Theo SCMP, ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc lao đao sau hàng loạt chính sách của các nhà quản lý. Hàng loạt vấn đề được quản lý chặt chẽ, bao gồm văn hóa người hâm mộ, ngôi sao gặp bê bối đời tư, mặt trái của các cuộc thi tìm kiếm tài năng, phim thể loại đam mỹ.
Chuyên gia cho rằng có rất ít ca sĩ, diễn viên an toàn trước những quy định mới của các nhà quản lý Trung Quốc. Những cái tên lọt vào tầm ngắm nhanh chóng bị cấm hoạt động, trước hết là bị gạch tên khỏi mạng xã hội Weibo. Đôi khi, tên tuổi của họ mất sạch trên Internet chỉ sau một đêm.
Showbiz Hoa ngữ đang lao đao.
Phim đam mỹ bị cấm vì "thẩm mỹ lệch lạc". Ảnh: Sina. |
Hàng loạt lệnh cấm đến showbiz
Hiện tại, những người trong giới giải trí bị cấm hoạt động ngày càng nhiều. Những cái tên hạng A có sức ảnh hưởng tại showbiz Hoa ngữ như Triệu Vy, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, ca sĩ Hoắc Tôn, diễn viên Trương Triết Hạn, Tiền Phong - MC nổi tiếng của đài truyền hình Hồ Nam - đều bị xóa sổ khỏi Internet hoặc bị yêu cầu rút khỏi giới giải trí.
Chu Kỳ Duệ - cựu phóng viên giải trí của Oriental Daily, người có 6 triệu người theo dõi trên mạng xã hội - cho rằng ngành công nghiệp giải trí ngày càng khó khăn. Bất cứ sai lầm nào trong quá khứ đều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho các ngôi sao.
“Các ca sĩ, diễn viên giờ đây chịu sự giám sát từ công chúng và các cơ quan quản lý. Họ hoạt động trong bầu không khí căng thẳng. Nhiều chương trình bị gạch tên vì bị cho là có nội dung nhạy cảm”, Kỳ Duệ nói.
Hiện tại, phim truyền hình Hạo y hành bị cấm lên sóng vì chọn đề tài đam mỹ (thuật ngữ bắt nguồn từ danmei của Nhật Bản, chỉ tình yêu nam - nam. Trước đây, đam mỹ được biết đến là tiểu thuyết mạng, sau thịnh hành thành phim chiếu mạng, dần được phát trên đài truyền hình, theo Sixth Tone). Bộ phim ra đời sau thành công của Trần tình lệnh (2019) và Sơn hà lệnh (2021).
Lệnh cấm diễn ra sau khi Trần Phi Vũ (nam chính của Hạo y hành, con trai đạo diễn nổi tiếng Trần Khải Ca) tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ để lấy hộ chiếu Trung Quốc vào tháng 7. Là một trong những ngôi sao đầu tiên của showbiz Hoa ngữ tuyên bố chọn “chủ nghĩa dân tộc”, phim do nam diễn viên và La Vân Hi đóng chính vẫn bị cấm cửa.
Những nghệ sĩ có bê bối đời tư (từ trái qua: Triệu Vy, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn) đều bị xóa sổ khỏi Internet. Ảnh: Sina. |
Theo SCMP, những diễn viên da trắng, ẻo lả, trang điểm kỹ lưỡng bị gắn mác nương pháo, thẩm mỹ lệch lạc. Các nhà quản lý Trung Quốc ra quy định tránh xa nghệ sĩ theo đuổi hình tượng này. Chính sách mới của Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc liên quan đến các chương trình nghệ thuật, giải trí và các nhân sự liên quan.
Quy định đầu tiên nêu rõ các nền tảng phát thanh, truyền hình và Internet không tuyển dụng những nghệ sĩ có quan điểm chính trị lệch, hành xử trái với trật tự và đạo đức cộng đồng. Chính sách cũng yêu cầu cấm các chương trình tuyển chọn thần tượng, show truyền hình có mặt con cái người nổi tiếng, trả lương quá cao cho các ngôi sao.
Tuy nhiên, một số nhân vật nổi tiếng bị cấm hoạt động không hề vi phạm từ khi ban bố lệnh cấm. Họ bị tẩy chay vì những hành động và phát ngôn trong quá khứ.
“Triệu Vy, người bị loại khỏi Internet Trung Quốc vào tháng 8, là một trong những ngôi sao như vậy. Hình phạt mà cô ấy nhận được hôm nay do những sai phạm tài chính trong quá khứ”, Chu Kỳ Duệ nói.
Năm 2017, Triệu Vy và chồng là doanh nhân Huỳnh Hữu Long bị cấm tham gia thị trường chứng khoán trong 5 năm vì những sai phạm kinh tế. Riêng Triệu Vy từng bị tẩy chay vì diện trang phục nhạy cảm chính trị trong một lần làm việc ở New York, Mỹ.
Trương Triết Hạn - nghệ sĩ dưới quyền quản lý của công ty Triệu Vy - cũng bị buộc rời khỏi giới giải trí chỉ sau một đêm, sau khi bức ảnh nam diễn viên chụp tại khu vực nhạy cảm chính trị năm 2018 lan truyền trên mạng xã hội.
Nhà văn, MC Cao Hiểu Tùng - cựu giám đốc bộ phận âm nhạc của Alibaba Picture - gần đây bị thanh trừng, xóa sổ khỏi Internet Trung Quốc vì những hành động trong quá khứ. Năm 2016, Cao Hiểu Tùng phát ngôn nhạy cảm về chính quyền. Ngoài ra, việc hạ nhục văn hóa quốc gia, dính líu các vụ rửa tiền là nguyên nhân khiến kỷ nguyên Cao Hiểu Tùng - thế lực thâu tóm giới giải trí suốt 20 năm - chính thức chấm dứt, theo Tân Hoa Xã.
Nghệ sĩ phải làm gì?
Chu Kỳ Duệ nói rằng chính sách của các nhà quản lý Trung Quốc ngày càng chặt chẽ khiến toàn bộ ngành công nghiệp giải trí lo lắng. Gần đây, nhiều lệnh cấm đưa ra, đặc biệt từ sau vụ diễn viên Ngô Diệc Phàm bị cáo buộc ấu dâm, khiến các ngôi sao mang hai quốc tịch chịu sự giám sát chặt chẽ từ các nhà quản lý và công chúng.
Tuy kế hoạch của Cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc không có quy định cụ thể về ngôi sao mang hai quốc tịch, chuyên gia Lý Thu Hàn cho rằng những nghệ sĩ này luôn bị công chúng dè dặt, nhất là với khán giả tôn thờ chủ nghĩa dân tộc.
“Những nghệ sĩ có quốc tịch nước ngoài bị xem là đạo đức giả, hoạt động ở Trung Quốc chỉ để kiếm tiền. Họ thường là đối tượng bị dư luận kêu gọi tẩy chay. Công chúng và giới truyền thông cổ vũ, ủng hộ người từ bỏ quốc tịch nước ngoài, nâng họ lên làm hình mẫu”, Lý Thu Hàn nói.
Những ngôi sao gốc Hoa mang quốc tịch nước ngoài nhưng hoạt động mạnh ở Trung Quốc bị gọi tên sau vụ Ngô Diệc Phàm là Lưu Diệc Phi (quốc tịch Mỹ), Lý Liên Kiệt và Củng Lợi (quốc tịch Singapore).
Giữa lúc công chúng lên tiếng kêu gọi nghệ sĩ nên thể hiện lòng yêu nước, nam diễn viên kiêm ca sĩ Tạ Đình Phong lên tiếng nói về việc từ bỏ quốc tịch Canada. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia CCTV, sao phim Nộ hỏa nói: “Tôi đọc một số bình luận về bộ phim Nộ hỏa và nhận thấy có nhiều người nói tôi là người Canada. Tôi đã nộp đơn từ bỏ quốc tịch Canada và luôn là người Trung Quốc”.
Bạn trai diva Vương Phi là nghệ sĩ nối bước Trần Phi Vũ tuyên bố từ bỏ quốc tịch nước ngoài để có cơ hội hoạt động tại thị trường Đại lục.
Tạ Đình Phong, Trần Phi Vũ, Trương Nghệ Hưng, Dương Mịch (từ trái qua) đứng về phía công chúng, chính quyền Trung Quốc trong các vụ lùm xùm. Ảnh: QQ, Sina. |
Chân Tử Đan cũng là ngôi sao tuyên bố từ bỏ quốc tịch nước ngoài rất lâu trước khi showbiz Hoa ngữ bị đặt dưới nhiều quy định. “Tôi bỏ quốc tịch Mỹ từ năm 2009. Tôi có 100% quốc tịch Trung Quốc. Tôi xem thường người tự nhận là người Trung Quốc nhưng luôn hướng về phương Tây”, sao phim Diệp Vấn nói.
Lý Thu Hàn cũng cho rằng việc trở thành gương mặt đại diện cho những thương hiệu phương Tây khiến sao Trung Quốc đối mặt làn sóng chỉ trích. Đầu năm nay, Ngô Tuyên Nghi bị truyền thông xứ Trung chỉ trích vì trở thành đại sứ thương hiệu mới của Versace. Năm 2019, Versace bị dân Trung Quốc tẩy chay. Dương Mịch sau đó nhanh chóng chấm dứt hợp đồng với thương hiệu thời trang cao cấp Italy để không chịu sự tẩy chay từ khán giả.
Năm 2019, Trương Nghệ Hưng (Lay của nhóm EXO) - lúc đó là đại sứ của thương hiệu điện tử lớn nhất Hàn Quốc - tuyên bố cắt đứt quan hệ với nhãn hàng sau khi công ty có tuyên bố nhạy cảm về chính trị Trung Quốc. Theo SCMP, Trần Khôn không nhìn vào gương của Trương Nghệ Hưng. Sau khi nhận lời trở thành đại sứ thương hiệu của gã khổng lồ điện tử đến từ Hàn Quốc, sao phim Họa bì liên tục bị chỉ trích.
Theo SCMP, khi các nhà quản lý vẫn còn tiếp tục đưa ra những chính sách mới về giới giải trí, danh sách ngôi sao thất sủng sẽ ngày càng dài. Trong khi đó, các blogger giải trí, truyền thông Trung Quốc đang chạy theo xu hướng đào bới quá khứ nghệ sĩ, nhất là phát ngôn, hành vi không phù hợp với chính sách mới càng làm showbiz Hoa ngữ lao đao.
Chu Kỳ Duệ cho rằng người nổi tiếng, công ty đại diện nên thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định hợp tác với thương hiệu, các chương trình truyền hình, vạch ra con đường phát triển sự nghiệp.
“Hiện tại, tốt hơn hết nghệ sĩ nên ngồi yên, tránh xa ánh đèn sân khấu và phải thận trọng”, anh khẳng định.