Nhựt Quang Tự hay còn gọi là chùa Nghệ sĩ tọa lạc ở P.11, Quận Gò Vấp. Khuôn viên rộng rãi, không gian yên tĩnh và với lối kiến trúc không quá nổi bật, chùa Nghệ sĩ được rất nhiều người biết đến. Đây là nơi an nghỉ của hơn 700 ngôi mộ và hài cốt của các nghệ sĩ đã từng nhiều năm gắn bó với ánh đèn sân khấu, họ chủ yếu là nghệ sĩ cải lương.
Khi con tằm nhả hết tơ vì nghệ thuật
Chùa Nghệ sĩ không chỉ là nơi tụ họp của các Phật tử mà còn là nơi lui tới của nhiều diễn viên, ca sĩ... sau mỗi chuyến lưu diễn. Họ đến thắp nhang để cầu may mắn, cầu cho những chuyến lưu diễn được thuận buồm xuôi gió.
Đến thăm chùa còn có người thân của những nghệ sĩ quá cố và sinh viên các trường nghệ thuật trong thành phố. Có đặt chân đến đây, ta mới hiểu hết được nền nghệ thuật nước nhà giàu có như thế nào qua bao thăng trầm sóng gió của lịch sử.
Chùa Nghệ sĩ là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ các nghệ sĩ quá cố. |
Nhiều nghệ sĩ đã trở thành những tên tuổi đi vào huyền thoại của nền văn hóa nghệ thuật của nước nhà, trong đó phải kể đến cô đào Phùng Há nổi danh một thời với vở Mộng hoa vương, Mạnh Lệ Quân, Đời cô Lựu, nghệ sĩ Út Trà Ôn với tuyệt tình ca bất hủ Tình anh bán chiếu, nghệ sĩ Minh Phụng với vở Tâm sự loài chim biển, soạn giả Hà Triều với vở Nửa đời hương phấn, nghệ sĩ Lương Tuấn với vở Áo cưới trước cổng chùa… Tên tuổi của họ không chỉ được ghi nhận trong lịch sử sân khấu cải lương, tấm gương đối với thế hệ diễn viên trẻ mà trên hết họ sống mãi trong lòng khán giả.
Sự mong manh của kiếp cầm ca, của kiếp người là bóng tối của kiếp bụi trần. Người nghệ sĩ bị người đời lãng quên họ trở về với những nấm mồ hiu quạnh bên những đồng nghiệp đã một thời cùng gắn bó. Những ngôi mộ nằm sát nhau, có những ngôi mộ được người thân của các nghệ sĩ đến thăm viếng thường xuyên nhưng cũng có những ngôi mộ cỏ rác mọc đầy, thiếu người chăm sóc.
Trong khu nghĩa trang của chùa Nghệ sĩ còn có một phần của Lê Công Tuấn Anh – chàng diễn viên tài hoa bạc mệnh và đạo diễn Nguyễn Quốc Long – người nổi tiếng với loạt phim Bí mật thành phố cấm, Phút 89… Mong muốn của người nghệ sĩ sau một đời dâng mình bằng lời ca tiếng hát, không phải để mọi người công nhận mà là được sống được yêu, được cống hiến tài năng cho nghệ thuật. Về tuổi xế chiều, họ mong muốn được trở về đây để được gần nhau, để được quây quần và an ủi lẫn nhau.
Nghệ sĩ Lí Lắc bên mộ phần của diễn viên Lê Công Tuấn Anh. |
Ánh hào quang sâu khấu đã tắt
Khép bức màn nhung danh vọng hết
Người về lòng rủ sạch sầu thương
Kẻ vào cởi áo lau son phấn
Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường...
Hằng ngày, người nghệ sĩ lấy việc thăm nom, chăm sóc chùa để làm thú vui cho những bận rộn lúc cuối đời, vun vén từng luống hoa, bụi cỏ. Họ lấy việc làm công quả làm niềm vui lúc tuổi già, mỗi người một việc để mang lại niềm vui cho những nấm mồ bớt cô quạnh.
Đến chùa Nghệ sĩ vào một chiều đầy nắng, nghệ sĩ hài Lí Lắc đang ngồi trầm tư bên chiếc bàn tiếp khách với nụ cười hiền, vội đến bên hỏi thăm chúng tôi. Chú bảo chúng tôi vào thắp nhang cho Phật, cho các cố nghệ sĩ ở sau khu nghĩa trang. Chú kể rành mạch về cuộc đời của mỗi nghệ sĩ ở từng mộ phần, về câu chuyện của cuộc đời mình, cuộc đời đầy cực nhọc và sóng gió.
Mộ nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. |
Người nghệ sĩ đem cho đời niềm vui nhiều bao nhiêu thì càng về già họ phải đối mặt với nỗi buồn bấy nhiêu. Vào chùa rất dễ nhận ra nghệ sĩ Lí Lắc, vóc người nhỏ nhắn, làn da đen sạm khi đối mặt với cuộc sống mưu sinh đã qua. Ông tên thật là Phan Như Yên, tham gia nghệ thuật từ năm 1960. Thời đó, ông thường vào những vai quân sĩ hát trong các đoàn lưu diễn ở khắp cả nước. Cho đến năm 1967, ông đi theo đoàn Thanh Nga làm kép hát, diễn hài… Cho đến năm 1968, ông qua đoàn Hùng Minh rồi đoàn Thành Được được một thời gian mãi đến năm 1978, ông theo đoàn Lý Dạ Hương của ông bầu Xuân.
Nghệ sĩ Lí Lắc từng là một kép độc, nổi tiếng với những tiết mục tấu hài của đoàn cải lương Phùng Hảo, Lý Dạ Hương. Đến cuối đời, Lí Lắc như một người không quê hương, không gia đình, không vợ con. Ông sống trong cảnh đơn độc, ốm đau, nghèo khó, ông nương tựa vào chùa Nghệ sĩ, sống qua ngày nhờ lòng hảo tâm của khách vãng lai.
Hàng ngày, nghệ sĩ Lí Lắc nhận việc làm cỏ, chăm sóc mộ phần nghệ sĩ Phùng Há và làm “hướng dẫn viên” cho khách đến thăm chùa, có khi được khách “bồi dưỡng” cho vài trăm ngàn đồng vì lòng nhiệt tình.
Nhìn về phía khu nghĩa trang, nghệ sĩ Lí Lắc trầm buồn nói: "Ở đây, do hội Nghệ sĩ quản lý nên ai có đóng góp cho chùa sẽ được đem về đây chôn cất. Giờ còn ít đất lắm, ai chết trước thì sẽ được chôn ở đây, sau hết đất rồi thì sẽ hỏa thiêu đem về ở chùa riêng".
Người nghệ sĩ khi về già phải đối mặt với bệnh tật và nỗi cô đơn… |
Cuộc đời người nghệ sĩ được ví như con tằm nhả tơ, khi rút ruột nhả tơ cho đời chỉ còn lại nỗi buồn và sự hiu quạnh. Ánh hào quang sân khấu đã tắt nhưng chúng ta chợt thấy chạnh lòng khi số phận của nhiều nghệ sĩ đang sống trong cảnh khốn khó với đồng lương ít ỏi và tấm lòng hảo tâm của khách thập phương. Dẫu vậy, đến cuối đời họ vẫn có nơi để yên vui tuổi già, có lẽ đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ ở tuổi xế chiều.