Một trong những vấn đề khiến người hâm mộ Kpop và cả giới nghệ sĩ không hề thoải mái, thậm chí bức xúc thời gian qua chính là sự kiểm duyệt của Ủy ban truyền thông Hàn Quốc và các nhà đài, đặc biệt là KBS.
Vô vàn ca khúc bị cấm sóng
Nguyên nhân khiến một sản phẩm âm nhạc bị cấm rất dài và phức tạp. Nhưng, nhìn chung, lý do sử dụng tiếng lóng, tên thương hiệu hay có ca từ phản cảm, tục tĩu phổ biến hơn cả.
Đương nhiên, dù có hâm mộ âm nhạc và thần tượng của mình đến đâu thì với công chúng Hàn Quốc, đây vẫn là quyết định đúng đắn nhằm đảm bảo đời sống tinh thần phát triển theo hướng tích cực của giới trẻ nước này.
Tuy nhiên, không phải lúc nào lệnh cấm vận cũng được ủng hộ hoàn toàn, bởi, thực tế, rất nhiều trường hợp bị liệt vào danh sách với lý do kỳ quặc, khó hiểu, chẳng hạn Island của Winner hay Rainy Days của B2ST.
Island nằm trong danh sách đen của đài KBS chỉ vì câu hát "Anh muốn cùng em hòa làm một trên ghế sofa như lúc em lắc ly cocktail ấy" nghe có vẻ tục tĩu. Trong khi đó, Rainy Days đả động đến chất kích thích trong câu hát "Anh nghĩ là anh đã say, anh nên ngừng uống thôi" cũng không thoát khỏi số phận bị cấm.
Một trong hai ca khúc chủ đề mới nhất của nhóm nhạc Winner bị cấm phát sóng trên đài KBS. |
KBS dường như ác cảm với âm nhạc của YG, bởi vậy, không riêng Winner, trước đó, rất nhiều nghệ sĩ trực thuộc công ty này chưa kịp quảng bá ca khúc mới đã nằm trong danh sách.
Cụ thể, Holup!, Body và Full House của bộ đôi Bobby (iKON) và Mino (Winner) không được phép xuất hiện trên kênh truyền hình với lý do có tên thương hiệu, ca từ khiến giới trẻ có suy nghĩ tiêu cực, đồng thời cổ súy việc lái xe lúc say xỉn.
Trường hợp Knock Out của GD&TOP không chỉ bị KBS mà thậm chí 2 nhà đài còn lại là MBC và SBS cũng cấm cửa ca khúc này. Nguyên nhân là bởi ca khúc sử dụng tiếng lóng và có nội dung không phù hợp để phát sóng trên truyền hình.
Cũng vì lý do để cấm vận quá nhiều, trong khi nghệ sĩ Hàn Quốc ngày càng cởi mở trong vấn đề ca từ nên danh sách ca khúc bị cấm mỗi năm ở nước này lên tới hàng trăm. Trong đó, rất nhiều bài hát nổi tiếng, được khán giả yêu thích như We Like To Party, Fxxk It (Big Bang), Gentleman (PSY), Mirotic (TVXQ)…
Nghệ sĩ Hàn thách thức nhà đài
Hiện tại, khi internet phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng hơn cả trong sự phát triển của một thị trường âm nhạc, lệnh cấm từ các nhà đài không còn tác động nhiều đến vận mệnh của một bài hát.
Hàn Quốc cũng như thị trường âm nhạc Hoa Kỳ, một bài hát có nội dung quá thô bạo và bị cấm trên sóng phát thanh hay truyền hình sẽ được thay thế bằng phiên bản khác đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kiểm duyệt.
Tuy nhiên, trong trường hợp video, mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Dù có thể quay mới hoặc chỉnh sửa MV nhưng việc này đòi hỏi tiêu tốn một số tiền mà không phải nghệ sĩ hay công ty nào cũng sẵn sàng chi ra.
Trong bối cảnh đó, việc phát hành qua internet không yêu cầu về nội dung khiến nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc và người hâm mộ dần "phớt lờ" những lệnh cấm.
Các sản phẩm của G-Dragon thường xuyên bị dãn nhãn 19+, nhưng điều đó không thể ngăn cản việc anh trở thành một ngôi sao lớn và sở hữu vô số bản hit. Có lẽ, bản thân G-Dragon hiểu rằng anh sẽ thoát khỏi bất cứ rào cản nào chỉ cần sự hỗ trợ từ internet. Bởi vậy, sản phẩm âm nhạc của trưởng nhóm Big Bang ngày càng táo bạo, gai góc.
G-Dragon và Big Bang thường dính lệnh cấm nhưng âm nhạc của họ vẫn được đông đảo khán giả yêu thích. |
Những tên tuổi khác cũng bắt đầu thể hiện rõ quan điểm của mình khi đối mặt với lệnh cấm vấn, gần đây là 2 nhóm nhạc nổi tiếng của SM: EXO và NCT 127.
Trong trường hợp EXO, các chàng trai xuất hiện đầy táo bạo với hình xăm lớn trong MV Ko Ko Bop, bất chấp đây là hành vi nghiêm trọng, thường bị cấm trên sóng truyền hình.
Trong khi đó, NCT 127 đã từ chối phát hành phiên bản khác sau khi ca khúc Cherry Bomb dính lệnh cấm của KBS. Bài hát này bị từ chối phát sóng vì có lời lẽ bạo lực.
Từ chối sửa đổi ca khúc cũng là cách làm của YG mỗi nghệ sĩ của công ty này dính cấm vận. Họ chấp nhận việc các sản phẩm âm nhạc không xuất hiện trên sóng truyền hình thay vì sửa đổi ca từ nhằm giữ nguyên nội dung và thông điệp ca khúc.
Tất cả điều này cho thấy nghệ sĩ Hàn Quốc đang bắt đầu xem xét các lựa chọn khác, ngoài việc tạo ra sản phẩm âm nhạc phù hợp với những tiêu chuẩn phát sóng trên phương tiện công cộng. Họ liều lĩnh và bắt đầu bỏ qua các tiêu chuẩn từng phải tuân theo một cách cứng nhắc trong nhiều năm liền.
Về cơ bản, sức mạnh của internet giúp ca sĩ có thể đạt được những điều mà họ không bao giờ nghĩ là có thể. Và thực tế đã chứng minh rất nhiều ca khúc dính lệnh cấm nhưng thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc, thậm chí làm nên tên tuổi của nghệ sĩ, chặng hạn Mirotic (TVXQ), Rainy Days (B2ST), Zutter (GD&TOP),…