Đầu tháng 9, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc ban hành văn bản cấm tất cả nền tảng số phát sóng chương trình tìm kiếm tài năng, show thực tế có tính cạnh tranh mà người chiến thắng sẽ trở thành thần tượng mới của Trung Quốc.
Việc cấm các chương trình tìm kiếm thần tượng đang khiến hàng nghìn thực tập sinh tại Trung Quốc lao đao. Để theo đuổi giấc mơ ca hát, họ phải đánh đổi bằng tiền bạc, công sức luyện tập với mục tiêu sớm trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, được công chúng biết đến, theo Sina.
Tương lai bất định
Từ năm 2018, Trung Quốc bắt đầu mua lại bản quyền cũng như tổ chức các show tuyển chọn sao trẻ, từ đó cho ra đời một loạt thần tượng và nhóm nhạc mới. Gần 3 năm qua, chương trình tuyển tú trở thành sân chơi cho hàng trăm nghệ sĩ trẻ thể hiện mình. Đây cũng là con đường ngắn nhất đưa tên tuổi của các thực tập sinh vươn lên đỉnh cao.
Những cái tên bước ra từ chương trình tuyển chọn thần tượng như Thanh xuân có bạn, Sáng tạo doanh, Idol Producer như nhóm THE9, Nine Percent, Rocket Girl, Thái Từ Khôn, Trần Lập Nông nhanh chóng trở thành thần tượng của hàng triệu khán giả chỉ sau vài tháng ngắn ngủi.
Show tuyển chọn thần tượng nhiều năm qua được xem là lối tắt dẫn đến thành công của các nghệ sĩ trẻ. Ảnh: Sina, Sohu. |
Sau khi vụt sáng, cánh cửa danh vọng mở rộng với các nghệ sĩ trẻ. Không chỉ có thể phát triển sự nghiệp ca hát theo hướng chuyên nghiệp, họ còn trở thành nhân tố tiềm năng được săn đón ở mảng phim ảnh, show giải trí.
Theo QQ, lệnh cấm của giới chức đang khiến giấc mơ được ra mắt của hàng nghìn thực tập sinh ở 50 công ty giải trí lớn nhỏ khắp Trung Quốc dang dở. Họ đối mặt với hiện trạng thiếu hụt cơ hội thể hiện tài năng.
Theo iFeng, nền công nghiệp giải trí Trung Quốc vốn thiếu những sân chơi âm nhạc để nghệ sĩ trẻ quảng bá sản phẩm âm nhạc mới, vinh danh năng lực của các thần tượng. Điều này hạn chế cơ hội tiếp cận công chúng, thể hiện khả năng trên sân khấu của nhóm sao đang trên đường thành danh.
Vì vậy, những năm qua, show thần tượng trở thành nơi cọ xát và khẳng định năng lực của các thực tập sinh tài năng. Trên Sina, Vương Hạo, CEO của công ty Zhuoying Entertainment, chỉ ra ở Trung Quốc hiện tại chủ yếu là chương trình dành cho nghệ sĩ lớn, không có môi trường thích hợp nào để giới thiệu tài năng trẻ đến công chúng ngoài show tuyển chọn thần tượng.
Giữa bối cảnh hiện tại, điều lo lắng nhất chính là tương lai của thực tập sinh trong vài năm tới. "Câu hỏi những thần tượng được đào tạo ra sẽ biểu diễn ở đâu, họ có tài năng nhưng sân khấu nào là nơi cho họ thể hiện, còn bỏ ngỏ", CEO Zhuoying Entertainment nói.
Theo Vương Hạo, không ít nghệ sĩ trẻ đang đứng trước lựa chọn tiếp tục niềm đam mê âm nhạc cho đến lúc show tuyển chọn thần tượng không còn bị cấm cản, hay bỏ dở giữa chừng để chuyển sang công việc khác.
Cảnh khó khăn
Sina chỉ ra mặt trái khi nghệ sĩ trẻ không thể ra mắt chính là đối mặt với khoản nợ ngày càng phình to ở công ty quản lý. Trong ngành công nghiệp thần tượng, các ngôi sao cần khoản tiền đầu tư lớn từ công ty giải trí để có thể tiếp cận khán giả.
Với những thần tượng đã nổi tiếng, khoản đầu tư có thể nhanh chóng được thu hồi thông qua cát-xê biểu diễn, đóng phim hay làm đại diện thương hiệu. Tuy nhiên, trong trường hợp nghệ sĩ trẻ ra mắt không thành công và ít danh tiếng, họ có thể không trả hết số nợ.
Gần đây, nam thần tượng Thái Chính Kiệt bị công ty quản lý kiện ra tòa, yêu cầu hoàn trả khoản đầu tư 5 triệu NDT. Anh được công ty Oriental Story Culture Media ký hợp đồng đào tạo từ năm 15 tuổi. Đến năm 2019, sao trẻ tham gia show Sáng tạo doanh, nhưng sớm dừng chân ở vị trí 34. Hai năm qua, sự nghiệp của Thái Chính Kiệt nhạt nhòa, không có thu nhập.
Thái Chính Kiệt phải hoàn trả khoản tiền khổng lồ cho công ty quản lý nếu muốn thanh lý hợp đồng. Ảnh: Sina. |
Công ty Oriental Story Culture Media dự định gửi Thái Chính Kiệt đến chương trình tuyển chọn thần tượng mới để tìm kiếm cơ hội nhưng không thể vì vướng lệnh cấm từ giới chức.
Vì vậy, nghệ sĩ trẻ quyết định dừng hoạt động với lý do nếu tiếp tục bám trụ, số nợ với công ty càng tăng. Tuy nhiên, Oriental Story Culture Media yêu cầu Thái Chính Kiệt phải trả 5 triệu NDT nếu muốn rời đi.
"Hợp đồng của tôi với Oriental Story là 12 năm. Tôi hoạt động với tư cách nghệ sĩ trẻ gần 3 năm qua, nhưng những gì tôi nhận được là cuộc sống khó khăn và món nợ khổng lồ. Với hoàn cảnh hiện tại, tôi khó có thể chi trả mọi thứ trong tương lai gần", Thái Chính Kiệt nói trên Sohu. Anh hiện làm thu ngân để kiếm thu nhập.
Theo Sohu, không chỉ Thái Chính Kiệt, rất nhiều thực tập sinh khác cũng đang rơi vào tình cảnh trớ trêu tương tự. Họ đối mặt với khoản nợ lên đến triệu NDT bao gồm chi phí đào tạo, phí ký túc xá, tiền thù lao nhân viên và khoản đền bù tổn thất tinh thần cho công ty nếu có ý định hủy ngang hợp đồng cho dù có được ra mắt hay không.
Điều này khiến nhiều nghệ sĩ trẻ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải làm việc cật lực bên ngoài để trả nợ và trang trải cuộc sống không lương trong giai đoạn thực tập.
iFeng cho biết các thực tập sinh trẻ hiện nay nếu ra mắt không thành công đều chật vật tìm kiếm công việc mới, chủ yếu lao động tay chân khi không một công ty nào muốn nhận những người không có học vấn, chuyên môn gì khác ngoài hát hò, nhảy múa.