Nhân viên CIA nhẹ nhàng gõ cửa phòng khách sạn. Những người tham dự hội thảo đã đi nghỉ sau ngày làm việc dài. Thiết bị giám sát cho thấy nhà khoa học hạt nhân người Iran đang say giấc. Nhưng thực ra ông vẫn chưa ngủ. Ông mở cửa phòng.
Cuộc gặp gỡ diễn ra cách đây gần 10 năm đã được cơ quan tình báo Mỹ chuẩn bị trong nhiều tháng.
Để thể hiện thiện chí, nhân viên CIA đặt tay lên ngực trái. "Salam habibi", ông nói. "Tôi đến từ CIA, và tôi muốn ông cùng lên chuyến bay tới Mỹ". Nhân viên CIA có thể đọc tên từng cảm xúc hiện ra trên gương mặt nhà khoa học Iran: choáng váng, sợ hãi, tò mò.
Từ kinh nghiệm trước đây, ông biết có hàng nghìn câu hỏi đang tràn ngập tâm trí nhà khoa học: Gia đình tôi thì sao? Các anh sẽ bảo vệ tôi thế nào? Tôi sẽ sống ở đâu? Làm thế nào để tôi có thị thực? Tôi có thời gian soạn đồ không? Nếu tôi trả lời "không" thì sao?
Nhà khoa học mấp máy môi toan hỏi, nhưng nhân viên CIA ngăn ông lại.
- Đầu tiên, hãy lấy cái xô đá.
- Tại sao thế?
- Nếu vệ sĩ của ngài tỉnh dậy, ngài có thể nói với họ rằng mình đang đi tìm chút đá.
Đấu trí
CIA bí mật dành hàng triệu USD để tổ chức các hội thảo khoa học trên toàn thế giới. Mục đích: dụ các nhà khoa học hạt nhân khỏi quê hương, sao cho các nhân viên tình báo có thể tiếp cận từng người trong số họ và thuyết phục họ rời bỏ tổ quốc. Những người tham dự hội thảo không hề biết họ chỉ là diễn viên trong một màn kịch mô phỏng được giám sát từ xa. Đó là cách CIA sử dụng để can thiệp vào tiến trình phát triển hạt nhân của Iran hay Triều Tiên.
Các hội thảo quốc tế thường là nơi hoạt động gián điệp được tạo điều kiện nở rộ. Tầm quan trọng của một hội thảo có thể không được đo đếm bằng số người đoạt giải Nobel hay học giả uy tín, mà bằng số lượng gián điệp. Các nhân viên tình báo xuất hiện ở đó để săn lùng "con mồi". Một hội thảo về máy bay không người lái hay về tổ chức IS có thể có đến hàng chục nhà khoa học trong tầm ngắm của các tổ chức tình báo.
Các hội thảo khoa học, dù được tổ chức một cách chính thống hay giả mạo, đều là mảnh đất cho mọi cơ quan tình báo thể hiện chiến thuật đấu trí. Ảnh: AP. |
"Mọi cơ quan tình báo trên thế giới đều tổ chức hội thảo, tài trợ cho hội thảo và tìm cách đưa mọi người tới các hội thảo", một cựu nhân viên CIA cho biết.
"Chiêu dụ là một quá trình thu hút dài lâu", Mark Galeotti, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Prague nhận định. "Bước đầu tiên là phải sắp xếp để có mặt ở cùng hội thảo với 'mục tiêu'".
Một cựu nhân viên FBI cho hay tại các hội nghị "các nhân viên tình báo nước ngoài cố gắng lôi kéo người Mỹ và chúng tôi cũng làm điều đó với họ". Hoạt động tình báo từ các hội thảo quốc tế có thể định hình chính sách quốc gia.
Chạm trán tình cờ
Việc tiếp cận chuyên gia thường bắt đầu bằng một cuộc chạm trán "tình cờ" tại hội thảo.
"Tôi đã tuyển mộ được nhiều người từ các hội thảo. Tôi giỏi việc đó, nó cũng không khó lắm đâu", một cựu nhân viên CIA, tạm gọi là R, cho biết.
R sẽ chọn một hội thảo trong danh sách sắp diễn ra, xác định "con mồi" có thể tham dự. R chỉ định cấp dưới tại CIA và NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ) lên hồ sơ về mục tiêu. Sau đó, R sẽ đề xuất kinh phí công tác. Bí quyết là phải trình bày sao cho vừa thuyết phục được cấp trên, vừa phải đủ khéo léo để khiến chuyến công tác không quá hấp dẫn trong mắt các nhân viên tình báo khác, tránh việc có thể bị "nẫng tay trên".
Tiếp đến, R tạo dựng vỏ bọc cho mình, thường là doanh nhân. Ông nghĩ ra một cái tên công ty, tạo trang web và in danh thiếp. Ông lập hồ sơ giao dịch, điện thoại và tín dụng cho công ty ma. R chọn một trong số bảy bí danh của mình cho mỗi phi vụ.
R không phải nhà khoa học. Ông không thể huyên thuyên về giả thuyết Riemann. Thay vào đó, nhận thấy hầu hết giới khoa học đều là những người không giỏi giao tiếp xã hội, R sẽ đến cạnh mục tiêu giữa buổi làm quen của hội thảo và nói: "Anh cũng ghét đám đông như tôi chứ?".
Sau đó mọi chuyện sẽ trơn tru hơn rất nhiều. "Bạn đã ghi dấu gương mặt mình vào tâm trí họ", R nói.
Không nên để bất cứ ai nhận ra vụ tiếp cận. Sẽ là sai lầm lớn nếu lại gần mục tiêu trước mặt những người có thể được cử để giám sát họ. Những người giám sát sẽ cản trở việc khai thác mục tiêu, khiến mục tiêu không muốn hoặc không thể chia sẻ thêm nữa.
Thời gian còn lại ở hội thảo, R sẽ "chạy quanh như điên" và "tình cờ" chạm trán mục tiêu ngay khi có cơ hội. Mỗi lần như vậy ông lại cố gắng tạo thêm thiện cảm ở đối phương. Chẳng hạn, khi bàn đến đề tài nào đó, R sẽ nói ông từng đọc một bài báo tuyệt vời nhưng không thể nhớ nổi tên tác giả. "Tôi đã viết đấy", vị giáo sư sẽ đáp với khuôn mặt ửng hồng.
Ngoài Iran và Triều Tiên, mục tiêu lý tưởng của CIA còn có thể đến từ Libya, Nga hay Trung Quốc. Ảnh: BBC. |
Vào bẫy
Sau vài ngày, R sẽ mời mục tiêu dùng bữa trưa hoặc bữa tối và đưa ra đề xuất: công ty của R quan tâm đến lĩnh vực hoạt động của vị giáo sư và muốn hỗ trợ công việc của ông ấy. "Người làm khoa học nào mà tôi gặp cũng đều luôn cố gắng để nhận được tài trợ giúp họ tiếp tục thực hiện nghiên cứu", R giải thích.
Hai bên sẽ đồng ý về một dự án cụ thể, và giá cả thì thay đổi tùy vào việc nhà khoa học đến từ đâu: "1.000 đến 5.000 USD với một người Pakistan. Triều Tiên thì nhiều hơn".
Một khi đã nhận tiền từ CIA, nhà khoa học sẽ bị kiểm soát, dù lúc đầu họ có thể không biết số tiền đến từ đâu. Nếu mối quan hệ bị bại lộ, sự nghiệp của họ có thể bị tiêu tan hoặc cuộc sống ở đất nước quê hương có thể gặp nguy hiểm.
'Đọc vị' Iran
Với những nhà nghiên cứu Iran muốn hướng về phương Tây, các hội thảo khoa học như một phương tiện ngầm hiện đại. CIA không bỏ qua cơ hội tận dụng điều này. Từ thời Tổng thống George W. Bush, chính phủ Mỹ đã có "vô hạn tiền" cho những nỗ lực bí mật để kiềm chế sự phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.
Bởi các nhà khoa học Iran rất khó tiếp cận, CIA thường lôi kéo họ đến những hội thảo ở các nước trung lập. Sau khi tham vấn Israel, CIA sẽ chọn một mục tiêu tiềm năng. Tiếp đến họ sắp xếp một hội thảo tại một viện khoa học có uy tín thông qua trung gian, thường là doanh nhân. Người này sẽ tài trợ từ 500.000 đến 2 triệu USD cho hội thảo. Ông ta có thể là chủ công ty công nghệ hoặc CIA sẽ tạo ra một công ty vỏ bọc cho ông ta để việc tài trợ trở nên hợp pháp.
Kỹ thuật viên tại một cơ sở chuyển đổi uranium, gần thành phố Isfahan của Iran. Chính phủ Mỹ đã dành nhiều thập kỷ để kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này. Ảnh: AP. |
Hội thảo thường tập trung vào vật lý hạt nhân dân dụng, phù hợp với các mục tiêu nghiên cứu của Iran. Nhân viên CIA sẽ cải trang thành sinh viên hay chuyên gia tư vấn kỹ thuật. Công việc đầu tiên là tách vệ sĩ khỏi nhà khoa học. Nhân viên nhà bếp do CIA thuê sẽ đầu độc vệ sĩ, khiến họ bị tiêu chảy và nôn mửa. Cơ sở tổ chức không được biết về việc CIA nhúng tay. "Các học giả càng không biết gì thì càng an toàn cho tất cả", một cựu nhân viên CIA cho hay. Ngay cả những người trung gian, họ đều biết là đang giúp CIA nhưng không rõ mục đích, và CIA sẽ chỉ sử dụng họ một lần.
Nếu may mắn, nhân viên CIA sẽ có vài phút để tiếp cận nhà khoa học một mình. Nếu nhà khoa học tỏ ra nghi ngờ rằng đang giao dịch với CIA, nhân viên tình báo có thể lật bài ngửa luôn rằng mình biết mọi thứ về đối tượng, kể cả những chi tiết nhạy cảm nhất, và chứng minh điều đó.
Ngay cả khi nhà khoa học đồng ý theo CIA, ông ta vẫn có thể cân nhắc lại và bỏ chạy. "Bạn sẽ phải lặp đi lặp lại nhiệm vụ chiêu dụ", cựu nhân viên CIA nói. Một khi nhà khoa học đã yên vị trong ôtô ra sân bay, CIA phối hợp với các cơ quan tình báo liên minh để làm thủ tục và thị thực cần thiết. Họ sẽ tái định cư cho nhà khoa học và gia đình của ông ta và cung cấp cho họ những lợi ích lâu dài, bao gồm cả học phí đại học cho con cái nhà khoa học.
Từ năm 2015, khi Iran đồng ý với thỏa thuận hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế, chương trình chiêu dụ các nhà khoa học đào thoát khỏi quốc gia Trung Đông của tình báo Mỹ cũng mất đi phần nào tính cấp bách.
Tuy vậy, với việc Tổng thống Donald Trump ngày 8/5 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà ông gọi là "kinh khủng, một chiều", "chưa từng" và sẽ "không bao giờ mang lại hòa bình", những hội thảo khoa học được dàn xếp để lôi kéo các nhân tài Iran nhiều khả năng sẽ sớm trở lại.