Ảnh minh họa: Twitter. |
Áp lực và mông lung trong cuộc sống, Thành Nam (26 tuổi, làm việc tự do) theo thói quen tìm đến những cuốn sách self-help với mong muốn tìm được một giọng nói truyền cảm hứng hay chỉ dẫn nào đó giúp anh vực dậy tinh thần. Nhưng thay vì đọc sách về những người đã thành công, Nam thử đọc những cuốn với tựa đề lạ hơn như Sống như một chú mèo, Nghĩ như một chú chó, Sống như những cái cây...
“Ban đầu mình nghĩ sách về chó, mèo thì đọc cho vui thôi, vì chúng không có những vấn đề của con người, chúng chưa từng trải qua như mình, thì làm sao áp dụng được gì. Nhưng giờ suy nghĩ lại, có lẽ đã đến lúc mình xem lại tại sao con người chúng ta có quá nhiều vấn đề như vậy”, anh chia sẻ.
Thường đi với chất giọng hài hước, cách truyền đạt mới mẻ chẳng hạn hóa thân thành một con mèo để giảng đạo lý, hay lồng ghép trong đó là tình cảm đáng yêu giữa tác giả và những con vật của mình… những đề tài này đang càng trở nên phổ biến và đem lại một làn gió mới lạ cho dòng sách self-help.
“Đây là một xu hướng self-help khá hay đang được ưa chuộng. Từ con vật hay sự vật liên tưởng cuộc sống khiến những bài học đỡ nhàm chán hơn nói về đời người”, đại diện NXB Trẻ cho biết.
Loài mèo - biểu tượng của sự tự do và bình thản
Với vẻ ngoài thờ ơ, phong thái ung dung, loài mèo là đối tượng thú vị được khai thác nhiều cả trong các tác phẩm văn học, triết học và self-help. Sức thu hút của loài mèo ở chỗ, trong khi con người cố gắng thuần hóa chúng, loài mèo vẫn luôn tỏ ra là một cá thể độc lập và giữ nguyên bản tính hoang dã của mình khiến con người không thể làm gì khác ngoài việc nhìn lại chính mình.
Mèo là đối tượng thú vị được khai thác nhiều cả trong các tác phẩm văn học, triết học và self-help. Ảnh: IG. |
Tuy thường bị phàn nàn vì tính thờ ơ, nhiều người nhận ra nghệ thuật sống đằng sau chính là chúng biết cách thể hiện tình cảm một cách tinh tế và biết cách lờ đi những vấn đề không cần thiết. Vì thế, chúng thường được lấy làm hình mẫu cho lối sống buông bỏ phiền não, sự tự do và bình thản trong tâm trí.
Trong tác phẩm Mèo và triết lý nhân sinh, GS John Gray viết: “Mèo không lên kế hoạch cho cuộc đời; mà sống cuộc sống xảy đến với chúng”. Trong khi đó, ông cho rằng con người luôn tìm cách lên kế hoạch cho cuộc đời mình nhưng chẳng thể nào kiểm soát được những gì sẽ xảy đến. Do vậy, một cách tình cờ, hành trình theo đuổi triết học, đi tìm hạnh phúc và sự thanh thản của con người đến cuối cùng lại dẫn đến lối sống như những chú mèo. Có lẽ đây là lý do chính mà nhiều người trong số chúng ta yêu loài mèo.
Còn trong cuốn Sống như một chú mèo, tác giả Stéphane Garnier cho rằng quá trình chung sống với cô mèo Ziggy giống như một “hành trình đầy cảm hứng tìm đến an vui và nghệ thuật sống” qua thái độ, ánh mắt và sự ra đi của nó. Ông cũng tập hợp khoảng 40 phẩm chất và tài năng của loài mèo trong cuốn Thong dong như chú mèo hong nắng bên hiên có thể truyền cảm hứng để con người học hỏi và áp dụng, tự tạo ra an vui, hạnh phúc cho cuộc sống của mình.
Loài chó - sự lạc quan và biết lắng nghe
Tuy loài người có được trí thông minh và một xã hội có tổ chức hơn hầu hết loài động vật khác, đổi lại chúng ta cũng bị bủa vây bởi nhiều mối lo lắng hơn. Loài vật thì khác, chúng hạnh phúc khi chỉ đạt được những nhu cầu cơ bản nhất và sẵn sàng yêu thương ngay cả khi phải lang thang cùng chủ.
Trong cuốn Nghĩ như một chú chó, tác giả, CEO Scott MacDonald tin rằng suy nghĩ như loài chó cũng là một chiến lược tốt trong cuộc sống nói chung và giúp bạn trở thành một người quản lý giỏi trong công việc nói riêng. “Ngay cả những đãi ngộ nhỏ cũng có thể đem lại phấn khích, cảm giác hạnh phúc nhất thời, và giúp người ta quên đi những khó khăn rắc rối”, ông viết.
Ông chỉ ra nhiều sự tượng đồng đáng kinh ngạc giữa lối sống của loài chó và của con người, hơn nữa rất dễ dàng để ta áp dụng. Chẳng hạn như sự chủ động tìm kiếm phần thưởng: “Chó lẫn người đều thích đãi ngộ. Không như chó, con người có thể tự thưởng cho mình để làm bản thân vui”.
Hay trong Lắng nghe như một chú chó, con người có thể học được sự chân thành và sẻ chia - điều khiến chúng ta không thể ngừng yêu quý và gắn bó với người bạn bốn chân này qua hàng thế kỷ dù không có sự giao tiếp bằng ngôn ngữ.
“Điều này thường bị bỏ qua hoặc không được nhận ra: Mục tiêu của lắng nghe là để thấu hiểu. Đó là điều khiến nghệ thuật lắng nghe đơn giản một cách tao nhã nhưng lại thách thức”, tác giả Jeff Lazarus viết trong lời giới thiệu.
Cây cối đem lại nhiều bài học như tầm quan trọng của sự kiên trì và sức mạnh của tập thể, cách vượt qua sóng gió... Ảnh: Toronto Star. |
Cây cối cũng có thể là nguồn cảm hứng
Cây thường bị xem như loài vô tri vô giác, tuy nhiên qua tác phẩm Đời sống bí ẩn của cây, độc giả phát hiện ra đời sống xã hội của cây cũng rất phức tạp và những cây ở gần nhau có thể ảnh hưởng lên nhau, hỗ trợ nhau lớn lên, chia sẻ chất dinh dưỡng cho những cá nhân đang chống chọi bệnh tật và thậm chí cảnh báo nhau về những nguy hiểm sắp xảy ra...
Tuy vẫn chưa thể chắc chắn cây có não bộ để suy nghĩ, hay hệ thần kinh tạo cảm xúc hay không, nhưng với khả năng thích nghi linh hoạt, mạnh mẽ và sự im lặng bí ẩn, cây chứng minh cho ta thấy rằng chúng có thể cũng rất thông minh và đáng ngưỡng mộ.
Cơ chế sinh học của cây cối cũng gợi lên nhiều suy nghĩ về tiến trình thú vị của sự sống, cái chết và sự tái sinh. Chẳng hạn, trong tác phẩm Sống như những cái cây, tác giả Liz Marvin đã rút ra 60 bài học nhỏ từ 60 loài cây và cho thấy điều kỳ diệu của cây cối có thể thay đổi cách mỗi con người thích ứng trong cuộc sống ra sao.
Cây cối đem lại nhiều bài học như tầm quan trọng của sự kiên trì và sức mạnh của tập thể, cách vượt qua sóng gió và đối mặt với các lo toan vụn vặt thường ngày, sự vươn lên và đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt, lặng lẽ phòng thủ trước các vị khách không mời, hay đơn giản chỉ là cố gắng hết mình để tận hưởng ánh nắng Mặt Trời...