Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề 'ăn xác nhà'

Làm việc trong môi trường độc hại, đầy rẫy những nguy hiểm luôn rình rập, đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng của mình, nhưng không vì thế họ bỏ nghề.

Đã có người gắn bó với nghề gần cả cuộc đời nhưng cũng đã có nhiều người phải trả giá bằng cả tuổi trẻ mất đi tính mạng của mình để rồi, gia đình họ lâm vào cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng và con mất cha. Nghề nguy hiểm là thế, bạc bẽo là vậy nhưng vì cuộc sống mưu sinh nhiều người vẫn chấp nhận đánh đổi. Họ gọi đó là nghề nguy hiểm hay còn gọi nghề "ăn xác nhà".

Phá nhà kiếm sống

Trong cái nóng oi nồng của mùa hạ, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 40 độ C nhưng anh Tuân quê ở Bá Thước, Thanh Hóa vẫn miệt mài cầm máy khoan đục phá nốt mảng tường còn lại của ngôi nhà ba tầng. Cùng đi với anh Tuân một ngày, chúng tôi phần nào hiểu được công việc bao vất vả và hiểm nguy mà các anh đang phải đối mặt.

Công việc vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng tiền công thu nhập so với công sức bỏ ra thì không đáng là bao. "Các chú xem nắng như thế này mà chủ thầu trả chúng tôi chỉ được 180 nghìn/ ngày. So với công sức chúng tôi bỏ ra liệu có xứng đáng?", anh Tuân cho hay.

Theo như anh Tuân, nghề này vừa vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập lại không cao mà còn bấp bênh. Anh cho biết: "Nghề phá nhà nhiều việc thì chỉ có dịp cuối năm vì lúc đó nhu cầu xây nhà mới, phá nhà cũ tăng cao chứ vào dịp giữa năm thì công việc không đều, thu nhập kém", vừa nói anh Tuân vừa lau những giọt mồ hôi đang chảy dài dưới khóe mắt.

Những người làm nghề này đều có chung một nhận xét nghề phá dỡ nhà là nghề bạc: "Người ta thì đi xây nhà còn chúng tôi là những người phá dỡ những ngôi nhà. Công việc này xét về quan niệm tâm linh thì chúng tôi động chạm tới thổ thần, thổ địa và điều này từng gây không ít lo lắng, suy nghĩ cho những người mới bước chân vào nghề", anh Sâm, quê Nam Định, một người cùng nhóm của anh Tuân cho hay.

Không đồ bảo hộ lao động lao động khi làm việc.
Không đồ bảo hộ lao động lao động khi làm việc.

Ngoài yếu tố về sức khỏe thì những người làm nghề này cũng cần phải có kinh nghiệm. Vì chỉ cần một chút chủ quan hay lơ đễnh thì số phận con người sẽ nằm dưới đống gạch vụn. Có chứng kiến mới thấy công việc mà hằng ngày các anh làm nguy hiểm đến nhường nào.

Một người có thâm niên hơn chục năm làm công việc phá dỡ nhà cũ tâm sự: "Nguy hiểm lắm các chú ạ, vì công việc chúng tôi phải luôn đứng trên cao nên chỉ cần một chút sơ sảy nhỏ thì sẽ bị cột đè, tường đổ trúng vào người".

Cũng theo anh Thanh, để giảm thiểu tai nạn lao động thì cũng cần phải có quy trình, "đầu tiên là phải dùng bạt quây kín công trình, những điểm tiếp giáp với lối đi phải che chắn để gạch, đá, bê tông không văng ra ngoài gây nguy hiểm cho người và công trình liền kề. Tiếp theo phải dùng máy khoan tháo tất cả cửa, mái tôn, sau đó khoan cắt, đập phá tường, cầu thang, sàn nhà".

Vất vả, nguy hiểm luôn rình rập  nhưng khi hỏi vì sao lại gắn bó với nghề lâu đến vậy thì anh Thanh tâm sự: "Do hoàn cảnh nghèo khó, ở quê lại không có nghề phụ nên tôi theo một số thanh niên trong làng lên Hà Nội kiếm việc làm. Ban đầu tôi đi theo công trình và làm trộn bê tông nhưng việc cũng không được đều nên tôi nhờ chủ thầu cho tôi chuyển sang nghề này những mong thu nhập tốt hơn. Hôm nào làm cật lực thì thu nhập cũng tạm ổn, khoảng 200 nghìn đồng/ ngày".

Mỗi người một số phận và những người làm cái nghề nguy hiểm này đa phần có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống ở quê không có việc nên lên thành phố tìm kế mưu sinh. "Nếu chỉ trông vào vài ba sào ruộng thì thu nhập không đủ cho bốn miệng ăn chú ạ. Nhà tôi có hai đứa con hiện đang học tiểu học nên không lên đây làm thì không biết lấy tiền đâu nuôi các cháu rồi lại còn các khoản đóng góp ở trường lớp nữa.

Vì thế tôi cùng với mấy người trong xóm lên đây thuê chung một căn phòng để ở rồi cùng nhau đi làm. Ở như vậy vừa giảm được chi phí ăn ở lại có thể bảo vệ, giúp đỡ nhau trong lúc ốm đau bệnh tật", anh Hoàng Đạt Trình, quê ở Thạch Thành, Thanh Hóa cho hay.

Tiền công rẻ mạt nhưng đôi khi bất cẩn thì những người làm nghề này phải lãnh đủ hậu quả. Có những trường hợp trong quá trình phá dỡ chẳng may làm rơi viên gạch vào đầu người đi đường thì lúc đó họ phải đền bù hàng chục triệu. Hay cũng có trường hợp trong lúc phá dỡ nhà vô tình làm hỏng tường nhà hàng xóm thì họ bị phạt rất nặng và những lúc đó người chịu thiệt thòi là những người lao động còn chủ thầu thì chỉ đứng nhìn và đổ dồn hết trách nhiệm lên vai người lao động.

Sinh nghề tử nghiệp

Đã có không ít trường hợp sau khi theo nghề này đã phải bỏ dở giữa chừng vì không thể tiếp tục nổi. Có những người làm một hai năm thì bắt đầu có triệu chứng run tay giống như bị mắc bệnh Parkinson. Theo như lý giải thì hàng ngày họ phải cầm những chiếc khoan có độ rung rất cao, ngày này qua ngày khác dần dần các cơ bị nhão thế nên cổ tay lúc nào cũng run run đến nỗi cầm chén nước uống cũng không vững.

Để hiểu thêm về nghề nguy hiểm này, chúng tôi theo chân một nhóm khác đang làm việc tại ngã sáu Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội. Đến nơi chứng kiến những người thợ đang treo mình đánh đu với tử thần khiến cho chúng tôi không khỏi rùng mình.

Những người thợ tay thì cầm búa, tay thì cầm máy khoan đứng chênh vênh trên bờ tường như chực muốn đổ xuống bất cứ lúc nào. Bên dưới bức tường đầy rẫy ngổn ngang nào là gạch, nào là những khối bê tông lởm chởm nhọn hoắt  như những mũi dao cắm ngược lên trời, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì sẽ phải đổi lấy bằng cả tính mạng.

Anh Cương, một chủ thầu chuyên nhận các công trình phá dỡ cho biết, đội của anh lúc nào cũng đủ quân số 50 người. Công việc của anh Cương chủ yếu nhận thầu các công trình phá dỡ với phía chủ nhà, sau đó anh Cương sẽ khoán trực tiếp cho đội của mình thực hiện. Anh Cương cũng cho biết những người làm cái nghề đánh đu với tử thần này phải là những người có thần kinh thép vì họ đều phải làm việc ở trên cao và trong mọi điều kiện thời tiết.

Đánh đu với tử thần.
Đánh đu với tử thần.

Theo những người có thâm niên trong nghề phá dỡ các công trình cho biết làm nghề nào cũng đều có những quy trình, nguyên tắc riêng của nó và nghề này cũng vậy.

Để đảm bảo công việc hiệu quả cũng như an toàn lao động thì phải biết phân công người hợp lý. Đối với nhà ba tầng bao giờ cũng phải cho khoan tầng 2 trước nhưng phải để lại cốt thép để  tạo thành lưới sắt để vừa làm khung đỡ cho ngôi nhà trong khi đó để không cho gạch rơi vỡ trúng vào người khi phá dỡ tầng ba.

Tiếp theo là phá tường bao và cắt cột bê tông. Đây được coi là khâu nguy hiểm nhất vì chỉ cần chút bất cẩn là mất mạng ngay. Vì vậy, khi phá tường tuyệt đối không nên phá mảng tường to mà phải đánh tỉa từng tí một, khi nào thấy an toàn thì lấy một cây luồng to, một đầu cho cắm vào tường, một đầu tập trung mấy người dùng sức để đẩy đổ tường. Đối với cột bê tông thì phải dùng tới dây cáp và dây thừng buộc chặt đầu bên trên lại.

Khi phá dỡ cột bê tông thì việc đầu tiên phải phá ở dưới chân cột trước, khi nào phá đến cốt thép lộ ra ngoài thì lúc đó mới cho cưa vào để cưa. Nhưng khi cưa phải chú ý, cưa khoảng 2/3 cốt thép thì ngừng lại và lấy dây cáp, dây thừng kéo đổ cột. "Thực ra những nguyên tắc này là do các anh em làm nghề này lâu năm nên đúc rút kinh nghiệm rồi truyền đạt lại cho nhau thôi", anh Cương cho hay.

Cẩn thận là vậy nhưng cũng không ít trường hợp phải bỏ mạng dưới đống gạch vụn. Vì theo như anh Cương cho biết, để kịp bàn giao mặt bằng nên cũng có lúc nhóm thợ của anh phải làm việc cả đêm. Một phần vì làm cả ngày đã mệt giờ lại làm thêm tối nên sức khỏe ai cũng đi xuống cộng thêm ánh sáng không đủ nên có người đã bước hụt chân và rơi từ tầng hai xuống đất. Cũng may người đó cao số nên chỉ bị gãy chân và gãy mấy cái xương sườn.

Không được may mắn như trường hợp trên, trường hợp của anh Bùi Văn Quân quê ở Lương Sơn, Hòa Bình bị cả bức tường gạch đổ sập vào người khiến cho anh Cương vẫn chưa hết bàng hoàng.

Sau khi phá dỡ công nhân thu lượm lại toàn bộ cốt thép của ngôi nhà.
Sau khi phá dỡ công nhân thu lượm lại toàn bộ cốt thép của ngôi nhà.

"Hôm đó trời mưa nhưng vì phải làm gấp nên anh em vẫn cố gắng làm cho đúng tiến độ. Đến giờ giải lao khi mọi người đang ngồi nghỉ thì nghe thấy tiếng uỳnh một cái. Tôi và hai người nữa chạy ra xem thì thấy bức tường đổ ập xuống, bên dưới là Quân đang thò bàn tay ra phía ngoài như kêu cứu. Lập tức tôi và mấy người nữa bốc gạch ra để kéo Quân ra ngoài đưa đi cấp cứu nhưng không kịp nữa. Quân mất máu quá nhiều và bị chấn thương sọ não", giọng anh Cương như nghẹn lại khi kể về ngày kinh hoàng đó.

"Mọi khi đến giờ nghỉ giải lao thì Quân vẫn ra ngồi nghỉ cùng anh em chúng tôi nhưng không hiểu run rủi thế nào hôm đó Quân lại ra sát bờ tường nhặt những thanh sắt còn sót lại dưới chân tường. Vì trời mưa cộng với móng tường yếu nên khi vừa ra một lúc thì cả bức tường đổ sập vào người", anh Quyền cùng nhóm thợ với Quân vừa nói vừa rơm rớm nước mắt khi nhớ về người bạn cùng làm với mình.

Kết thúc câu chuyện cũng là lúc mặt trời đã lặn, chúng tôi xin phép ra về nhưng những người thợ thì vẫn tiếp tục công việc của mình. Họ đang lưng trần đứng chông chênh trên viên gạch, mặt đỏ phừng phừng dùng hết sức mình vung búa phá nốt mảng tường còn sót lại của ngôi nhà.

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/phongsu-ghichep/phongsu/2014/7/188323.cand

Theo Ngọc Linh/Công an nhân dân

Bạn có thể quan tâm