Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nghèo thì khó sống xanh' - dân Philippines ngập trong bao bì nhựa

Cuộc sống nghèo khó góp phần khiến người dân Philippines phải mua túi nhựa, trong khi các tập đoàn đa quốc gia như Nestle, Unilever và P&G tiếp tục cung cấp bao bì kiểu này.

Đeo găng tay, đi ủng cao su và vác theo một cái cào, người đàn ông 68 tuổi tên Willer Gualva bắt đầu công việc hàng ngày của mình: đi thuyền đến đảo Freedom và ngăn cản nó khỏi bị nhấn chìm bởi những đống rác.

Không có ai sống trên hòn đảo này, nhưng cứ mỗi buổi sáng, bờ biển của nó lại ngập tràn rác. Hầu hết trong số này là những túi nhựa sử dụng một lần của các sản phẩm hàng tiêu dùng như dầu gội, kem đánh răng, thuốc tẩy và cà phê. Chúng được đưa tới đây từ những con sông ngập đầy rác ở Manila.

Khung hoang rac thai nhua o Philippines anh 1
Một công nhân được Cơ quan Tài nguyên Môi trường Philippines trả công để dọn rác trên bãi biển của đảo Freedom. Ảnh: Reuters.

Những bờ biển ngập rác

"Hầu hết rác chúng tôi thu thập được là nhựa, và đứng đầu là những túi nhựa kiểu này", ông Gualva cho biết. Ông là một trong 17 người thuộc biên chế của cơ quan bảo vệ môi trường, có nhiệm vụ bảo tồn hòn đảo và cánh rừng ngập mặn của nó. Cơ quan Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Philippines (DENR) gọi những người như ông Gualva là "chiến binh rừng ngập mặn", và trả họ khoảng 8 USD/ngày cho công việc này.

Theo số liệu của DENR, chỉ 5 ngày dọn dẹp bờ biển ở khu vực Vịnh Manila vào tháng trước đã thu về tới hơn 16 tấn rác, và phần lớn trong số này là những bao bì được làm từ hợp chất nhựa vào nhôm.

Loại bao bì kiểu này mang theo các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của những người nghèo nhất châu Á. Đối với các tập đoàn đa quốc gia, bao bì túi nhựa là cách để tăng doanh số với những khách hàng không đủ tiền để mua sản phẩm với số lượng lớn.

Những túi nhựa có mặt ở hầu hết quốc gia, nhưng lượng tiêu thụ loại bao bì này ở Philippines là một con số khổng lồ - khoảng 163 triệu chiếc mỗi ngày, theo nghiên cứu của nhóm bảo vệ môi trường Liên minh Toàn cầu cho các Phương án Đốt rác (GAIA).

Con số này tương đương 60 tỷ túi nhựa mỗi năm, đủ lớn để che phủ 130.000 sân bóng đá.

Tại những khu ổ chuột ở thủ đô Manila, nơi xe rác không thể tiếp cận, túi nhựa và các loại rác thải khác được chất thành đống trên đường hoặc đổ thẳng xuống cống.

"Tiền rất khó kiếm, vì vậy tôi chỉ có thể mua những túi nhỏ", bà Lisa Jorillo, người mẹ của 4 đứa con sống tại khu ổ chuột Tondo ở Manila, chia sẻ. Bên cạnh bà là bãi biển ngập đầy rác.

"Chắc là đống rác sẽ vẫn ở đó khi con tôi lớn lên", bà Jorillo nói.

Luật xử lý rác thải rắn ở Philippines không được thực thi nghiêm ngặt, và quốc gia này cũng không kiểm soát chặt các quy định về bao bì. Philippines xếp thứ 3 trong số các nước "thất bại" trong việc xử lý rác thải nhựa, theo một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Georgia, với 81% lượng rác thải nhựa không được quản lý.

Khoảng 14 triệu người sinh sống tại vùng đô thị Manila, khiến nó trở thành một trong những siêu thành phố của châu Á. Dân số Philippines là 107 triệu người, và một phần 5 trong số này sống dưới chuẩn nghèo quốc gia - được định nghĩa là những ai kiếm được ít hơn 241 USD mỗi tháng.

Khung hoang rac thai nhua o Philippines anh 2
Một con kênh ngập đầy rác là hình ảnh thường thấy ở những khu ổ chuột tại Manila. Ảnh: Reuters.

Gia đình Jorillo kiếm được 2.500 peso (48 USD) mỗi tuần từ công việc trong ngành xây dựng của người chồng, và họ mua khoảng 80 gói cà phê, kem đánh răng và dầu gội đầu mỗi tháng.

Đối với một thành phố bên bờ biển như Manila, phần lớn lượng rác thải này trôi ra đại dương. Philippines, cùng với Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc là nguồn gốc của 60% lượng rác thải nhựa đổ ra biển hàng năm, tương đương 8 triệu tấn, theo thống kê của quỹ Bảo tồn Đại dương.

Và những tập đoàn tiêu dùng đa quốc gia

Các chuyên gia bảo vệ môi trường cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này không phải đến từ người dùng hay các chính phủ, mà bắt nguồn từ các tập đoàn tiêu dùng đa quốc gia - với việc đẩy ra thị trường những sản phẩm với bao bì nhựa.

"Họ có tiền để nghiên cứu và tìm cách xử lý vấn đề (về môi trường) đối với việc đóng gói (bằng bao bì nhựa)", bà Sonia Mendoza, người đứng đầu Quỹ Mẹ Trái đất (MEF), cho biết. MEF là tổ chức chuyên nâng cao nhận thức và khuyến khích giảm rác thải, và bà Mendoza cho rằng việc tái sử dụng hộp đựng là một cách để giảm số lượng bao bì sử dụng một lần.

Sau đợt thu dọn rác thải ở bờ biển, GAIA đã nghiên cứu và phát hiện 60% lượng rác thải không thể tái chế đến từ 10 công ty lớn, dẫn đầu là Nestle, Unilever và P&G.

Nestle từ chối tiết lộ với Reuters về số lượng túi nhựa họ sản xuất hoặc bán ở thị trường Philippines.

Nestle cho biết họ cam kết tìm cách ngăn chặn nhựa đi ra đại dương thông qua những chương trình thu gom và tái chế nhựa, nhưng nói thêm rằng các bao bì bằng nhựa có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự rò rỉ các vi chất thiết yếu. Những vi chất này có thể giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em.

Unilever không cho biết họ sản xuất bao nhiêu bao bì ở riêng Philippines, nhưng nói rằng sản lượng bao bì nhựa toàn cầu của hãng là 610.000 tấn mỗi năm.

Con số này bao gồm các túi nhựa được đóng gói linh hoạt, phục vụ hoạt động của 1 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Philippines. Mục tiêu của Nestle và Unilever là tái chế hoặc tái sử dụng 100% bao bì của họ trên toàn thế giới vào năm 2025.

Unilever cho biết họ có chương trình thu lại bao bì trong những cộng đồng ở Philippines, nơi những gói nhựa được tái chế thành ghế ở trường học và gạch lát xi măng. Trong năm nay, hãng cũng thí điểm mô hình các trạm bơm dầu xả và dầu gội (thay cho việc sử dụng bao bì dùng 1 lần) và dự định mở rộng quy mô trong tương lai.

Khung hoang rac thai nhua o Philippines anh 3
Những túi nhựa sản phẩm của Nestle và Unilever hay P&G chiếm 60% lượng rác thu thập được trên bờ biển khu vực Vịnh Manila, theo thống kê của GAIA. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Philippines không có chiến lược rõ ràng để giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa này. Trong một email phản hồi tới Reuters, DENR cho biết họ đang thảo luận với các nhà sản xuất để xác định các quản lý chất thải, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Trong khi đó một số quốc gia khác trong khu vực đã chủ động hơn, Indonesia có luật yêu cầu các nhà sản xuất phải quản lý loại bao bì không thể phân hủy sinh học, đảo du lịch Bali của nước này thì cấm sử dụng nhựa dùng một lần.

Thái Lan sẽ ban hành lệnh cấm với bảy loại sản phẩm nhựa phổ biến nhất được tìm thấy ở đại dương, như vòng nắp chai, túi nylon, cốc và ống hút nhựa dùng 1 lần.

Việt Nam hy vọng sẽ tăng thuế đối với túi nhựa và thủ tướng đã kêu gọi các cửa hàng ngừng sử dụng nhựa không thể tái chế tại các thành phố vào năm 2021, và trên toàn quốc vào năm 2025.

Người bản xứ trẻ tuổi mạo hiểm tính mạng chống kẻ đốt phá rừng Amazon

Những nhà hoạt động trẻ người bản địa ở vùng Amazon đang đứng lên đấu tranh với các doanh nghiệp để bảo vệ đất cho cộng đồng. Nạn khai thác bừa bãi là nguyên nhân của cháy rừng.


Quốc Thăng

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm