Với con số trên từ Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, tính ra, bình quân mỗi ngày, tại địa phương này có hơn 40 chiếc xe được đăng ký và đăng kiểm mới.
Tỉnh Nghệ An được xếp thứ tư cả nước về số lượng người dân, doanh nghiệp mua sắm ôtô mới trong năm 2021 và đứng top 5 về số lượng ôtô của các DN, cá nhân đang sở hữu trên toàn quốc. Tỉnh có hơn 145.000 xe, chỉ xếp sau TP.HCM, Hà Nội về lượng ôtô các loại.
Các gia đình phấn đấu sở hữu ôtô
Một trong nhiều lý do chung mà người dân ở địa phương này đưa ra là thời tiết tại đây rất khắc nghiệt, do vậy, sắm ôtô để che mưa nắng trở thành một trong những mục tiêu quan trọng mà các gia đình đặt ra.
Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Phúc, trú tại TP Vinh, có 2 con nhỏ đang học lớp 3 và 5, cố gắng phấn đấu mua chiếc xe 4 chỗ mấy năm trước. Từ khi có ôtô, gia đình dễ dàng di chuyển, đưa đón con khi trời mưa bão hay nắng oi bức tại miền Trung.
“Hai vợ chồng tôi kinh doanh nhỏ, tích góp nhiều năm mới mua được căn chung cư gần 1 tỷ đồng. Chiếc ôtô là tiền tiết kiệm, vay thêm của bố mẹ, anh chị mỗi người một ít. Hầu hết bạn bè tôi mua xe phải vay mượn ngân hàng hoặc người thân. Giá mỗi chiếc ôtô phân khúc nhiều loại khác nhau, những người có thu nhập ổn định sẽ cân nhắc tài chính để sở hữu chiếc xe phù hợp. Ít người có đủ sẵn tiền để trả mua xe một lúc”, anh Phúc cho hay.
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ cấp biển và người dân đến bấm số tự động. Ảnh: Quốc Huy. |
Anh Phúc cho hay tại khu chung cư gia đình anh đang sinh sống, với hơn 500 hộ có đến gần 300 ôtô. Số lượng ôtô tăng nhiều hai năm trở lại đây.
Còn vợ chồng anh V., chị Q., trú tại xã Hưng Lộc (TP. Vinh) cũng mua xe nhân dịp một hãng xe lớn "đổ bộ”, giảm giá, ưu đãi cho người dân có hộ khẩu ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Khi mua dòng xe này, mọi người chỉ cần đặt cọc một khoản tiền khiêm tốn ban đầu.
“Hai vợ chồng đi xe máy, nếu chở con nhỏ vào những hôm trời mưa, hầu như bị ướt sũng. Vợ chồng bàn nhau vay mượn bà ngoại, anh chị em mỗi người một ít đủ tiền mua chiếc xe 500 triệu đồng. Biết là mua ôtô phát sinh nhiều chi phí khác như nuôi thêm một người, nhưng cả hai vợ chồng xác định cùng cố gắng”, anh V. chia sẻ.
Song, trước áp lực phải trả nợ mỗi tháng, vợ chồng anh V. quyết định bán nhà đất để mua chung cư, trả nợ và dành một khoản tiền để mua miếng đất khác ven thành phố.
Cũng trong đợt này, hàng nghìn người dân ở Hà Tĩnh và Nghệ An đã đặt mua ôtô với giá ưu đãi của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong lý do khiến cho số lượng xe hai tỉnh này lọt vào top đầu cả nước về số lượng xe đăng ký mới năm 2021.
Lo tắc đường, kẹt xe
Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho thấy số ôtô đăng kiểm năm 2021 là trên 14.450 lượt, riêng 2 tháng đầu năm 2022 là 2.677 lượt xe.
Trước nhu cầu mua, sử dụng ôtô ngày càng nhiều ở TP Vinh và các địa phương lân cận, dẫn đến tắc đường, xe di chuyển chậm vào giờ tan tầm tại một số tuyến như: Trường Thi, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Lê Lợi, Nguyễn Sỹ Sách... Đặc biệt, hiện tượng tắc đường cục bộ nối dài nhiều km vào những ngày cuối tuần, hay có sự kiện diễn ra ở gần các trục đường này.
Việc ùn ứ giao thông diễn ra ở TP Vinh chỉ mới xảy ra vài năm gần đây, khi rất nhiều người dân sở hữu ôtô để đáp ứng nhu cầu chính đáng của gia đình.
Chia sẻ với VietNamNet, trung tá Phan Văn Hiền, Phó đội CSGT-TT Công an TP Vinh, cho biết các tuyến đường ở TP ngày càng bị thu hẹp bởi lượng ôtô, xe máy tăng nhanh. Thời điểm xảy ra ùn ứ thường vào giờ tan tầm.
Thống kê chưa đầy đủ, ở khu chung cư này, hơn một nửa hộ dân có 1-2 ôtô. Ảnh: Quốc Huy. |
“Vỉa hè ở TP Vinh đang rất rộng nhưng chưa đầu tư mở ra thêm các làn xe", trung tá Phan Văn Hiền nói.
UBND TP Vinh cũng mở các “vịnh đỗ xe” ở lề đường, nhưng số lượng còn rất ít và gây khó khăn cho người dân. Nếu để xe dưới lòng đường thì gây ách tắc giao thông, để trên vỉa hè thì bị xử lý. Bởi đến nay, Nghệ An vẫn chưa cho phép đỗ ôtô trên vỉa hè, như các TP lớn khác.
“Cái khó ở TP Vinh là gia đình có hai chiếc xe khá nhiều, phía lòng đường trước nhà chỉ đủ để một xe, trong khi không thể đỗ xe trước cửa nhà hàng xóm. Ngoài ra, gia đình, cửa hàng thường xuyên có khách đến thì xe lại đỗ trên vỉa hè", trung tá Phan Văn Hiền nói thêm.
Các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Quang Trung và Lê Lợi cấm đậu xe vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, vào giờ cấm, chỉ có tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai có “vịnh đỗ xe” nên không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Dẫn đến, vào giờ cao điểm ở các tuyến đường không có chỗ dừng ôtô, xe máy.
“Thời điểm tan tầm là lúc người dân đi lại, mua bán nhiều, lực lượng CSGT chỉ biết nhắc nhở. Hầu hết vỉa hè ở TP Vinh rộng trên 9 m. Giải pháp bây giờ là mở thêm nhiều vịnh đỗ xe, nới rộng đường từ vỉa hè”, trung tá Phan Văn Hiền đề xuất.