Sohu đưa tin bộ phim Quốc Tử Giám có một nữ đệ tử do Triệu Lộ Tư đóng chính hiện là chủ đề bàn luận do cách làm phim cẩu thả của ê-kíp, diễn xuất và thái độ làm nghề hời hợt của diễn viên.
Tác phẩm mắc nhiều lỗi hậu kỳ chỉ trong 10 tập đầu phát sóng. Triệu Lộ Tư và Từ Khai Sính bị phê bình dữ dội do sử dụng diễn viên đóng thế trong một cảnh quay đơn giản. Hành động của cô và đoàn làm phim Quốc Tử Giám có một nữ đệ tử vi phạm quy định của Hiệp hội Biểu diễn Trung Quốc ban hành vào cuối năm 2020.
Cát-xê cao nhưng lười diễn
Cụ thể, video từ bộ phim Quốc Tử Giám có một nữ đệ tử làm lộ hình ảnh diễn viên đóng thế thay Triệu Lộ Tư và Từ Khai Sính ngã xuống hồ nước. Do lỗi lười cắt ghép của ê-kíp, khán giả dễ dàng nhìn thấy rõ mặt thế thân của hai nghệ sĩ.
Theo QQ, độ sâu của hồ nước chỉ tới đầu gối. Trên mạng xã hội, công chúng chê trách Triệu Lộ Tư và Từ Khai Sính lười biếng trong diễn xuất, ngại xấu vì đây vốn không phải là cảnh quay khó, nhưng đủ cho thấy thái độ làm việc có chuyên nghiệp hay không của nghệ sĩ. Bức xúc hơn là cát-xê của người đẹp sinh năm 1998 tại đoàn phim Quốc Tử Giám có một nữ đệ tử lên đến hàng trăm nghìn NDT/ngày.
Triệu Lộ Tư để lộ cảnh dùng diễn viên đóng thế. Ảnh: QQ, Sina. |
Trước làn sóng chỉ trích, nhà sản xuất phủ nhận hai diễn viên dùng thế thân. Họ đăng tải video hậu trường của Triệu Lộ Tư và Từ Khai Sính. Song màn thanh minh này không nhận được sự ủng hộ, thậm chí còn bị tố bao che cho cặp nghệ sĩ.
Trước Triệu Lộ Tư, đầu năm nay, Địch Lệ Nhiệt Ba cũng bị chỉ trích lười biếng, lạm dụng thế thân ở tác phẩm Trường Ca hành. Trong cảnh quay cận chiến, nhân vật Lý Thế Dân dùng đao tấn công Lý Trường Ca (Địch Lệ Nhiệt Ba đóng).
Diễn viên đóng thế đã đảm nhận cảnh quay cùng vũ khí, sau đó Địch Lệ Nhiệt Ba hoàn thành phần còn lại. Tuy nhiên, phân đoạn này bị dựng qua loa khiến khán giả nhìn rõ mặt thế thân của mỹ nhân Tân Cương. Do cảnh phim không khó hay nguy hiểm để cần diễn viên đóng thế chuyên nghiệp, Nhiệt Ba hứng chỉ trích.
Địch Lệ Nhiệt Ba không tốn nhiều công sức để hoàn thành dự án Trường Ca hành. Ảnh: Sina. |
Sau đó, nhà sản xuất đăng tải video hậu trường Địch Lệ Nhiệt Ba diễn tập cảnh quay này trên phim trường. Đạo diễn Chu Nhuệ Bân giải thích cảnh cận chiến dùng đoản đao rất nguy hiểm, các diễn viên được dẫn dắt bởi thầy võ thuật chuyên nghiệp để kiểm soát được lực ra tay và khoảng cách.
Ông cho biết sao nữ bị trang sức đập vào mắt trong quá trình luyện tập, nhưng bỏ ngỏ câu hỏi Nhiệt Ba có dùng thế thân hay không. Theo Sina, người đẹp sinh năm 1992 nhận được sự ưu ái lớn trong tác phẩm khi được cắt nhiều cảnh hành động, nguy hiểm.
Những cảnh như nhảy khỏi cửa sổ, nhảy vực rơi xuống nước, chiến đấu trên chiến trường đáng lẽ cô phải tự mình thực hiện, đều được đoàn làm phim dùng đồ họa thay thế. Mức thù lao hiện tại của cô là hơn 60 triệu NDT/tác phẩm.
Diễn viên lười sẽ khó tồn tại
Thanh Niên nhật báo đánh giá hiện tượng lạm dụng thế thân đang ngày càng phổ biến, và là căn bệnh khó loại bỏ của giới làm phim Trung Quốc. Vấn nạn này xảy ra ở nhiều ngôi sao trẻ, thuộc trường phái thần tượng.
Tờ báo gọi những nghệ sĩ sống dựa vào diễn viên đóng thế là lớp diễn viên lười của showbiz Hoa ngữ. Thanh Niên nhật báo phân tích nguyên nhân hiện tượng xấu này có thể tồn tại lâu dài trong ngành phim ảnh.
Thứ nhất, nhiều diễn viên lo sợ bị thương đối với cảnh hành động nguy hiểm, nhưng bản thân lại không có kỹ năng. Trong khi ê-kíp cũng muốn tránh mất người làm ảnh hưởng đến tiến độ, gánh mức bồi thường cao khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Trường hợp này có thể chấp nhận dùng thế thân chuyên nghiệp.
Cúc Tịnh Y và Angelababy thường xuyên bị chỉ trích vì lạm dụng thế thân. Ảnh: Sohu. |
Thứ hai, xuất phát từ tâm lý "sợ khổ, ngại xấu", để đảm bảo hình ảnh đẹp nhất trước ống kính, họ yêu cầu được dùng diễn viên đóng thế trong các cảnh quay có thể ảnh hưởng đến hình tượng.
Như trường hợp của Cúc Tịnh Y trên phim trường Nhiệt huyết Trường An. Cô dùng thế thân với lý do không thích quay cảnh bái đường vì thời tiết nắng nóng, hay cảnh đứng dưới mưa do sợ trôi mất lớp trang điểm.
Nguyên nhân thứ ba đến từ vấn đề thời gian và thu nhập. Phần lớn các nghệ sĩ ngày nay bên cạnh việc đóng phim, còn dự sự kiện thương mại và tham gia các show truyền hình.
Điều này khiến quỹ thời gian của họ trên phim trường bị thu hẹp đáng kể. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian và giảm chi phí, ê-kíp sẽ sử dụng diễn viên đóng thế ở những cảnh quay đơn giản, không rõ mặt nhằm giúp sao có thể "phân thân" chạy show.
"Giữa việc chờ đợi diễn viên chính để mất hàng chục triệu NDT/ngày, và việc chỉ tốn 500-1.000 NDT cho một diễn viên đóng thế, ai cũng biết phải chọn phương án nào. Mỗi đoàn phim dự trù kinh phí cho khoảng 500 suất mướn diễn viên đóng thế. Số tiền đó chiếm một phần nhỏ trong kinh phí", trợ lý trường quay Lâm Tiểu Sinh nói với Sina.
Theo Thanh Niên nhật báo, nguyên nhân sâu xa đến từ sự dễ dãi của chính nghệ sĩ và nhà sản xuất. Lớp diễn viên trẻ hiện nay không còn sống chết vào nghiệp diễn bởi họ có hơn một kênh phương tiện để đánh bóng tên tuổi, nhận mức thu nhập tốt. Việc này hình thành tâm lý dùng mánh khóe để hoàn thành vai diễn nhanh chóng, không cần tốn sức.
Trong khi đó, đoàn làm phim cũng dung túng, tiếp tay cho việc làm không tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của giới nghệ sĩ. Ê-kíp Cô phương bất tự thưởng từng bị chỉ trích vì quá dễ dãi với Chung Hán Lương - Angelababy.
Theo Douban, trong suốt 130 ngày đóng phim, cả Chung Hán Lương và Angelababy chỉ đóng chung trong khoảng 10 ngày. Cả hai dùng thế thân trong nhiều phân cảnh, kể cả cảnh bế và hầu như chỉ ghi hình ở studio trong nhà với phông nền xanh, thay vì di chuyển đến phim trường ngoài trời.
"Các đạo diễn hiện nay chỉ chăm chăm mời nghệ sĩ trẻ đẹp, đông fan để thu hút người xem, bất chấp việc họ hét giá thù lao làm mất cân đối nguồn kinh phí hay có năng lực diễn xuất kém cỏi. Việc nhà sản xuất chiều lòng diễn viên khiến họ ngày càng lạm quyền, gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong ngành", Sina nhận xét.
Theo Sina, showbiz Trung Quốc đang cần nhiều hơn lớp đạo diễn "cứng cựa" để trị bệnh lười cho giới diễn viên hiện nay. Như đạo diễn Nhĩ Đông Thăng từng tuyên bố tẩy chay các ngôi sao có ý thức làm nghề kém, đến trường quay không thuộc thoại, không nghiên cứu kịch bản và luôn đòi hỏi dùng người diễn hộ.
Hay đạo diễn Phùng Tiểu Cương, từng bắt Phạm Băng Băng ký hợp đồng với 3 điều khoản bắt buộc "không xin nghỉ trong 3 tháng; trước cảnh quay phải đến đoàn phim sớm để tập duyệt với bạn diễn; đòi hỏi cát-xê quá cao" mới được gia nhập ê-kíp Tôi không phải là Phan Kim Liên. Tuy nhiên, những đạo diễn như Nhĩ Đông Thăng hay Phùng Tiểu Cương hiện tại quá hiếm, theo Sina.