Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày thứ sáu dài vô tận

Thời điểm ngày 24/10/1975 kết thúc, nó đã trở thành "Ngày thứ sáu dài vô tận" nổi tiếng đối với cánh đàn ông Iceland.

Hình minh họa: The Times.

Thời điểm ngày 24/10/1975 kết thúc, nó đã trở thành "Ngày thứ sáu dài vô tận" nổi tiếng đối với cánh đàn ông Iceland. Các siêu thị bán hết sạch xúc xích, “món ăn nấu sẵn được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ”.

Các văn phòng bất ngờ bị nhấn chìm trong cơn lũ những đứa trẻ chạy nhảy nhốn nháo, tay cầm theo những viên kẹo mà người ta cố dùng để “hối lộ” mong chúng chơi ngoan. Các trường học, nhà trẻ, nhà máy hải sản đều đóng cửa hoặc giảm công suất.

Còn phụ nữ, họ đi đâu hết rồi? À, hôm đó, cánh phụ nữ đang tận hưởng một Ngày Nghỉ Ngơi.

Năm 1975 đã được Liên Hợp Quốc tuyên bố là Năm của Phụ nữ và ở Iceland, phụ nữ quyết tâm tận dụng sự kiện này tới nơi tới chốn. Họ thành lập một ủy ban với các đại diện từ năm đoàn hội phụ nữ lớn nhất Iceland. Sau vài cuộc họp bàn, họ đưa ra ý tưởng một cuộc đình công.

Vào ngày 24 tháng mười, sẽ không một phụ nữ nào ở Iceland động tay tới bất cứ việc gì. Chẳng những không làm các công việc có lương mà còn không nấu ăn, không dọn dẹp, không chăm sóc con cái. Họ cứ để mặc xem cánh đàn ông Iceland tự xoay xở thế nào khi thiếu đi những phần việc vô hình mà phụ nữ hàng ngày phải gánh vác để đất nước này vận hành.

Tới 90% phụ nữ Iceland tham gia cuộc đình công này. Cuộc biểu tình tại Quảng trường Trung tâm thành phố Reykjavík có tới 25.000 phụ nữ tham gia (đông nhất trong số hơn 20 cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước) - một con số đáng kinh ngạc ở một đất nước khi đó chỉ có 220.000 dân.

Một năm sau, năm 1976, Iceland đã thông qua Đạo luật Bình đẳng giới, cấm phân biệt giới tính ở nơi làm việc và trường học. Năm năm sau, bà Vigdís Finnbogadóttir đã đánh bại ba ứng viên nam để trở thành nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới lên nắm quyền qua bầu cử dân chủ.

Và ngày nay, Iceland có quốc hội bình đẳng giới nhất trên thế giới mà không cần đến hệ thống hạn ngạch. Vào năm 2017, quốc gia này đứng đầu Chỉ số Khoảng cách Giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong tám năm liền.

Iceland cũng được tờ The Economist vinh danh là quốc gia lý tưởng nhất cho những phụ nữ có việc làm sinh sống.

Và dù đây tất nhiên là thành tích đáng ăn mừng nhưng đồng thời vẫn có lý do để quan ngại về cách dùng từ của The Economist, bởi vì ý nghĩa mấu chốt của cuộc đình công năm xưa ở Iceland chính là để chỉ ra rằng cụm từ “phụ nữ có việc làm” là thừa thãi. Bởi làm gì có cái gọi là phụ nữ không có việc làm? Chỉ có những phụ nữ làm việc nhưng không được trả lương cho công sức của họ mà thôi.

Caroline Criado Perez/NXB Phụ nữ & Huy Hoàng

SÁCH HAY