Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ Việt tham quan tàu hỏa của nguyên thủ Triều Tiên từ 2009

Chuyến biểu diễn tại Bình Nhưỡng cách đây 10 năm vẫn sống động trong ký ức của ông Trương Nhuận - cựu giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội, ông Trương Nhuận - cựu Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - nhớ lại những kỷ niệm trong lần dẫn đoàn nghệ thuật tham dự The April Spring Friendship Art Festival 10 năm về trước. Chương trình diễn ra từ ngày 10 - 18/4/2009.

The April Spring Friendship Art Festival thường được biết tới tại Việt Nam với tên gọi Liên hoan Hữu nghị Mùa xuân Nghệ thuật Bình Nhưỡng, hoặc gọi tắt là Liên hoan nghệ thuật Bình Nhưỡng. Đây là một liên hoan nghệ thuật tổ chức định kỳ vào dịp tháng 4, hai năm một lần trong gần nửa thế kỷ qua.

Chuyen di du festival Binh Nhuong 10 nam truoc cua doan nghe thuat Viet anh 1
Đoàn nghệ sĩ Việt Nam tham dự Liên hoan nghệ thuật Bình Nhưỡng 2009 đạt nhiều thành tích. Ông Trương Nhuận đứng thứ 4 từ trái sang. 

Trước đó, Việt Nam thường cử các nhóm nghệ sĩ biểu diễn nhỏ tham dự festival này, một vài tiết mục đơn ca, độc tấu nhạc cụ. Tới năm 2009, Bộ Văn hóa Triều Tiên dự kiến thực hiện festival với quy mô lớn nhân sự kiện 15 năm nhà lãnh đạo Kim Chính Nhật kế nghiệp cha mình lãnh đạo đất nước. Có đến 650 nghệ sĩ biểu diễn của 52 đoàn nghệ thuật từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ ở nhiều châu lục đều về tham dự.

Phía Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử hẳn một phái đoàn do Thứ trưởng NSND Lê Tiến Thọ đi cùng với đoàn. Đoàn nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ do ông Trương Nhuận làm trưởng đoàn biểu diễn sang giao lưu văn hoá tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên.

Tới Triều Tiên, ông Trương Nhuận cảm nhận: “Gạt bỏ mọi lời đồn thổi và cả nhiều điều mà không phải mấy ai cũng nhìn tận mắt, đến tận nơi chứng kiến, đời sống thường nhật và cơ sở hạ tầng xã hội của Triều Tiên đã có không ít lĩnh vực phát triển, một số điểm đi xa hơn Việt Nam cả chục năm. Ví dụ, Việt Nam chưa chắc đã đuổi kịp hệ thống tàu điện ngầm của Bình Nhưỡng, hay những nhà hát biểu diễn nghệ thuật được xây dựng choáng ngợp cho các đoàn nghệ thuật nước ngoài khi bước lên sàn diễn đều ngỡ ngàng”.

Trong chuyến đi Bình Nhưỡng năm ấy, đoàn nghệ thuật của Việt Nam còn được đi tham quan toa xe tàu hoả đặc biệt được chế tạo dành riêng để ông Kim Nhật Thành từng sử dụng trong những chuyến công du nước ngoài tận châu Âu, Nam Mỹ xa xôi, sau đó đáp tàu thuỷ vượt đại dương đi tiếp.

Chuyen di du festival Binh Nhuong 10 nam truoc cua doan nghe thuat Viet anh 2
Tiết mục múa mũ của Triều Tiên. 

Tham dự festival nghệ thuật Bình Nhưỡng 10 năm trước, đoàn nghệ thuật Việt Nam mang tới chương trình nghệ thuật ca múa nhạc “Việt nam quê hương tôi” do nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn. Chương trình được đạo diễn NSND Lê Hùng dàn dựng khá công phu, đích thân NSND Ngọc Cường - Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn khi ấy - quan tâm, ưu ái đầu tư về trang phục nghệ sĩ đậm bản sắc dân tộc mà vẫn rất hiện đại trình duyệt cẩn trọng.

Năm ấy, chương trình nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ là một trong sáu nước được trao cúp vàng cùng với cúp vàng cho tiếng đàn bầu của Lệ Chi, ba cúp bạc cho NSƯT Trọng Thuỷ, ca sĩ Ánh Tuyết và tốp múa Mai vàng. Đại sứ Lê Văn Cự lúc ấy cũng vui mừng vì lần đầu tiên một đoàn nghệ thuật Việt Nam có đông nghệ sĩ tham gia Festival nghệ thuật Bình Nhưỡng và đạt được thành công rực rỡ như vậy.

“Chúng tôi thì tự hào mình là những sứ giả văn hoá Việt nam tại Triều Tiên để lại nhiều thiện cảm và cả những ấn tượng cảm phục của đông đảo công chúng thủ đô Bình Nhưỡng bởi tiếng hát, điệu múa và những tà áo dài rực rỡ sắc màu Việt Nam" - ông Trương Nhuận kể lại. 

Chuyen di du festival Binh Nhuong 10 nam truoc cua doan nghe thuat Viet anh 3
Nữ ca sĩ opera Nga (trái) và tiết mục xiếc của Trung Quốc đều đạt cúp vàng tại Liên hoan nghệ thuật Bình Nhưỡng 2009.

Thăm thú Triều Tiên và tham gia liên hoan nghệ thuật, ông Trương Nhuận nhận thấy Triều Tiên đạt trình độ cao về nghệ thuật cổ truyền. “Tôi đi nhiều festival nghệ thuật ở Hàn Quốc, nếu so về nghệ thuật cổ truyền thì Triều Tiên điêu luyện hơn về tiết mục, hoành tráng hơn về dàn dựng chương trình”, ông Trương Nhuận nói.

Cựu giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho rằng một số nhà hát ở thủ đô Bình Nhưỡng thời đó được đầu tư hiện đại hơn cả nhà hát Việt Nam hiện nay.

Ông ấy ví dụ, các micro được thiết kế đặt ngầm dưới bục, khi ca sĩ ra sân khấu, chỉ cần ấn nút điều khiển từ xa, micro có thể tự trồi lên ở vị trí ca sĩ đứng, không cần có người chạy ra điều chỉnh.

Hoặc hệ thống bục xoay của nhà hát cũng thiết kế hợp lý, cả dàn nhạc trăm người có thể từ từ được đưa xống dưới sân khấu theo tiếng nhạc nhỏ dần, hết tiết mục không có cảnh nghệ sĩ nháo nhào đi vào sau cánh gà.

“Họ chỉn chu, nền nếp, quy củ. Nền nghệ thuật biểu diễn của họ hoàn chỉnh”, ông Trương Nhuận nói. Cựu giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, việc đào tạo nghệ thuật cho học sinh được Triều Tiên chú trọng. Ngay từ nhỏ, học sinh được học đàn, múa, hát, các câu lạc bộ trong trường được học tập nghệ thuật một cách điêu luyện. Đó là cách sau này những đoàn nghệ thuật của họ không mấy vất vả khi tìm kiếm nghệ sĩ.

Hàng trăm năm trước, quan hệ Việt Nam và Triều Tiên như thế nào?

Sử sách Việt - Triều đều ghi nhận trong các lần đi sứ tại Trung Quốc, sứ thần Đại Việt và Triều Tiên đã có nhiều cuộc tiếp xúc và giao hảo với nhau.


Tần Tần

Ảnh: Trương Nhuận cung cấp

Bạn có thể quan tâm