Kinh doanh
Nghề đóng oản: 'Lời lãi không đủ nuôi nghề!'
- Chủ nhật, 10/8/2014 16:43 (GMT+7)
- 16:43 10/8/2014
Huy động cả họ hàng hỗ trợ trong tháng rằm, chị Thu Hà cũng chỉ kiếm được 4- 5 triệu đồng. Làm cật lực 3 tháng Tết mới được 30-40 triệu từ nghề làm oản.
|
Chị Nguyễn Thu Hà (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) kế nghiệp làm oản đường gia truyền của dòng họ. Nhà chị nổi tiếng trong vùng với 3 nghề: làm oản đường, bánh dày và bánh trung thu truyền thống. Oản đường ông Dụ được khách hàng nhiều nơi tại Hoài Đức và Hà Nội biết đến nhờ chất lượng oản thơm ngon, trắng đẹp, làm hoàn toàn thủ công. Tới mình, chị Hà cũng được bố mẹ truyền lại cho nghề làm oản. Chị cho biết, lời lãi không đủ để nuôi nghề nên phải yêu lắm, tiếc nghề lắm chị mới gìn giữ, theo đuổi được. Một năm, người làm oản chỉ trông vào hai vụ oản là rằm tháng 7 và Tết. |
|
Do làm thủ công, không nhanh và cho số lượng nhiều như làm bằng máy móc, dây chuyền nên để chuẩn bị chu đáo nguồn nguyên liệu, chị Hà phải liên hệ với các đầu mối trước cả tháng. Chị chia sẻ, khách đặt oản cúng rằm phần lớn là các chùa, phủ, đền, đình, điện quanh vùng, số ít thì mua lẻ cúng tại nhà. Nhưng dù bán cho đối tượng khách nào thì đã là đồ lễ, chị vẫn phải lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất để thể hiện tấm lòng thành của người làm nghề dâng lên "cõi trên". |
|
Nguyên liệu chính để làm oản là đường kính, bột nếp. Để oản thơm ngon, chị Hà tự bổ sung thêm vani và nước hoa bưởi. Đường kính chị Hà chọn làm là loại đường Lam Sơn loại 1, trắng tinh, ngọt thanh giá khoảng hơn 20.000 đồng/kg. Bột nếp chị cũng chỉ lấy của mối quen từ nhiều năm nay. Chị Hà cho biết, việc lựa chọn nguyên liệu để đóng oản rất quan trọng, quyết định tới độ dẻo, dính, hương vị của sản phẩm. Để nâng cao tay nghề, chị từng thử qua một số loại oản trên thị trường, bên cạnh nhiều loại oản ngon của những nhà làm nghề lâu năm cũng có những phẩm oản bở bết, màu sắc trắng không tự nhiên có thể do sử dụng loại đường và bột nếp không đảm bảo chất lượng. Công đoạn đầu tiên của việc làm oản là nấu đường với nước sau đó để nguội, đánh đều tay cho tới khi đường kết tinh trở lại, có màu trắng đục thì cho nước hoa bưởi và vani vào, đánh đều. |
|
Đường ướt được trộn lẫn với bột nếp rồi cho lên bàn cán kỹ. Chị Hà chia sẻ, tỷ lệ trộn đường với bột nếp là bí quyết riêng của từng nhà, nếu trộn tỷ lệ phù hợp, oản đóng sẽ có độ dẻo ngon, ngọt vừa chứ không bị vón cục, bở hoặc bã, ngọt khé hoặc quá nhạt. |
|
Công đoạn cán đường - bột là vất vả nhất. Thông thường chị Hà phải cán đi cán lại nhiều lần cho tới khi hỗn hợp khô tơi, bột mịn, sờ dẻo tay thì cho vào khuôn đóng oản. Làm nhiều năm, cán cả trăm nghìn kg hỗn hợp bột - đường cho chị Hà phản xạ chỉ cần nhìn qua là biết bột cán đã đủ tiêu chuẩn vào khuôn hay chưa. |
|
Oản đóng ra có rất nhiều kích cỡ, từ vài hoa cho tới 2, 3kg/ cái. Hỗn hợp bột - đường sau khi cán phải được khẩn trương cho vào khuôn và đóng chặt tay nếu chậm một chút có thể làm hỏng dáng oản, phải mang ra cán lại và oản sẽ không được ngon, dẻo nữa. |
|
Tùy hình dáng và kích cỡ oản khách hàng đặt, chị Hà sẽ lựa chọn khuôn đóng phù hợp. Hiện nhà chị có tới gần 20 bộ khuôn, giá mỗi bộ từ 1 đến 3 triệu đồng/ bộ tùy kích cỡ. |
|
Tiêu chuẩn cho một phẩm oản tốt là phải nổi hoa văn sắc nét, oản dẻo, bề mặt mịn, mùi thơm ngon và đặc biệt, ra khỏi khuôn vẫn còn độ ấm nóng bởi nếu oản vừa mở khuôn đã nguội thì sau rất dễ ăn bị vón cục hoặc bã, không ngon. |
|
Giá bán oản tại nhà chị Hà cũng tùy loại, tính theo cân nặng. Loại nhỏ nhất chỉ 20.000 đồng/ một chục, loại to nhất nhà chị nặng 1.6kg có giá 80.000 đồng/ cái. Loại oản chị làm bán chạy nhất là loại 40.000 - 50.000 đồng/ một chục. Từ đầu tháng 7 tới sát rằm, ngày nào nhà chị Hà cũng có khách tới đặt từ vài chục tới vài trăm oản, xuất ra cả gần 20 chùa lớn nhỏ trong vùng và Hà Nội. |
|
Để kịp hẹn trả hàng cho khách, chị Hà nhờ cả chồng và hai cô con gái làm cùng trong mỗi buổi tối sau giờ làm, giờ học. Chị tâm sự, khách đặt rằm tháng 7 khá đông, vài ngày đầu tháng số oản chị đóng đã lên tới hơn 2.000 cái nhưng thực tế, lãi không được nhiều. Như loại oản 40.000 đồng/ một chục, chị chỉ lãi được chưa tới 20.000 đồng. Tuy nhiên, một phần vì tiếc nghề gia truyền, phần vì hai con gái còn nhỏ, chị muốn ở nhà chăm bẵm, kèm thêm dạy dỗ các con một cách sát sao nhất nên coi nghề làm oản như một nghề phụ cải thiện cuộc sống gia đình và chủ động thời gian dạy dỗ các con, chăm sóc cả nhà. |
|
Làm cả tháng Rằm, chị Hà lãi được khoảng 5 triệu tiền oản. Chị chia sẻ, ngoài Rằm tháng 7 thì Tết mới thật là "chính vụ" giúp nhà chị có nguồn thu đáng kể. Hàng vạn chiếc oản đủ kích cỡ làm trong gần 3 tháng Tết đem về cho chị và cả gia đình khoảng 30-40 triệu đồng, có năm lên tới 50 triệu đồng. "Thế là cũng đủ tiền điện, tiền ăn cho gia đình trong cả năm rồi!" |
|
Oản đóng thành phẩm được cho vào túi kính, thắt nơ giao buôn cho các cửa hàng. Oản do nhà chùa lấy, các sư thầy dặn chị chỉ cần gói trong giấy báo, tránh phô trương. Mâm lễ lên chùa, lên đình truyền thống xưa kia vẫn không thể thiếu những phẩm oản đường gói trong giấy bóng kính đủ màu sắc khiến cả cụ già lẫn trẻ em đều yêu thích. Nghề thủ công không mang lại nguồn thu nhập chính trong gia đình nhưng theo chị Hà, vẫn là một nghề phụ chị muốn duy trì, gìn giữ để vừa nhớ nghề, nhớ cha mẹ, vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. |
oản đường
đóng oản
rằm tháng 7
Tết
truyền thống
Hoài Đức