Tại buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ" vào chiều 19/4 ở Hà Nội, vấn đề người nổi tiếng thiếu văn minh trên mạng xã hội và có hành vi trái thuần phong mỹ tục được đưa ra trao đổi.
Chương trình có sự tham gia của ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cùng một số chuyên gia truyền thông, nghệ sĩ.
Nhiều biện pháp làm trong sạch giới giải trí
Ông Trần Hướng Dương cho biết Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã tham mưu với Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch ban hành bộ quy tắc ứng xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Quy tắc có 9 điều với điều 8 liên quan đến vấn đề ứng xử trên mạng xã hội. Theo đó, giới nghệ sĩ phải ứng xử văn hóa và việc hạ bệ, văng tục là không nên.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025 để chấn chỉnh tình trạng một số cá nhân nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Những người vi phạm có thể bị hạn chế hoạt động.
Về vấn đề này, ông Trần Hướng Dương trao đổi: “Quan điểm của tôi, tôi không dùng từ ‘phong sát’, ‘cấm sóng’ vì nghe đao to búa lớn. Ở nước mình, mọi vi phạm đều được xử lý theo pháp luật. Về phía cơ quan nhà nước, chúng tôi sẽ có nhiều biện pháp tiếp theo để làm sạch không gian mạng và lĩnh vực nghệ thuật. Đây là điều chắc chắn”.
Ông Trần Hướng Dương (áo trắng) bày tỏ mong muốn quy chế sẽ được áp dụng sớm hơn tháng 10. Ảnh: BTC. |
Ông nói thêm: “Chúng tôi đang làm việc với một số bộ ngành để đưa ra quy chế hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của những người hoạt động nghệ thuật nhưng có hành động vi phạm pháp luật, đạo đức. Sẽ có những hình thức nghiêm khắc và khung pháp lý để xử lý nghệ sĩ có hành vi sai trái, thậm chí có thể có những biện pháp mạnh, chẳng hạn không cho xuất hiện. Hy vọng quy chế được áp dụng sớm hơn tháng 10”.
Khi được hỏi về các đề xuất cụ thể, chẳng hạn cấm sóng nghệ sĩ vi phạm trong bao nhiêu tháng, ông Trần Hướng Dương nói mọi thứ đang trong quá trình dự thảo nên chưa thể trả lời.
Trong buổi tọa đàm, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nhận định mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn có thể kết bạn với những người mới và tìm lại những người bạn đã mất liên lạc từ lâu. Tuy nhiên, song song cùng lợi ích là những hệ lụy.
Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, những bài viết có ngôn từ xấc xược, thậm chí văng tục luôn thu hút hơn cả so với câu chuyện tích cực. Ở mạng xã hội, chúng ta phải chung sống với những thứ “xấu xí”, đặc biệt việc các nghệ sĩ đưa lên câu chuyện tiêu cực, hình ảnh gợi cảm, phản cảm...
Về vấn đề hạn chế hoạt động của giới nghệ sĩ trong Quyết định 512, chuyên gia truyền thông nhận định: “Tôi nghĩ dự thảo sẽ được ủng hộ rất nhiều. Công chúng ủng hộ việc làm trong sạch mạng xã hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ để ‘phong sát’ như ở Trung Quốc không phải dễ. Để tạo ra lưới lọc và hạn chế nội dung xấu tiêu cực, công chúng có vai trò đầu tiên”.
GS.TS Từ Thị Loan nhận định nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng. Mỗi hình ảnh, bài viết của họ đều có ảnh hưởng tới giới trẻ và giới trẻ là bộ phận đông nhất trên mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những hành động tích cực, chẳng hạn làm từ thiện vẫn xuất hiện những nghệ sĩ “lộng ngôn”.
“Các nghệ sĩ có cái tôi lớn, bệnh ngôi sao và nghĩ bản thân là người của công chúng. Do đó, họ luôn tìm cách để thu hút sự chú ý từ công chúng. Tuy nhiên, cách làm đôi khi bị lố, thậm chí có nhiều hành động phản cảm và lạm dụng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn, bóc phốt, đấu tố nhau. Nhiều người thậm chí lợi dụng mạng xã hội để quyên góp tiền từ thiện nhưng không minh bạch”, GS.TS Từ Thị Loan cho biết.
Ủng hộ việc cấm sóng, hạn chế hoạt động
Trao đổi về vấn đề hạn chế hoạt động với những nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, người mẫu Hạ Vy cho rằng cơ quan quản lý cần đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, hướng xử lý hiện giờ khá chung chung.
“Với nghệ sĩ có lối hành xử, lời ăn tiếng nói không phù hợp thuần phong mỹ tục trên Facebook hay TikTok, chúng ta có thể bỏ luôn tài khoản mạng xã hội đó. Nghệ sĩ đương nhiên khi xóa tài khoản mạng xã hội này có thể lập tài khoản khác nhưng việc bị khóa nhiều lần khiến nghệ sĩ sẽ tiết chế hơn. Nghệ sĩ phải là người có lời ăn tiếng nói văn minh nhất vì họ có sự ảnh hưởng lớn, nhất là những ngôi sao hạng A”, Hạ Vy nhấn mạnh.
Diễn viên Hàn Trang chia sẻ ở tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn. |
Diễn viên trẻ Hàn Trang cho rằng ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân và nghệ sĩ không ngoại lệ. Tuy nhiên, khi nghệ sĩ có những bài viết vi phạm thuần phong mỹ tục, việc lên án họ là nên làm bởi những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thường có sức ảnh hưởng và lượt theo dõi lớn.
“Các bạn trẻ hiện giờ dùng mạng xã hội thường xuyên và họ quan tâm đến những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng. Do đó, tôi ủng hộ việc cấm sóng, hạn chế hoạt động với những nghệ sĩ lệch chuẩn, có lời nói, hành vi không đúng thuần phong mỹ tục. Và trước khi bị cấm sóng, những nghệ sĩ có hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật sẽ nhận hậu quả trước tiên là khán giả lên án, các đơn vị sản xuất quay lưng. Do đó, tôi cho rằng nghệ sĩ nên có lối sống tích cực để làm tấm gương cho các khán giả trẻ”, diễn viên sinh năm 2000 cho biết.
Sách tham khảo: Người khôn ngoan ứng xử giao tiếp như thế nào? do nhóm tác giả Douglas Stone, Bruce Pation và Sheila Heen viết, lọt danh sách best-seller theo bình chọn của The New York Times. Cuốn sách như một cẩm nang nhỏ chứa đựng kỹ năng ứng xử cần thiết cho mỗi người.