Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề 'độc' phụ nữ miền Tây, tỷ phú 1 tuổi hot nhất tuần

Bánh trung thu đại hạ giá, chủ tịch HĐQT 1 tuổi của Đại Nam, phụ nữ miền Tây lột da chuột, săn bọ cạp để mưu sinh, ... là những thông tin thị trường được quan tâm nhất tuần qua.

Chủ tịch 1 tuổi của khu du lịch Đại Nam

Cậu bé mới 1 tuổi đã trở thành Chủ tịch HĐQT, với khối tài sản nghìn tỷ.

Là con trai của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng, cậu bé Huỳnh Hằng Hữu vừa tròn 1 tuổi đã được bố mẹ chính thức tuyên bố trao khối tài sản khổng lồ của mình. Theo đó, khi tròn 18 tuổi, vị Chủ tịch này sẽ là chủ sở hữu của khu du lịch Đại Nam, khu công nghiệp Sóng thần 2, khu dân cư Dĩ An, khu công nghiệp và dân cư Sóng thần 3 và khu dân cư Bình Phước. Cho đến thời điểm đó, toàn bộ tài sản này chỉ tuân theo sự chỉ đạo của ông Dũng (Phó tổng giám đốc thức nhất) và bà Hằng (Phó tổng giám đốc thứ hai) cùng HĐQT của doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, thời điểm này ông cho con tài sản là tốt nhất để làm quỹ từ thiện vì vợ chồng ông không nợ nần bất cứ ai một đồng nào, kể cả ngân hàng. Tài sản này là tài sản thật và ông cho con không phải để làm giàu cho con ông mà dẫn dắt con ông vào cõi Chân – Thiện – Mỹ. Trước mắt, ông Dũng “lò vôi” cho hay là ưu tiên đầu tư xây 17 ngôi đền Đại Nam Văn Hiến khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Số tài sản còn lại của quỹ từ thiện sẽ dành giúp đời và giúp người.

Nghề kiếm tiền mạo hiểm của phụ nữ miền Tây

Không ít người phụ nữ vùng sông nước miền Tây đã chọn cho mình công việc kiếm tiền nguy hiểm, như nuôi rắn độc, săn tắc kè, bọ cạp, chuột... Khi việc đồng áng kết thúc, họ đi bắt rắn, săn chuột, mở chợ bán hàng "độc" cho khách nhậu, thậm chí sang tận Campuchia đánh hàng về bán cho du khách.

Từ những công việc ghê tay như lột da, cắt đầu hàng ngàn con chuột lấy tiền công 80.000 đồng/ngày đến săn bọ cạp, rắn độc, nuôi hổ hèo..., những người phụ nữ này vẫn không quản. Họ được xem là những người phụ nữ kiếm tiền "lì" nhất miền Tây.

Chen chân, xếp hàng mua bánh trung thu hạ giá, gà thải loại ở siêu thị

Kết thúc mùa trung thu, ngay trong đêm 15/8 âm lịch, nhiều hãng bánh lớn ở Hà Nội đã trưng biển giảm giá mạnh nhằm thu hồi vốn. Mức giảm giá phổ biến là từ 5% đến 20%, cá biệt có loại giảm trên 50%. Thậm chí, trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, nhiều cửa hàng còn đổ đống bánh ra vỉa hè và bán đồng giá 50.000 đồng/chiếc.

Dù được cảnh báo là loại gà đẻ quá lứa, thải loại nhưng nhiều người Hà Nội vẫn xếp hàng dài tại siêu thị OceanMart để mua gà dai Hàn Quốc chế biến sẵn. Nhiều khách hàng phải đợi cả tiếng đồng hồ, thậm chí chen lấn, tranh giành để mua "gà dai Hàn Quốc" luộc, rán với giá chưa đầy 80.000 đồng/con hơn 1 kg với tâm lý thích hàng rẻ mà không biết sản phẩm này không còn giá trị dinh dưỡng.

Trước đó, khi mới phát hiện gà dai Hàn Quốc chính là gà thải loại, là gà nuôi đẻ trứng đã "hết đát", nhiều nơi chế biến lại làm thức ăn cho gia súc và hầu như không còn giá trị dinh dưỡng, người tiêu dùng đã tẩy chay không mua, các siêu thị bán gà thải loại cũng dừng không bán nữa. Tuy vậy, sau thời gian lắng xuống, gà thải lại tái xuất với mác gà dai, giá bán rẻ hơn nhiều so với giá gà nuôi trong nước. Trong khi đó, nhiều quan chức Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), hiệp hội gia cầm Việt Nam đã khẳng định quan điểm cần cấm nhập khẩu gà thải Hàn Quốc, bởi các nước không sử dụng gà thải là thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, không có lý do gì các doanh nghiệp lại nhập khẩu về bán cho người dân dù giá rẻ như bèo.

Sting giả, ruốc thịt làm từ sắn dây ở Hà Nội

Thay vì mua hàng "xịn" của công ty, nhiều chủ quán trà đá vỉa hè, cửa hàng Internet... lại nhập sản phẩm nước đóng chai nhãn hiệu Sting, Samurai... giả, nhái từ La Phù, Hà Nội về bán. Giá mua chỉ 1.000 đồng đến 3.000 đồng một chai nhưng bán ra tới cả chục nghìn, giúp chủ quán thu lời gấp 2-3 lần.

Không chỉ có nước ngọt, bánh kẹo, nước tin khiết cũng được làm giả một cách tinh vi để tiêu thụ tại các hàng quán trong nội thành. Mùi vị, màu nước của hàng giả giống đến 90% hàng thật, nhãn mác không sai khác, thậm chí có cả hạn sử dụng, rất khó phân biệt nếu người dùng không để ý hoặc uống kèm với đá.

Trong khi giá của một kg ruốc "xịn" không dưới 400.000 đồng thì tại nhiều chợ đầu mối, giá ruốc loại hai được đổ buôn lại khá "bèo", chỉ từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Thực chất, không ít loại ruốc được sản xuất chủ yếu từ bã sắn dây ướp gia vị, bột thịt, phẩm màu để đánh lừa vị giá của người tiêu dùng.

Thực tế, Bản thân bã sắn dây không độc hại nhưng qua quá trình tẩm ướp, chế biến, đặc biệt là sử dụng các loại phẩm màu không đảm bảo vệ sinh có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm ruốc trên thị trường, theo đó, hơn 50% số mẫu kiểm tra không đạt về hàm lượng chất tạo ngọt hóa học, chất bảo quản và nhiễm E.coli.

Dịch vụ ăn theo cửa hàng bánh trung thu truyền thống

Dịch vụ trông xe đắt khách nhờ cửa hàng bánh trung thu.

"Ăn theo" tiệm bánh trung thu gia truyền Bảo Phương, các dịch như thuê người xếp hàng, thuê người mua bánh; dịch vụ bán chỗ xếp hàng, trông xe… được dịp "hốt bạc". Hàng loạt điểm trông giữ xe tự phát mọc lên, với giá gửi dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/lượt.

Riêng dịch vụ thuê người đứng, mua bánh giúp có giá cao hơn một chút, từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/lượt. Không ít khách hàng muốn mua được nhiều hơn đã huy động con cái đứng xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ để mua được bánh trung thu truyền thống ngày cận Tết.

T.A (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm