Tự nhận mình là người hạnh phúc, nghệ sỹ viola Nguyễn Nguyệt Thu nở nụ cười khi nhắc đến Quốc Trung - đứa con trai tự kỷ, cũng như hành trình giúp đỡ những trẻ em cùng cảnh ngộ. Âm nhạc được chị sử dụng như liệu pháp tâm lý hữu hiệu trước hội chứng rối loạn không có thuốc chữa.
Trò chuyện với Zing.vn trong những ngày Tết Kỷ Hợi, nữ thạc sĩ ngành giáo dục nghệ thuật ở Nga và Hà Lan hồ hởi chia sẻ ấp ủ về những dự án chị muốn đem đến cho cộng đồng yếu thế ở Việt Nam năm 2019.
Khoảng thời gian khó khăn
Từng suy sụp khi nghe tin con trai mắc hội chứng tự kỷ, chị dằn vặt và đổ lỗi cho bản thân, thậm chí có lúc chị đã nghĩ: "Mình chết đi, con mình sẽ ra sao?". Cũng như nhiều bậc phụ huynh, chị Thu tự đổ lỗi cho bản thân vì đã không dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy khiến con bị tự kỷ.
"Quan niệm xã hội, người chăm sóc, giác dục con phần lớn vẫn là người mẹ. Áp lực từ gia đình, người thân, thậm chí từ chính người chồng cũng khiến những người mẹ như tôi rất vất vả, tủi thân khi chăm sóc con tự kỷ", chị nói.
Thế rồi nén nỗi buồn, chị Thu đưa con sang những trung tâm tốt nhất ở Đức, Hà Lan rồi Singapore để chữa trị. Có lúc hy vọng như nhen nhóm rồi lại vụt tắt trước mắt người mẹ trẻ.
Nghệ sĩ Nguyệt Thu chơi đàn trong một chương trình từ thiện ở Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC. |
Nhiều lúc chị Thu cảm thấy bất lực, tuyệt vọng khi con quấy phá, không nghe lời. Bản thân chị rất sợ đưa con ra nơi đông người. Bởi chị hiểu trẻ em tự kỷ rất dễ xúc động, khi có hành động không đúng mực dẫn tới bị la mắng thì các em sẽ càng thêm hoảng loạn.
Những gia đình có con bị tự kỷ tìm đến người mẹ này với mong muốn là được nghe chị chia sẻ những kinh nghiệm, những phương pháp quý giá đã đúc kết được trong suốt quãng thời gian chị cùng cậu con trai vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Khi các phụ huynh gặp tôi, họ luôn ngạc nhiên tại sao khi nói về chứng
Âm nhạc kết nối tâm hồn
Sở hữu đến 2 bằng thạc sĩ ở cả Nga và Hà Lan chuyên ngành Giáo dục Nghệ thuật, nhưng nghệ sĩ Nguyệt Thu chưa bao giờ nhận mình là chuyên gia trong lĩnh vực này. Chị cho rằng tất cả những gì mình chia sẻ là từ kinh nghiệm bản thân, trong vai trò của một người mẹ.
Sau một thời gian tiếp xúc, giúp đỡ các em, chị cho rằng chính âm nhạc là tần số giúp các em tương tác với thế giới bên ngoài, với cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Âm nhạc sẽ giúp thay đổi cảm xúc của các em theo chiều hướng tích cực.
Chị khẳng định: "Tự kỷ không phải là bệnh và sẽ chẳng có thuốc nào chữa bệnh tự kỷ. Các em tự kỷ là những người có tâm hồn dễ tổn thương, dễ kích động. Việc cần làm là nâng niu, che chở cho tâm hồn thì các en sẽ có thể phát triển tương đối bình thường".
Ngoài âm nhạc, chị cũng kết hợp các liệu pháp hình ảnh, hội họa để giúp những trẻ mắc bệnh này. Nghệ sĩ Nguyệt Thu cho rằng đối với trẻ tự kỷ, lời nói đôi khi không tác động mạnh mẽ bằng hình ảnh, âm thanh.
Chị cho rằng các em tự kỷ cần được tin tưởng và tôn trọng nếu muốn các em trân trọng giá trị của chính bản thân mình. Ảnh: NVCC. |
"Trẻ tự kỷ sống dựa nhiều vào cảm xúc, một khi cảm xúc của các em được bảo vệ, che chở các em sẽ có được sự phát triển như bình thường. Các hành vi lệch chuẩn thường bắt nguồn từ sự giáo dục không đúng cách. Nếu chính bậc cha mẹ không tin vào con của mình, làm sao các con có thể tin vào chính bản thân mình được?", người mẹ bày tỏ.
Khát vọng lan tỏa
Không giấu nổi vẻ phấn khởi khi nói về những khát khao của mình, nghệ sĩ Nguyệt Thu cho biết sẽ nỗ lực giúp được nhiều gia đình, nhiều em mắc hội chứng này hơn nữa.
Vào năm 2015, có lúc chị Thu điều hành 5 trung tâm giúp các trẻ em tự kỷ với hàng trăm học sinh. Hiện, chị bắt tay vào những dự án tiếp theo với sức lan tỏa rộng hơn và hướng đến nhiều đối tượng hơn.
Dự án Ươm nắng của chị đang khởi quay những tập đầu tiên là một trong những điều lan tỏa như thế. Đây là một dự án sản xuất các chương trình truyền hình với mục đích giới thiệu những gương người tốt, việc tốt trong giúp đỡ cộng đồng yếu thế, người tàn tật. Chị Thu cũng mong dự án sẽ là cầu nối từ những trường hợp khó khăn đến những người có lòng hảo tâm.
Nữ nghệ sĩ chia sẻ một trong những điều thành công nhất của chị là khiến con trai Quốc Trung thấy được và trân trọng giá trị của bản thân. Khi sống ở Hà Lan, Trung rất tích cực tham gia các công việc ở trại dưỡng lão. Ở đấy, cậu bé thấy được những việc mình làm là có ích, cảm thấy tự tin hơn.
Ngoài các dự án hướng đến cộng đồng yếu thế, nghệ sĩ violin cũng đang xắn tay, dốc tâm huyết cho một dự án bảo tồn, phát triển các di tích văn hóa ở Việt Nam. Chị nói đây sẽ không đơn thuần chỉ là dự án bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn giúp đỡ cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
"Sau tất cả, mong muốn của tôi vẫn là được giúp đỡ cho nhiều người nhất có thể. Tôi mong các gia đình, các cha mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ hãy bình tĩnh, hãy quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của các con. Cha mẹ hãy dành cho con mình cơ hội để chứng tỏ bản thân, giá trị, đừng vội mất hy vọng, chán nản", chị gửi gắm.
Theo Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Mỹ (NIMH), tự kỷ là tình trạng rối loạn hành vi thần kinh phức tạp gồm những suy giảm về tương tác xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đi kèm với đó là những hành vi cứng nhắc, mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.
Các trẻ có nguy cơ cao dẫn đến tự kỷ: