Tranh luận nóng lên tại Nhật Bản kể từ vụ việc một công ty giải trí lớn, Yoshimoto Kogyo, ngày 24/6 đình chỉ một số nghệ sĩ hài nhận tiền để tham dự các chương trình do nhóm bị cho là tội phạm đứng ra tổ chức.
Các bê bối bắt đầu khi một tạp chí đăng tin nghệ sĩ hài Hiroyuki Miyasako, 49 tuổi, thuộc nhóm hài Ameagari Kesshitai, và một số người khác thuộc công ty Yoshimoto Kogyo đã tham dự một sự kiện của băng đảng tội phạm khoảng 5 năm trước.
Nghệ sĩ hài Hiroyuki Miyasako, 49 tuổi, đã tham dự một sự kiện của băng đảng tội phạm khoảng 5 năm trước. Ảnh: Kyodo. |
Công ty Yoshimoto Kogyo sau đó sa thải nghệ sĩ hài Shinya Irie, 42 tuổi, người được cho là đã mời những người kia đến sự kiện. Đến ngày 27/6, công ty đình chỉ vô thời hạn hai nghệ sĩ khác vì biểu diễn cho sinh nhật một chủ nhà hàng khoảng ba năm trước, có sự tham dự của những tên tội phạm có tổ chức.
Công ty quản lý tài năng này đại diện cho tới 6.000 nghệ sĩ hài.
Nhưng những người trong ngành nói với Jiji Press (Nhật Bản) rằng nghệ sĩ hài ở Nhật đang không sống nổi với các show diễn chính thống do công ty sắp xếp, chẳng hạn như trên truyền hình.
“Tôi không sống nổi nếu không đi diễn ngầm”, một nghệ sĩ hài ở tuổi ngoài 30 từ một công ty giải trí lớn nói.
“Diễn ngầm” (underground) nói đến việc diễn kiếm tiền ở các show không qua công ty quản lý, và được coi là nguồn thu lớn cho các nghệ sĩ hài vì không có trung gian thu phí môi giới.
“Dù nhiều nghệ sĩ đã nổi danh nhờ có ngày càng nhiều các chương trình TV có show hài, rất khó để họ có thể duy trì sức nóng của mình”, một người khác trong ngành giải trí nói.
“Họ không có lựa chọn nào khác là phải diễn ngầm, vì họ quá nổi tiếng với công chúng, nên không thể kiếm thêm bằng những việc bán thời gian”.
Việc diễn ngầm không phạm pháp, nhưng có lo ngại rằng tiền thù lao chính là những đồng tiền bẩn từ tội phạm, theo những người trong ngành.
Chương trình mà nghệ sĩ hài Hiroyuki Miyasako biểu diễn 5 năm trước diễn ra tháng 12/2014. Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ một số người thuộc nhóm bị nghi là tội phạm có tổ chức vì tội lừa đảo 5 triệu yen (46.235 USD) của một phụ nữ.
Nhưng luật sư Takashi Ozaki, từ Hội Luật sư Nhật Bản, cho rằng cần nhìn nhận công bằng hơn với các nghệ sĩ hài: “Những bê bối này đã thành cái cớ để chê trách các nghệ sĩ, thay vì nhìn nhận đúng về các nhóm phản xã hội... chúng ta nên tìm cách ngăn cách các cá nhân và tổ chức khỏi các nhóm phản xã hội”.