Một buổi sáng tháng 5, cụ Trần Hữu Vi (84 tuổi, thôn Tây, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) thức dậy sớm. Hôm nay trời nắng đẹp, cụ Vi dắt trâu ra ăn cỏ ở cánh đồng gần nhà còn cụ tranh thủ hái dùng liềm hái thêm.
"Số cỏ này tôi dữ trữ để cho trâu gặm buổi trưa đến giữa chiều. Vì giờ nó có việc lớn hơn là chỉ làm mẫu cho khách chụp ảnh ở Cố đô Hoa Lư" – cụ Vi hóm hỉnh.
Cụ Trần Hữu Vi (84 tuổi) - sinh sống bằng nghề cho thuê trâu chụp hình ở Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Gắn bó với công việc kỳ lạ đã 4 năm nay, để thu hút sự chú ý của du khách, cụ Vi tắm rửa cho trâu sạch sẽ mỗi ngày. Trâu được trang trí bằng hoa đội đầu, lưng mặc áo đỏ. Cụ còn tự mình lên núi hái những cành lau làm dụng cụ cho khách cầm chụp hình.
"Khi du khách cưỡi lên lưng trâu, tay cầm cành lau phất lên sẽ nhớ đến hình ảnh vua Đinh Tiên Hoàng tập trận giả từ thủa nhỏ" – cụ Vi thuyết minh.
Con trâu này gắn với gia đình cụ Vi đã 9 năm nên có thể nghe và hiểu tiếng chủ nhân. Cụ bảo, con trâu là đầu cơ nghiệp, trước dùng con vật để cày bừa, giờ già rồi không làm ruộng nữa nhưng không nỡ bán đi.
Cách đây 4 năm, trong một lần cụ dắt trâu ra cánh đồng gần nhà, bên quảng trường Hoa Lư. Có đoàn khách du lịch thấy hình ảnh cụ vừa chăn trâu vừa cắt cỏ, họ rất thích thú. Một vài người còn tiến đến gần xin chụp ảnh và gửi cụ ít tiền làm quà. Sau vài lần như vậy, cụ đã nảy ra ý tưởng cho trâu làm mẫu ảnh.
Du khách nước ngoài thích thú với con trâu của của Vi. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Cứ 8h sáng hàng ngày, cụ Vi dắt trâu ra khu di tích Cố đô Hoa Lư. Khi có khách du lịch đi qua, cụ thân thiện mời khách chụp hình và hướng dẫn cho họ cưỡi lên lưng trâu an toàn. Với công việc này, mỗi ngày cụ có thể kiếm được 50.000-100.000 đồng.
"Con trâu của cụ rất đẹp và hiền. Hướng dẫn viên của chúng tôi nói, vua Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ có tên Đinh Bộ Lĩnh. Ông thường cùng nhóm bạn chăn trâu bẻ hoa lau làm cờ, cưỡi trâu đánh trận giả. Vì thế, tôi cũng muốn leo lên cưỡi trâu, tay phất ngọn cờ lau xem cảm giác thế nào" – anh Philippe (du khách Pháp) hào hứng chia sẻ trước khi leo lên lưng trâu theo hướng dẫn của cụ Vi.
Mỗi ngày, cụ Vi cho trâu đứng làm mẫu ảnh trong khu di tích khoảng từ 8h sáng đến 3h chiều. Dù vậy, cụ chưa bao giờ để cho trâu phóng uế làm mất vệ sinh. Cứ chục phút, cụ lại dắt trâu đi vệ sinh. Nếu trâu lỡ phóng uế, cụ cặm cụi lau rửa sạch sẽ, không để ban quản lý nhắc nhở.
Sinh được 4 người con và hiện đều đã trưởng thành, lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn do đều dựa vào nghề nông, cụ chia sẻ: "Vợ chồng tôi còn sức lực nên không muốn các con phải lo nghĩ nhiều. Nhà tôi cách cố đô Hoa Lư hơn 100 m. Hằng ngày, dắt trâu ra đây coi như vừa đi làm vừa đi tập thể dục. Làm nghề này cũng không vất vả lắm, ngồi nghỉ mát dưới gốc cây là chính" - cụ Vi hài hước nói.
Du khách thích thú leo lên lưng trâu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Hàng tháng, vợ chồng cụ đều nhận được khoản trợ cấp cho người cao niên nhưng chỉ đủ cho vợ chồng cụ mua gạo. Còn khoản tiền kiếm được từ nghề cho thuê trâu chụp ảnh, cụ dành dụm để mua thêm thức ăn, trang trải cuộc sống. Nếu dư dả hàng tháng, cụ còn tích góp để mua thuốc lúc ốm đau.
Mới đây, một vài người thấy cụ làm nghề này hiệu quả cũng học làm theo. Tuy nhiên, không phải ai cũng thu hút khách du lịch như cụ Vi.
Anh Tình (22 tuổi, thợ chụp ảnh tại Cố đô Hoa Lư) cho hay, cụ Vi tính tình hiền lành và không hay chèo kéo khách. "Cụ Vi nảy sinh ra ý tưởng làm nghề này đầu tiên ở đây. Chụp ảnh xong, khách cho cụ 5-10 nghìn thì cụ lấy chứ không đòi hỏi. Nhờ có cụ, nhóm thợ ảnh chúng tôi cũng thêm năng suất mỗi ngày" - anh Tình vui vẻ cho biết.