Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vua tỏi Lý Sơn' đưa sản phẩm đi nước ngoài

Thái Lan, Dubai, Singapore đặt hàng 80 tấn hành tỏi Lý Sơn từ chàng cử nhân Đại học Bách khoa Đà Nẵng Nguyễn Văn Định (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Trước đó, khi quyết định không làm kỹ sư ở một công ty dầu khí, Định gặp sự thất vọng của mẹ: “Ăn học đàng hoàng sao lại đi bán tỏi dạo hả con”. Nhắc lại chuyện này, bà Đinh Thị Hợi (mẹ anh Định) vẫn không quên được những ngày bà nước mắt ngắn dài khuyên con.

Anh Định (trái) giới thiệu sản phẩm tỏi Lý Sơn cho người tiêu dùng - Ảnh: Trần Mai

Từ xe máy leng keng đến hợp đồng chục tấn

Với mục tiêu làm cho thương hiệu tỏi Lý Sơn bay cao hơn, làm giàu trên chính quê hương mình, Định quyết vượt qua nỗi lo của gia đình, anh mua mấy trăm ký hành tỏi đi Đà Nẵng. 

Lớn lên ở Lý Sơn, gia đình bao đời đi biển, trồng hành tỏi, Định hiểu được sự nhọc nhằn của nông dân. Làm ra sản phẩm đã khó nhưng bán lại bị thương lái ép giá, khiến tỏi Lý Sơn dù danh tiếng nhưng người dân lại không thu lợi được bao nhiêu.

“Mỗi lần về quê thấy gia đình thu hoạch vài tấn tỏi để đầy nhà, giá lại phụ thuộc thương lái. Có khi 1 kg tỏi chỉ bán được 30.000 đồng, tôi cứ nghĩ tại sao tỏi quê mình có tiếng thế mà lại không bán được với giá cao hơn?” - Định chia sẻ lý do.

"Làm việc với anh Định, mình thấy anh không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà mục đích lớn nhất là tạo nên thương hiệu cho sản phẩm quê nhà"
Chị Phạm Thị Thùy Linh (nhân viên của Vua tỏi Lý Sơn)

Thuê một phòng trọ, chàng cử nhân ngành cơ khí chở hành tỏi đi bán dạo khắp thành phố Đà Nẵng. Mỗi ngày cố gắng lắm anh bán được gần 100 kg. 

“Tôi chọn Đà Nẵng để khởi nghiệp vì đây là thành phố lớn” - Định nói. Những ngày đó, anh vừa chạy xe máy khua chuông vừa rao lớn chào hàng: “Tỏi Lý Sơn, tỏi Lý Sơn đây”.

Đó là những ngày tháng cách đây năm năm. Bán dạo một thời gian, Định bắt đầu “tấn công” vào siêu thị Big C. Tìm hiểu các gian hàng, anh nhận định mình có cơ hội ở đây vì sản phẩm hành tỏi trên kệ không thể sánh bằng sản phẩm quê mình.

Nhưng mọi thứ diễn ra hết sức khó khăn, siêu thị nào cũng có nhà cung cấp hàng. Thuyết phục mãi Big C nhận của anh... 10 kg. Một tuần sau số tỏi đó bán hết, siêu thị đặt thêm 300 kg rồi 3 tấn. Những con số ấn tượng dần theo thời gian. “Cho đến giờ thì cả chục tấn mỗi tháng rồi” - anh Định cho biết.

Từ số tiền tích cóp và mượn thêm bạn bè được 400 triệu đồng, Định thuê kho chứa hành tỏi và tuyển sinh viên làm dịch vụ cung ứng hành tỏi tận nhà cho khách hàng, bắt đầu bước vào con đường kinh doanh bài bản.

Những hợp đồng xuất ngoại đầu tiên

Hiện Định thu mua tỏi tươi của người dân với giá 55.000 đồng/kg, sau đó chế biến, phơi khô đúng chuẩn để cung ứng cho đối tác. Sau bốn năm, tỏi Lý Sơn chính hiệu của anh đã có mặt ở 29 siêu thị trong hệ thống siêu thị Big C và nhiều siêu thị khác khắp cả nước.

Để tạo uy tín cho sản phẩm chính hiệu trước hàng “nhái” hành tỏi Lý Sơn, Định đã đăng ký thương hiệu “Vua tỏi Lý Sơn” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & công nghệ) cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra tại các cảng hàng không ở miền Trung, Định cũng cung ứng hàng cho các quầy bán cho du khách. Đây chính là cơ duyên để Định nhìn thấy người nước ngoài thích sản phẩm hành tỏi Việt Nam ra sao. 

Rồi những câu chuyện lân la để hiểu hơn thị trường nước ngoài, kể cả ngồi đồng trên mạng tìm thông tin, Định bắt gặp được mối dây đưa sản phẩm ra nước ngoài. 80 tấn hàng cho ba thị trường Thái Lan, Dubai, Singapore là những hợp đồng đầu tiên của anh chàng nay vừa 33 tuổi.

Các cửa hàng “Vua tỏi Lý Sơn” tạo công việc ổn định cho 16 nhân viên trẻ và chuyên gia chế biến với thu nhập ổn định từ 2,4 - 14 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm thời vụ cho hơn 50 sinh viên vào dịp tết và những khi phải xuất số lượng hàng lớn đi nước ngoài. 

Định đang xúc tiến tìm hiểu các thị trường ở Malaysia, Lào, Hàn Quốc, tìm những đối tác tiếp theo. Bên cạnh đó là việc đa dạng sản phẩm với kim chi tỏi, tỏi ngồng, giấm hành, giấm tỏi, hợp tác với đối tác sản xuất tỏi đen, tỏi một tép làm dược liệu...

Không dừng lại, Định đang hướng đến những đặc sản khác của quê hương mình như mực rim, ốc cừ, rong hoa đá... “Mình muốn đặc sản Lý Sơn vươn ra tầm thế giới như danh tiếng của quê mình - hải đội Hoàng Sa” - Định nói chắc nịch.

Việc làm ý nghĩa khi huyện đang loay hoay đầu ra

Anh Nguyễn Văn Định vừa được bầu làm phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ hành tỏi Lý Sơn.

Ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện đảo Lý Sơn - cho biết toàn huyện Lý Sơn hiện có 325ha diện tích trồng tỏi, sản lượng tỏi năm 2015 khoảng 2.560 tấn tỏi tươi. Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Giá bán hiện nay cho thương lái là 60.000 đồng/kg tỏi khô, so với mọi năm là bình thường, bà con nông dân sẽ có được thu nhập ổn định”.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Trần Văn Minh nói: “Chàng trai trẻ đã mở ra một trang mới cho hành tỏi Lý Sơn trong lúc huyện Lý Sơn đang loay hoay tìm đầu ra. Thương hiệu hành tỏi Lý Sơn mà Định tạo dựng đã vươn ra tầm quốc tế, một công việc ý nghĩa, rất đáng để những người trẻ học hỏi”.

Cũng theo ông Minh, tỉnh Quảng Ngãi đang tạo điều kiện cho Định vay vốn ưu đãi để tiếp tục đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo dựng thương hiệu vững bền để hành tỏi Lý Sơn trở thành sản phẩm có giá trị cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng tỏi.

 

Vua tỏi Lý Sơn và ước mơ ‘siêu phẩm’ 5 triệu/kg

"Mỗi năm, gia đình tôi thu trên dưới 20 tấn tỏi. Sau khi phơi khô, tỏi được phân loại thành tỏi loai 1-2-3. Giá bán cũng căn cứ theo mức phân loại này", vua tỏi Lý Sơn cho biết.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/vua-toi-ly-son-dua-toi-di-nuoc-ngoai/767544.html

Theo Trần Mai/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm