Cũng như những làng nghề truyền thống đang mất dần, nghề làm nhang ở 2 xã Lê Minh Xuân và Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) giờ chỉ có phụ nữ và lao động lớn tuổi tham gia.
Màu vàng, màu đỏ của những nén nhang rực lên dưới nắng cùng với mùi hương dịu nhẹ và tiếng động cơ ro ro trên các tuyến đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa (xã Lê Minh Xuân), Vườn Thơm, Trương Văn Đa (xã Bình Lợi), là những đặc điểm nhận dạng quen thuộc của 2 làng nghề làm nhang. Theo các bậc cao niên, nghề làm nhang ở đây đã có từ rất lâu. Người dân se nhang quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào các dịp tiêu thụ cao như Tết Nguyên đán, rằm Tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10 âm lịch.
Nhiều người cho biết, cơ sở sản xuất nhang của chị Lê Cát Bụi Thúy có quy mô lớn nhất xã Lê Minh Xuân, với gần 100 nhân công và đã tồn tại suốt 24 năm qua. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (23 tuổi), một nhân công tại đây, bắt đầu se nhang từ năm 13 tuổi. Chị cho biết: "Nhà tôi còn có 4 người nữa cũng theo nghề se nhang, là mẹ và 3 chị. Vì là nghề truyền thống từ trước đến nay, được làm gần nhà và linh động thời gian nên chúng tôi cũng không muốn thay đổi".
Để làm ra được những nén nhang, người dân phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đầu tiên, người làm phải nhúng một đầu tăm vào nước pha màu đỏ. Sau đó, chân nhang được phơi dưới nắng gắt. Nếu bị ẩm, chân nhang sẽ mốc và sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu.
Bột để se nhang có nguồn gốc từ nhiều loại cây khác nhau được nghiền thật mịn. Người se nhang sẽ trộn bột với một lượng nhỏ màu vàng, bột keo để kết dính chúng trong quá trình se. Chị Bụi Thúy cho biết: "Tăm và bột nhang là hai nguyên liệu chính để có được nhang thành phẩm. Hai nguyên liệu này đều được nhập từ các tỉnh khác để tiết kiệm thời gian và nhân công".
Trước đây, nhang được làm thủ công, người se phải dùng một chiếc bay (dụng cụ bằng gỗ có bề mặt láng) để lăn bột bao quanh thân tăm. Về sau, nghề này được hỗ trợ bởi máy móc hiện đại, từ máy ép của tay, chân đến máy phóng, máy lừa tăm.
Hầu hết hộ làm nhang tại nhà ở 2 làng nghề này đều sắm một bộ 3 thiết bị, gồm máy phóng, máy lừa tăm và máy trộn bột, để tăng năng suất. Chị Trần Thị Thanh, 44 tuổi, với 13 năm làm nhang, cho biết tổng chi phí của các thiết bị là gần 20 triệu đồng. "Người se nhang phải làm từ 4-5 tháng mới có thể hoàn vốn. Vì vậy, người làm buộc phải thật kiên nhẫn, nếu bỏ giữa chừng là coi như chịu lỗ hoặc mất trắng số tiền bỏ ra ban đầu", chị nói.
Máy lừa tăm kết hợp với máy phóng cho năng suất cao gấp 4-5 lần so với làm thủ công trước đây. Các công đoạn từ cho tăm vào máy, ép cây nhang thành phẩm đều được làm tự động. Người se nhang chỉ việc ngồi hoặc đứng tại chỗ chờ lấy nhang thành phẩm.
Chị Đào Thị Bé Nhỏ vừa lấy nhang ra khỏi máy vừa nói lớn để át tiếng máy đang chạy ro ro. "Tôi lấy chồng về đây được 3 năm và cũng từng ấy thời gian se nhang. Mỗi ngày, tôi có thể làm gần 60 thiên (một thiên là 1.000 cây), thu nhập mỗi tháng cũng được 4-5 triệu đồng", chị nói và cho biết số tiền này giúp vợ chồng vừa đủ trang trải cuộc sống.
Trong quá trình se, nếu tăm quá to hoặc quá yếu khiến cây nhang bị vướng, người se phải khởi động lại máy lừa tăm để quá trình này được tiếp tục. Vì vậy, trước khi se, nhiều người phải loại bỏ chúng bằng cách giữ một đầu và giũ mạnh đầu còn lại trong không khí.
Những cây nhang được phóng ra vừa đều và đẹp hơn so với hình thức làm thủ công bằng tay trước đây.
Cũng như nhiều nghề truyền thống khác, hiện nay nghề làm nhang không còn sức hút lao động trẻ. Trực tiếp tham gia sản xuất tại các cơ sở thường là người lớn tuổi.
Với nước da rám nắng, ông Phạm Văn Triệu là một trong số ít người làm nhang gần 20 năm tại xã Bình Lợi. “Mùa này là mùa nắng nên làm nhang thích lắm. Nó mau khô, cho màu đẹp. Còn mùa mưa, một ngày chạy gom vô không biết bao nhiêu lần”, ông cười.
Để tiết kiệm thời gian phơi và tránh ẩm mốc vào mùa mưa, một số cơ sở kinh doanh lớn với nhiều nhân công sẽ sắm máy quạt công nghiệp, máy sấy và máy hút ẩm để nhang khô tại chỗ.
Bó nhang là công đoạn kết thúc quy trình làm nhang. Nhang được bó lại theo từng thiên và giao cho chủ cơ sở trước khi cung ứng cho thị trường. "Nghề này rất linh hoạt, rảnh thì làm. Từ sau Tết đến nay, mới 2 tháng nhưng hai vợ chồng tôi đã làm được hơn 2.000 thiên với tiền lời cũng hơn chục triệu", ông Triệu nói và cho biết cũng nhờ làm nhang mà nuôi 5 đứa con ăn học nên người.
Phần lớn cửa hàng ở phố vàng bạc quận 5, TP.HCM chủ yếu gia công, bán buôn đồ trang sức cho dân kinh doanh trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh thành cả nước, chưa có sản phẩm lẻ.
Khi được nhờ chỉ đường vào một nhà có tiếng giàu có trong làng, một người đàn ông lớn tuổi nói: “Cả xóm này thích vào nhà nào cứ vào, nhà nào hầu như cũng là nhà giàu hết”.