dầu bẩn - vốn được thải ra từ nhà bếp của các nhà hàng, để sản xuất thuốc thay vì dùng dầu nành đắt tiền hơn.
BBC ngày 3/9 dẫn nguồn tin Tân Hoa xã cho biết chính phủ sẽ sớm thông báo kết quả điều tra, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Mắt xích chính trong vụ việc lần này là Công ty TNHH Huikang Grease, hiện đang bị truy tố do bị cáo buộc sản xuất và bán hàng ngàn tấn dầu bẩn trong năm 2010 và 2011.
Tại phiên tòa diễn ra tuần trước, Huikang đã công bố tên nhiều khách hàng từng mua dầu bẩn của mình, trong đó có nhiều công ty dược.
Các công ty này bị cáo buộc đã dùng dầu bẩn để sản xuất 7-aminocephalosporinic acid, hay còn gọi là 7-ACA, hóa chất được dùng để sản xuất một loại thuốc kháng sinh có tên gọi cephalosporin.
Hiện chưa rõ thuốc làm từ dầu bẩn có gây nguy hiểm cho sức khỏe hay không, nhưng vụ việc đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm - dược phẩm tại Trung Quốc, cũng như việc một số công ty đã bất chấp sức khỏe cộng đồng để kiếm lời.
Tháng 4 vừa qua, báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin chính quyền đã triệt phá nhiều cơ sở sản xuất ngầm chuyên dùng mỡ và nội tạng của động vật để sản xuất dầu ăn. Công an nói phần lớn số dầu này sau đó được bán cho các nhà sản xuất dầu để chế biến thực phẩm và cung cấp cho các nhà hàng.
Tháng 9 năm ngoái, công an cũng đã bắt giữ 32 người có liên quan đến đường dây buôn bán dầu bẩn làm dầu ăn.
Theo Tuổi Trẻ