Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ Thành Lộc xin lỗi

Nghệ sĩ Thành Lộc gửi lời xin lỗi tới khán giả vì để xảy ra một số sơ suất về đạo cụ trong hai vở kịch ở sân khấu Thiên Đăng.

Sáng 3/12, nghệ sĩ Thành Lộc cho biết hai vở kịch diễn ra tại sân khấu kịch Thiên Đăng vừa qua gặp phải một số sai sót về đạo cụ. Khán giả theo dõi vở kịch là người phát hiện và chụp hình gửi riêng cho anh.

Theo Thành Lộc, cả hai vở đều lấy bối cảnh xã hội ở Sài Gòn, thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, trên đạo cụ là chiếc mền lại có in dòng chữ tên thành phố hiện tại. Ngoài ra, ở một vở kịch khác, diễn viên vào vai con nhà gia giáo nhưng lại để móng tay dài, có đắp móng, không phù hợp với bối cảnh xã hội.

nghe si thanh loc anh 1

Khán giả phát hiện sơ suất về đạo cụ trong hai vở kịch mới của sân khấu Thiên Đăng.

Nghệ sĩ cho biết bản thân anh và sân khấu không dám coi thường khán giả. Anh hối hận vì để xảy ra các sơ suất kể trên.

"Thay mặt sân khấu kịch Thiên Đăng, Thành Lộc cảm ơn khán giả đã phát hiện và đồng thời cũng xin lỗi quý vị về sự sơ suất chuyên môn thật tệ này", nghệ sĩ chia sẻ.

Sân khấu kịch Thiên Đăng do Thành Lộc thành lập vào tháng 7. Trên trang cá nhân, nghệ sĩ giải thích về lý do lấy tên Thiên Đăng cho sân khấu mới: "Tên được đặt là Thiên Đăng (đèn trời) nhưng cũng là ngọn đèn sân khấu bởi vì với người nghệ sĩ thì sân khấu là đạo trời, đạo làm người, là lẽ sống mà họ phải hết lòng tận tụy, phụng sự".

nghe si thanh loc anh 2

Nghệ sĩ Thành Lộc xin lỗi khán giả về sơ suất trong các vở kịch.

Trước đó, vào ngày 17/5, Thành Lộc xác nhận anh từ giã kịch người lớn ở Idecaf, tuy vậy, không bỏ nghề và không bỏ sân khấu.

Việc Thành Lộc rời khỏi sân khấu kịch Idecaf khiến nghệ sĩ và giới mộ điệu tiếc nuối.

Anh chính là người tạo dựng những viên gạch đầu tiên của sân khấu kịch này. Và Idecaf có những đêm diễn cháy vé trong bối cảnh ngành sân khấu trải qua nhiều thăng trầm, nhờ công lớn vào Thành Lộc. Như nhiều người trong ngành sân khấu đã nhận định, Thành Lộc chính là linh hồn của Idecaf.

Ngoài tài năng được giới mộ điệu ví như “phù thủy sân khấu”, Thành Lộc còn nỗ lực gìn giữ hình ảnh người nghệ sĩ kính nghiệp, chưa bao giờ thôi nhiệt huyết, đam mê và "rất khó tính với nghề".

Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.

Tâm An

Bạn có thể quan tâm