Tại buổi toạ đàm về hoạt động hành nghề quản lý và thanh lý tài sản do Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án Nhân dân tối cao tổ chức sáng nay (8/6), Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho hay quản tài viên là một nghề mới ở Việt Nam.
Không chỉ các luật sư kì cựu, những người tốt nghiệp đại học, đã tham gia làm ở lĩnh vực này được khoảng 5 năm đều có thể trở thành các quản tài viên.
"Họ chịu trách nhiệm quản lý, thanh lý tài sản. Hiện ở Việt Nam mới chỉ có gần 700 quản tài viên ở các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này", ông Ngọc cho biết.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc. Ảnh: Kiều Vui |
Khẳng định những người làm nghề này đang gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc dẫn chứng, tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề chưa được cân đối giữa những người là luật sư với những người đã tốt nghiệp đại học với 5 năm kinh nghiệm.
Ngay bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay cơ quan quản lý nhiều khi còn chưa hiểu rõ, thậm chí chưa biết về nghề này. Thậm chí, có quản tài viên không biết phải làm những gì, thù lao thế nào...
"Họ còn bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thi hành pháp luật", ông Ngọc nói.
Ông phân tích, do nghề còn mới trong nhận thức của nhiều người nên chưa được quan tâm đúng mức để phát triển, nhiều khi còn trục trặc trong sự phối hợp giữa toà án và những người làm nghề này.
Khó khăn lớn nhất là chi phí
Ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh toà - Toà Kinh tế (Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị gặp khó khăn trong việc lựa chọn và liên hệ người làm quản tài viên. "Danh sách mà Bộ Tư pháp cung cấp chỉ nêu tên, năm sinh, không có thông tin cá nhân như địa chỉ, lĩnh vực chuyên sâu, số điện thoại hay email của họ".
Lễ trao Chứng chỉ hành nghề cho đại diện các quản tài viên đầu tiên được cấp Chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam tháng 7/2015. Ảnh: MOJ |
Sau khi thu thập được các thông tin về những người này, Thẩm phán còn phải cân nhắc, lựa chọn người phù hợp với từng vụ việc, từng lĩnh vực.
"Nhiều người hỏi chúng tôi là tôi phải làm những gì? Thù lao thế nào? Có người còn băn khoăn, e ngại khi được chỉ định tham gia vụ việc phá sản", ông Tiến nêu thực tế.
Thừa nhận những khó khăn trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Thiên Thanh - Hà Nội) - một trong những quản tài viên đầu tiên ở Việt Nam nói thêm, khó khăn lớn nhất của nghề cũng như với doanh nghiệp (DN) quản lý, thanh lý tài sản là việc tạm ứng, thanh toán các chi phí liên quan.
"Theo luật, chúng tôi được nhận chi phí tạm ứng, nhưng trên thực tế thời gian nhận được tạm ứng chi phí quá lâu, thủ tục quá phức tạp, mức tạm ứng chi phí không đủ bù đắp chi phí bỏ ra", ông Nguyễn Thế Truyền cho biết.
Vị luật sư này nói thêm, chi phí thanh toán cho quản tài viên theo luật được lấy từ giá trị tài sản của DN mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, tài sản DN nhiều khi không còn khiến họ phải tự bỏ tiền túi ra thực hiện công việc mà khả năng được bồi hoàn rất thấp.
Ông Truyền đề xuất chi phí này phải được tính luôn vào một phần lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thẩm phán cho phép quản tài viên được tiến hành thanh lý, đấu giá một số tài sản có thanh khoản cao ngay trong tiến trình mở thủ tục phá sản để làm tạm ứng chi phí bù đắp phần nào những chi phí thực tế.
Những bất cập này, theo ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh toà - Toà Kinh tế, là nguyên nhân của việc ở Việt Nam rất hy hữu mới có một quyết định tuyên bố phá sản.
"Trong cả quá trình tôi công tác ở Toà Kinh tế mới chỉ có 1 quyết định tuyên bố phá sản", ông Tiến cho biết.