Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề quấn ‘đuôi trâu’ xuất ngoại

Những ngày này, người dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang tất bật với công việc quấn “đuôi trâu” xuất khẩu sang Nhật Bản. Nghề độc đáo mới xuất hiện ở vùng quê này chừng 10 năm.

Theo ông Vũ Văn Chiến (54 tuổi, ở thôn 2, xã Ân Hòa), “đuôi trâu” là cách người dân gọi cho dân dã, dễ gần. Còn đây là loại hàng hóa rất đặc biệt phục vụ cho việc thờ cúng của người Nhật Bản, cũng giống như người Việt Nam dùng vàng mã.

Nguyên liệu để làm “đuôi trâu” là lúa tám thơm cây cao ở giai đoạn “thì con gái” mướt mát, thơm ngào ngạt. Lúa được các doanh nghiệp trồng, thu hoạch rồi sấy khô, sau đó giao cho người dân. Họ chỉ việc đến nhận về nhà để quấn, tết theo yêu cầu mẫu mã của doanh nghiệp cung cấp. Khi sản phẩm hoàn thành, người dân thu gom nhập cho doanh nghiệp xuất khẩu qua xứ sở mặt trời mọc.

bnmm
Gia đình ông Chiến làm công việc quấn, tết "đuôi trâu" xuất ngoại hơn 10 năm qua. Ảnh: Nguyễn Dương. 

Gia đình ông Chiến làm công việc này đã chục năm nay. Nhà ông có 3 lao động nên thực hiện công việc theo dây chuyền. Ông Chiến làm công việc sản xuất độn (ruột bên trong “đuôi trâu”) từ rơm rạ. Còn việc quấn chỉ hợp với phụ nữ khéo tay, chịu khó. Bà VũThị Thừa (mẹ ông Chiến) dù đã 80 tuổi nhưng vẫn thoăn thoắt quấn chẳng kém gì con dâu.

Công việc “quấn đuôi trâu” của gia đình ông Chiến bắt đầu từ 6h sáng đến hơn 11h trưa. Buổi chiều, họ làm từ 14h đến chập tối. Có ngày doanh nghiệp yêu cầu nhiều hàng thì làm đến khuya mới nghỉ. Một đuôi trâu có giá 6.000 đồng và mỗi ngày, gia đình nông dân này có thể làm ra vài trăm cái, thu nhập hơn 1 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Thừa đã 80 tuổi nhưng vẫn còn tinh mắt, tay thoăn thoắt làm ra các loại
Bà Vũ Thị Thừa đã 80 tuổi nhưng vẫn còn tinh mắt, tay thoăn thoắt làm ra các loại "đuôi trâu". Ảnh: Nguyễn Dương.

Nhờ có việc đột nhiên xuất hiện này mà lúc mùa màng đồng ruộng xong, gia đình ông Chiến có thêm thu nhập. Số tiền tích góp, tằn tiện được, vợ chồng ông Chiến nuôi 3 người con học đại học. Hai người con đầu đã ra trường, có công việc ổn định.

Hàng xóm của ông Chiến là vợ chồng bà Đào Thị Duyên (53 tuổi) và ông Vũ Văn Toan (52 tuổi) gắn bó với cái nghề độc đáo này từ năm 2004. Bà Duyên cho hay: “Nghề này không vất vả lắm, nhưng phải chịu khó. Vì phải ngồi nhiều, có nhiều hôm phải chịu nóng. Bởi nếu bật quạt thì lúa sẽ khô và rất khó quấn”.

Nghề không vất vả này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà Đào Thị Duyên (53 tuổi). Ảnh: Nguyễn Dương.
Nghề không vất vả này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà Đào Thị Duyên (53 tuổi). Ảnh: Nguyễn Dương.

Mỗi ngày, trung bình vợ chồng bà Duyên quấn được 25 đến 30 cái, ngày làm năng suất cao thì được 100. "Số tiền kiếm được hàng tháng tôi góp riêng để gửi cho ba đứa con đang học đại học ở Hà Nội", bà Duyên hồ hởi nói.

Ngoài hơn chục hộ dân xã Ân Hòa làm nghề “quấn đuôi trâu”, ở các xã Quang Thiện, Như Hòa, Kim Chính (huyện Kim Sơn) cũng có hàng trăm hộ đăng ký làm. Nhờ bàn tay khéo léo của họ, những cọng rơm biến thành món hàng xuất khẩu có hình thù độc đáo. Cái nghề có một không hai này tuy không phải là nghề chính nhưng mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống của người dân nơi đây.

Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm