Zing lược dịch bài viết của tác giả Alan Trapulionis đăng trên Medium về Kevin Systrom, đồng sáng lập ứng dụng chia sẻ ảnh Burbn, tiền thân của Instagram.
Kevin Systrom sinh năm 1983 tại Mỹ. Tốt nghiệp Đại học Stanford năm 2006 với tấm bằng cử nhân ngành quản trị khoa học và kỹ thuật, Systrom gia nhập Google ở vị trí tiếp thị sản phẩm, đóng góp cho nhiều dịch vụ như Gmail, Sheets hay Calendar trong suốt 2 năm.
Dù vậy, Systrom quyết định nghỉ việc tại Google sau khi được lên chức nhưng không được làm việc theo sở thích. Rời Google, Systrom làm việc tại NextStop, ứng dụng đề xuất vị trí trên smartphone bằng GPS.
Cuối thập niên 2000, các ứng dụng check-in như Foursquare thu hút khá nhiều người sử dụng. Làm việc tại một startup như NextStop giúp Systrom chủ động hơn trong công việc.
Kevin Systrom, đồng sáng lập ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram. Ảnh: TechCrunch. |
Ứng dụng có 80 người dùng sau 9 tháng
Sau một năm trau dồi kỹ năng lập trình tại NextStop, Systrom quyết định tạo ra ứng dụng check-in riêng. Đó là lúc Burbn ra đời.
Burbn là đứa con tinh thần mà Systrom đặt nhiều tâm huyết. Không giống những ứng dụng check-in khác, Burbn cho phép người dùng đăng ảnh, video bên cạnh check-in địa điểm.
Ý tưởng của Systrom nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư khi được Baseline Ventures và Andreessen Horowitz rót tổng cộng 500.000 USD. Theo chia sẻ của Systrom, anh mất khoảng 60.000 USD để phát triển và ra mắt Burbn.
Dù có ý tưởng tốt, Burbn chỉ đạt 80 người dùng trong 9 tháng - đa số là người quen, bạn bè của Systrom. Khi anh giới thiệu Burbn cho người lạ, họ vẫn nhiệt tình cài ứng dụng nhưng rồi cũng vứt xó sau vài phút.
“Chúng tôi lập danh sách tính năng của Burbn, tự hỏi rằng tính năng nào đã tồn tại... Có rất nhiều ứng dụng check-in, nhưng không một giải pháp hữu ích nào giúp chia sẻ ảnh với bạn bè cùng lúc”, Systrom nói.
Cậu thanh niên thu dọn đồ đạc, cùng bạn gái Nicole (sau này trở thành vợ) rời California để đến Mexico du lịch. Có lẽ đi du lịch cùng bạn gái chính là quyết định sáng suốt nhất lúc ấy của Systrom.
Bức ảnh đầu tiên trên Instagram với bộ lọc X-Pro II. |
“Ồ, vậy thì anh làm bộ lọc đi”
Tại Mexico, Systrom hỏi bạn gái tại sao không đăng ảnh lên Burbn. Cô giải thích rằng ảnh chụp từ iPhone 4 không đẹp như ảnh của bạn bè Systrom. Anh giải thích rằng bạn mình luôn sử dụng bộ lọc ảnh.
“Ồ, vậy thì anh làm bộ lọc đi”. Sau câu nói của bạn gái, Systrom liền tạo ra X-Pro II, bộ lọc ảnh đầu tiên của Burbn. Sau đó, bức ảnh đầu tiên với bộ lọc X-Pro II, chụp một chú chó ngồi gần quầy bánh taco tại Mexico, được đăng lên ứng dụng.
Cùng với Mike Krieger, Systrom đã lược bỏ hầu hết tính năng trên Burbn trừ chia sẻ ảnh. Ngày 6/10, Burbn trở thành Instagram, tên gọi kết hợp giữa instant camera (chụp ảnh nhanh) và telegram (hình thức gửi điện tín).
Trong ngày đầu phát hành trên App Store, Instagram đã được tải xuống 25.000 lần. Tháng 12/2010, ứng dụng cán mốc một triệu lượt tải.
Tháng 4/2012, CEO Facebook, Mark Zuckerberg tuyên bố mua lại Insagram với giá 1 tỷ USD. Thương vụ được cho là giúp Systrom có được 400 triệu USD.
Từ trái sang là Mike Krieger, Mark Zuckerberg và Kevin Systrom. Ảnh: Instagram. |
Tạo ra Instagram của Systrom trở thành câu chuyện nổi tiếng tại Thung lũng Silicon. Trong khi đa số ứng dụng cố gắng nhồi nhét thật nhiều tính năng, Instagram ra đời từ một ứng dụng lộn xộn, bị lược mọi tính năng và chỉ giữ lại thứ được Systrom cho là quan trọng nhất.
Instagram cũng không phải ứng dụng sinh ra trong trí tưởng tượng. Systrom nhắc lại YouTube từng khởi đầu là website hẹn hò dựa trên video, trong khi Samsung ban đầu là hãng xuất khẩu cá khô.
Đối với Burbn, vấn đề là người dùng muốn chia sẻ ảnh lên Internet, nhưng ngại thể hiện vì chất lượng ảnh không cao. Quay lại thời điểm iPhone 4 là chiếc điện thoại hot nhất, chất lượng camera trên máy vẫn không khiến nhiều người hài lòng.
Instagram đã thu hút người dùng vì giải quyết được cả 2 vấn đề: chỉnh sửa ảnh nhanh chóng và cung cấp nền tảng để chia sẻ ảnh.
Tuy nhiên, qua thời gian, Instagram gặp hàng loạt vấn đề tương tự Facebook: tin giả, lừa đảo, môi trường tấn công phụ nữ và trẻ em, buôn bán hàng cấm...Vấn nạn này không đến từ giá trị cốt lõi của Instagram, mà đến từ đặc tính "mạng xã hội" có được từ khi Instagram thuộc về Facebook.