Chia sẻ trong ngày ra mắt phố kinh doanh vàng bạc đá quý quận 5, TP.HCM, ông Phạm Văn Tám, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, Giám đốc Công ty vàng Kim Hảo, cho biết việc thành lập khu vực chuyên danh ngành hàng này được người kinh doanh và thợ kim hoàn ở đây mong đợi nhiều năm nay. Cùng sản xuất, kinh doanh một ngành hàng nhưng những doanh nghiệp kim hoàn ở đây không có khái niệm cạnh tranh mà luôn quan niệm "buôn có bạn bán có phường".
Khu kinh doanh này ra mắt sẽ giúp làng nghề quảng bá được sản phẩm, tăng thêm uy tín.
Nhiều cửa hàng ở khu vực đường Nhiêu Tâm từ trước năm 1970. Nơi này cung cấp sỉ nữ trang, đá quý, dụng cụ chế tác trang sức cho khắp cả nước, cả ra nước ngoài.
Các cửa hàng trong phố vàng này có logo nhận diện riêng. Ảnh: Lê Quân. |
Sau năm 1986, thợ kim hoàn nhiều nơi tụ tập về đây đông hơn, việc sản xuất, gia công, kinh doanh vàng bạc nữ trang tiếp tục phát triển mạnh. Ngoài gia công, các cửa hàng còn cung ứng thiết bị sản xuất, đá quý, đá bán quý, đá trang sức, dần dần hình thành khu phố vàng bạc sầm uất cho đến nay.
Ông Tám cho biết ban đầu nhiều người cũng ngại về buôn bán một chỗ sẽ bị chia sẻ khách hàng. Nhưng thực tế việc kinh doanh càng quy mô càng tạo được sức hút. Mỗi doanh nghiệp chia một phần việc, đưa nơi này trở thành trung tâm kinh doanh vàng bạc, nữ trang sỉ cho khu vực.
“Tôi ví dụ như các tiệm vàng ở miền Tây, miền Trung họ muốn mở tiệm vàng sẽ về đây mua dụng cụ phục vụ cho việc mở cửa hàng vàng. Từ máy thử vàng, đèn, kẹp, nĩa, giấy lau nữ trang… tất cả đều được mua ở đây về sử dụng”, ông Tám nói.
Khá đông khách mua sản phẩm trong ngày ra mắt phố vàng bạc đá quý đầu tiên của TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ, kim hoàn TP.HCM chia sẻ thêm, việc bán buôn nữ trang ở đây cũng có đặc thù riêng. Cả nữ trang được chế tác từ vàng, bạc thì các doanh nghiệp ở đây phải nghiên cứu xu hướng, thiết kế, tạo mẫu và gia công sẵn số lượng lớn.
Người kinh doanh ở các nơi sẽ mang nguyên liệu về đổi sản phẩm theo mẫu mã họ mong muốn và trả tiền công, chứ không phải đặt hàng sản xuất theo yêu cầu. Cũng vì vậy mà các đơn vị kinh doanh phải trường vốn.
“Cạnh tranh với các đơn vị lớn chúng tôi cũng không lo lắng. Nếu lo cạnh tranh thì mấy chục năm nay phố vàng này đã ‘chết’ rồi. Chúng tôi khẳng định đi đầu về mẫu mã, thợ kim hoàn ở đây rất nhanh nhạy và nghiên cứu kỹ mẫu mã theo xu hướng, phù hợp với từng thời điểm, từng vùng miền, khu vực, đó là thế mạnh của người kinh doanh, gia công nữ trang ở đây”, ông Tám nói thêm.
Việc kinh doanh nữ trang ở đây chủ yếu là cung ứng sỉ cho nhu cầu tại thành phố và các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ. Ảnh: Lê Quân. |
Lãnh đạo quận 5 cho biết ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, phố chuyên kinh doanh vàng còn là nơi lưu giữ nét văn hóa của một làng nghề truyền thống - nghề thợ bạc, gia công, chế tác nữ trang được kế thừa từ sự phát triển của nghề kim hoàn tại vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa.
Khu phố chuyên doanh này sẽ được tổ chức tại các tuyến đường gồm Nhiêu Tâm (tuyến đường chính của phố), Nghĩa Thục và Bùi Hữu Nghĩa, phường 5, quận 5. Khu vực này gồm 55 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể kinh doanh mua bán các mặt hàng vàng bạc, đá quý, đá trang sức, phong thủy, dụng cụ chế tác, khuôn đúc ngành kim hoàn.
Các cửa hiệu trong khu vực này sẽ được quận trang bị bộ nhận diện có logo riêng của phố, trang trí cửa hàng đẹp. Tùy theo mặt hàng chuyên doanh của từng nơi mà nhân viên sẽ có màu đồng phục riêng.
Các doanh nghiệp cho biết đang tiếp tục đầu tư cửa hàng để tiến tới bán sản phẩm lẻ, phục vụ khách hàng có nhu cầu và khách du lịch tham quan, mua sắm đồ trang sức, đồ lưu niệm.
Phố vàng được bố trí tại 3 tuyến đường xung quanh chợ Hòa Bình (quận 5) là Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục và Bùi Hữu Nghĩa. |