Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ngày tận thế' và giấc mơ... Trung Hoa

Giấc mơ Mỹ đâu phải chỉ là những điều tốt đẹp. Còn giấc mơ Trung Hoa - giấc mơ "cường quốc đại dương", cũng khó thành hiện thực có thể chỉ là giấc mộng Nam Kha.

'Ngày tận thế' và giấc mơ... Trung Hoa

Giấc mơ Mỹ đâu phải chỉ là những điều tốt đẹp. Còn giấc mơ Trung Hoa - giấc mơ "cường quốc đại dương", cũng khó thành hiện thực có thể chỉ là giấc mộng Nam Kha.

Ngày 14/12 - khi cả thế giới còn đang xôn xao về ngày tận thế 21/12 với những đồn đoán, giả thiết khác nhau, thì đau xót thay, tại trường Sandy Hook- thành phố Newtown, bang Connecticut (Mỹ), "ngày tận thế" bất ngờ xảy ra, với 27 con người, trong đó có tới 20 em học sinh chỉ mới 6-7 tuổi.

Giấc mơ Mỹ và con tim tan vỡ

"Sứ giả" điên cuồng của "ngày tận thế" này là Adam Lanza 20 tuổi, đã xông vào trường bắn xối xả bằng một khẩu súng bán tự động hiệu Bushmaster và tự sát. Có nạn nhân bị hứng tới 11 phát đạn. Trước đó, hắn bắn chết mẹ đẻ của mình - bà Nancy Lanza, 52 tuổi, ngay tại nhà. Cả thế giới chấn động vì tội ác tàn bạo, tối tăm, vô lý.

Hình thiên thần bằng gỗ tượng trưng cho 27 nạn nhân trong vụ xả súng được đặt trên một ngọn đồi ở Newtown.

Adam Lanza được mô tả là học sinh giỏi, tính tình rất khác biệt, có khả năng mắc hội chứng Asperger - một loại bệnh tự kỷ, rối loạn tinh thần.

Cảnh sát Mỹ hẳn sẽ còn đau đầu khi điều tra nhân thân  hung thủ. Nhưng toàn bộ hoàn cảnh sống, hành vi tàn bạo của hắn là nhân quả của một cách giáo dục bạo liệt. Adam Lanza sống với bà mẹ có sở thích khác thường - hâm mộ và chuyên sưu tầm súng, thường dẫn con trai đến trường bắn trong vùng.

Sinh ra và được nuôi dưỡng bằng súng đạn, kết thúc cuộc đời, cũng bằng tội ác súng đạn. Không biết linh hồn mẹ của Adam Lanza, giờ đây ra sao khi nhìn thấy linh hồn của con trai mình dưới địa ngục?

Gạt nước mắt trước hàng triệu người dân Mỹ, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Obama nói: "Trái tim chúng ta tan vỡ trong ngày hôm nay".

Không chỉ có ông, trái tim hàng triệu người lương thiện trên thế giới cũng như bị tan vỡ, vì số phận những bé thơ, khi nhìn thấy những hình ảnh quá đau thương.

Mỗi quốc gia có những quan niệm sống, bảo vệ quyền sống của con người thật khác nhau. Giấc mơ Mỹ, giá trị Mỹ... là những cụm từ tốt đẹp mà nhiều con người thường dùng khi nói về nền văn minh Mỹ. Nhưng ở đó, cũng vẫn có những giấc mơ kinh hoàng, như ác mộng, và những hành vi "phản giá trị" của người Mỹ.

Vụ việc xảy ra ở trường tiểu học Sandy Hook không phải duy nhất. Cùng ngày, cảnh sát Oklahoma bắt một học sinh trung học 18 tuổi vì âm mưu xả súng và đánh bom tại trường mình. Một vụ nổ súng khác cũng xảy ra tại khách sạn và sòng bài Excalibur ở Las Vegas, khiến hai người thiệt mạng.

Trước đó ngày 12/12, nước Mỹ giật mình vì vụ nổ súng tại một trung tâm mua sắm ở Oregon, khiến hai người chết, hung thủ cũng tự sát sau đó.

Trước đó nữa, tháng 7, một kẻ khùng điên đã xả súng tại buổi chiếu phim Batman ở Colorado, khiến 12 người thiệt mạng, 58 người bị thương.

Còn năm 2007, nước Mỹ bàng hoàng vì vụ xả súng tại ĐH Công nghệ Virginia, khiến 32 người thiệt mạng.

Trường học, rạp chiếu phim, những nơi hội tụ đông người trẻ tuổi của nước Mỹ, bỗng trở thành đích ngắm thích thú của những kẻ sát nhân máu lạnh, bệnh hoạn, nhân danh đồng loại.

Trước con tim đau hàng triệu người dân Mỹ, Obama "cam kết sẽ dùng quyền lực của ông để đảm bảo các thảm kịch tương tự sẽ không lặp lại". Bởi, từ khi trở thành Tổng thống, đây đã là lần thứ tư chúng ta phải nắm tay nhau an ủi một cộng đồng bị xé nát bởi những vụ xả súng tàn bạo.

Cho dù vị nguyên thủ đứng đầu nước Mỹ tuyên bố quyết liệt trước tội ác dã man với người dân Mỹ vô tội, thì một sự "đụng độ" khác, lập tức nổ ra.  Sự "đụng độ" giữa đông đảo những người phản đối quyền tự do sử dụng súng đạn, với những kẻ bênh vực quyền tự do này.

Từ báo USA Today đến báo New York Times, Washington Post, Wall Street Journal, CNN.... Từ Thị trưởng New York Michael Bloomberg đến cả ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, vốn được coi là phái bảo thủ cũng phải lên tiếng trên mạng xã hội: "Khi nào các chính trị gia có đủ lòng dũng cảm để cấm súng máy?".

Đây không phải cuộc "đụng độ" đầu tiên trên truyền thông  Mỹ. Cứ sau mỗi vụ tội ác liên quan đến vũ khí, liên quan đến Luật sở hữu súng, nước Mỹ lại "đụng độ", phân ly, ồn ào và quyết liệt xung quanh "quyền có súng". Đương nhiên mạnh mẽ nhất vẫn là Hiệp hội Quyền súng đạn Mỹ, khi họ lặp lại mãi cái điệp khúc lạnh lẽo: Súng không giết người. Chỉ có người giết người.

Dường như "quyền có súng" vẫn đang... thắng thế "quyền được sống" của những thiên thần bé thơ, và của những người dân Mỹ vô tội.

Với hơn 300 triệu dân, và với "quyền có súng", nước Mỹ hiện có khoảng 300 triệu khẩu súng. Trung bình mỗi người Mỹ, từ bé tý đã "sở hữu"... một khẩu. Khảo sát của Liên Hiệp Quốc cho biết, tỷ lệ giết người bằng súng đạn ở Mỹ cao gấp 47 lần ở Anh.

Còn thống kê của nhóm những nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí có trụ sở tại Washington, những khẩu súng này đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương mỗi năm. Năm 2010, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong do trúng đạn.

Tổng thống Obama hứa dùng quyền hạn của ông để những thảm cảnh tương tự không bao giờ lặp lại.

Tổng thống Obama, người vừa được tạp chí Time bình chọn (lần thứ hai) là Nhân vật của năm 2012, được coi là kiến trúc sư của những thay đổi lớn lao về văn hóa, và dân số ở nước Mỹ, đã dũng cảm tuyên bố: Chúng ta không thể rộng lượng được nữa. Sẽ không còn những vụ xả súng như vậy trên đất nước này.

Nhưng liệu ông có đủ dũng cảm để hành động cấm súng máy, tạo nên một sự thay đổi lớn lao khác, thay đổi hoàn toàn thói quen "đam mê súng đạn" của dân Mỹ, như câu hỏi của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch không?

Được biết, mới đây, Obama đã quyết định thành lập nhóm đặc nhiệm kiểm soát súng đạn, và cử Phó tổng thống Mỹ, ông Joseph Biden làm người phụ trách.

Hiệu quả của nó vẫn còn ở... thì tương lai.

Trong khi thì tương lai chưa đến, còn ngày tận thế... êm đềm trôi qua, thì lễ Giáng sinh này, có 20 gói quà của ông già Noel trên chiếc xe tuần lộc kéo, đẹp lấp lánh như cổ tích, đã không có địa chỉ người nhận. Cũng như bên cây thông Noel của hàng chục nghìn gia đình người Mỹ, người ta chỉ có thể cầu Chúa che chở cho linh hồn của những người ruột thịt xấu số, khi mà những khẩu súng "tốt số" vẫn đang được tự do hoành hành.

Ngày tận thế đã không xảy ra, nhưng sự hỗn mang của thế giới này vẫn tiếp diễn, bởi sự toan tính điên khùng của những kẻ hoang tưởng làm nên tên tuổi mình bằng tội ác.

Giá trị Mỹ, giấc mơ Mỹ vẫn chưa phải thước đo văn minh cho nhân loại...

Giấc mơ Trung hoa hay giấc mộng... Nam kha?

Không chỉ phương Tây mới có những kẻ trí não chứa đầy tham vọng và hoang tưởng điên rồ, mà ngay phương Đông cũng không thiếu. Phương Tây có Giấc mơ Mỹ, thì phương Đông đang có Giấc mơ Trung Hoa.

Giấc mơ Trung Hoa là giấc mơ làm "cường quốc đại dương" (Biển Đông) của nước lớn Trung Quốc. Bởi giấc mơ tham vọng này mà Trung Quốc "kéo" cả hàng loạt quốc gia có vùng biển thuộc Biển Đông vào sự đối đầu lẫn đối thoại căng thẳng trong quan hệ đối ngoại với chính mình.

Biển Đông không phải là biển mát, biển lạnh, mà thực chất đang là biển nóng.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, cảnh sát tỉnh Hải Nam sẽ tiếp cận các tàu tiến vào khu vực mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Họ được phép lên tàu, kiểm soát các tàu nước ngoài "xâm nhập trái phép" và yêu cầu các tàu thay đổi lộ trình.

Không giống như kẻ tự kỷ mang tên Adam Lanza hành động điên rồ, Trung Quốc có cả một chiến lược lớn, chiến thuật cương nhu, tùy từng thời điểm, để thực hiện cái mục đích "dĩ bất biến" - đường lưỡi bò trên Biển Đông.

Nhưng cũng không giống những nạn nhân đáng thương, tay không chịu cái chết bi thảm, liệu có quốc gia nào, từ lớn đến nhỏ, từ mạnh đến yếu cam chịu "ngày tận thế" tối tăm của quốc gia mình, cho tham vọng "cường quốc đại dương" của Trung Quốc không?

Câu trả lời rõ như ánh ngày.

Mới đây, ngay sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) chiến thắng, ông cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người có khả năng chắc chắn trở thành Thủ tướng mới của nước Nhật, đã tuyên bố cứng rắn Nhật Bản sở hữu và kiểm soát các hòn đảo (Senkaku - mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) theo luật quốc tế. Không có chỗ thương lượng về điểm này.

Còn Ấn Độ, Tổng tư lệnh Hải quân D.K Joshi tuyên bố Ấn Độ đang chuẩn bị triển khai tàu chiến tại khu vực Biển Đông để "bảo vệ lợi ích kinh tế" của nước này, đặc biệt là các dự án liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam.

Đương nhiên, trong thế giới hiện đại và văn minh này, quốc gia nào cũng vậy, lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết.

Biển Đông không phải là biển mát, biển lạnh, mà thực chất đang là biển nóng. Tạp chí Foreign Policy (Mỹ), ngày 18/12, đã phải  đặt câu hỏi mang đầy tính dự báo: Liệu 2013 có là năm xung đột châu Á?

Adam Lanza, hung thủ trong vụ xả súng khùng điên đã tự sát. Đó không chỉ là kết cục tất yếu của cái ác cá nhân. Trong thế giới này, quy luật nhân thế cũng chỉ ra rằng, khi  cái ác đầy tham vọng hoang tưởng, muốn đưa các cộng đồng, dân tộc khác về "ngày tận thế", lại thường quên mất rằng, đó cũng là hành động tự sát của chính mình.

Số phận bi thảm của 20 em bé học sinh tiểu học, cùng vô vàn những sát thương khác, cho thấy giấc mơ Mỹ đâu phải chỉ là giấc mơ đẹp. Còn giấc mơ Trung Hoa - giấc mơ "cường quốc đại dương", liệu có thành hiện thực, hay sẽ là giấc mộng... Nam Kha?

Theo Tuần Việt Nam

Theo Tuần Việt Nam

Bạn có thể quan tâm