"Cơn đen" của Uber bắt đầu từ tháng giêng khi phong trào tẩy chay Uber diễn ra rầm rộ. Nhiều khách hàng đã rất tức giận khi phát hiện Uber có quan hệ mật thiết với tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.
Chỉ trong vòng một tuần, Uber đã mất hơn 200.000 khách hàng thân thiết. Từ cái việc này, hàng loạt scandal khác liên tục bám theo Uber.
Ngay trong tháng hai sau đó, một cựu kỹ sư Uber tiết lộ trên mạng xã hội rằng cô đã bị quấy rối tình dục và bị phân biệt đối xử trong khoảng thời gian làm việc tại công ty này.
Ngay lập tức, Uber tuyên bố mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ sự việc. Thế nhưng, thái độ mau mắn đó cũng không cứu được Uber thoát khỏi hàng loạt scandal chao đảo khác.
Dưới đây là thống kê của tờ Business Insider về các scandal của Uber từ đầu năm.
23/2: Bị tố “ăn cháo đá bát” và đánh cắp công nghệ
Hai nhà đầu tư Freada và Mitch Kapor đã tố Uber "ăn cháo đá bát" khi không ghi nhận công sức bao năm nay trong nỗ lực cố gắng làm thay đổi văn hóa của công ty.
Trong khi đó, Waymo, một công ty khởi nghiệp tách ra từ Google và đồng thời cũng là nhà đầu tư của Uber đã khởi kiện công ty này. Waymo cáo buộc Uber đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ công nghệ phát triển xe tự hành.
Cũng từ vụ kiện cáo này mà Sherif Marakby, người phụ trách chương trình xe tự hành của Uber, đã phải từ chức sau đó.
Uber đang trải qua những ngày đen tối. Ảnh: ABC7. |
27/2: Một quan chức cấp cao Uber phải ra đi
Liên quan tới cáo buộc quấy rối tình dục cựu nhân viên, Phó chủ tịch cao cấp phụ trách mảng kỹ thuật, Amit Singhal, đã bị buộc phải từ chức. Tất nhiên, Singhal vẫn một mực khẳng định rằng ông không làm gì sai và bác bỏ mọi cáo buộc.
28/2: CEO Uber, Travis Kalanick gây thất vọng
Trong một lần đi taxi Uber, vị CEO lừng danh Kalanick đã có cuộc tranh luận gay gắt với tài xế về chuyện giảm cước phí. Kalanick đã nói "hớ" khá nhiều, điều này khiến ông phải đưa ra lời xin lỗi sau đó.
Travis Kalanick đã mất bình tĩnh khi tranh luận với tài xế xe Uber. Có vẻ như vận đen của Kalanick bắt đầu từ đây. |
3/3: "Tội đồ" Greyballs, thêm một quan chức cao cấp khác của Uber từ chức
Tờ New York Times tiết lộ trong nhiều năm liền Uber đã sử dụng một công cụ phần mềm tên là Greyballs nhằm bí mật thu thập tin tức người dùng tại những nơi mà hãng này bị cấm hoạt động hoặc xung đột với chính sách quản lý tại đó.
Cũng trong ngày này, Ed Baker, Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm và tăng trưởng của Uber, đã từ chức đột ngột sau hơn 3 năm làm việc tại công ty.
19/3: Chủ tịch Uber "dứt áo ra đi"
Trong bức thư ngỏ sau quyết định từ chức vị trí chủ tịch Uber, Jeff Jones nói rằng niềm tin và đường lối lãnh đạo của ông đã không còn phù hợp với Uber.
Hàng loạt nhân vật cao cấp của Uber từ chức, hoặc bị sa thải. Chủ tịch Uber, ông Jeff Jones rời công ty khi cảm thấy công ty này không còn thích hợp với mình. |
Ngay sau sự ra đi của Jeff Jones, một quan chức cấp cao khác của Uber là Brian McClendon, phó chủ tịch phụ trách các nhóm bản đồ, cũng từ chức.
11/4: Giám đốc Truyền thông Uber từ chức
Rachel Whetstone, người đứng đầu bộ phận truyền thông và chính sách của Uber đã từ chức sau 2 năm gắn với với công ty. Trước đó, bà Whetstone đã có thời gian dài làm việc cho Google cũng ở vai trò tương tự.
4/5: Bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hình sự
Liên quan tới công cụ thu thập thông tin trái phép Greyball, Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự nhắm vào công ty này.
11/5: Vụ kiện của Waymo bị chuyển sang điều tra hình sự
Thẩm phán tòa án Hoa Kỳ đã bác đề xuất tự dàn xếp của Uber với bên nguyên Waymo. Vụ kiện được chuyển sang điều tra hình sự.
23/5: Uber phải trả hàng triệu USD vì sai sót kế toán
Một sai sót trong phép tính của Uber đã khiến các tài xế của hãng tại New York phải chịu thiệt thòi. Uber tuyên bố sẽ bồi thường hàng chục triệu USD cho các tài xế này.
Tính sai giá tiền cho các tài xế, Uber phải bồi thường hàng chục triệu USD. |
30/5: Uber sa thải trưởng bộ phận xe tự hành
Vụ kiện của Waymo đã gây ra nhiều thiệt hại hơn Uber tưởng. Hãng này đã buộc phải sa thải Anthony Levandowski, phụ trách bộ phận phát triển xe tự hành.
31/5: Giám đốc tài chính Uber từ chức vì để công ty thua lỗ
Chính tính riêng quý I/2017, Uber đã để thua lỗ 708 triệu USD. Tất nhiên, phải có ai đó chịu trách nhiệm cho việc này, Gautam Gupta, phụ trách mảng tài chính của Uber, đã buộc phải ra đi.
Đây không phải lần đầu tiên Uber thua lỗ. Năm 2016, hãng này mất 2,8 tỷ USD, chưa kể phải gánh chịu kết quả bi đát tại thị trường Trung Quốc.
6/6: Uber sa thải hơn 20 nhân viên vì có thái độ xấu
Hơn 20 nhân viên Uber đã bị sa thải vì có thái độ xấu sau một cuộc điều tra nội bộ. Những người này bị cáo buộc có những hành vi không thích hợp tại nơi làm việc, chủ yếu liên quan tới quấy rối tình dục, bắt nạt, cư xử thiếu chuyên nghiệp, phân biệt đối xử...
7/6: Thêm một quan chức cấp cao khác của Uber bị sa thải
Eric Alexander, người đứng đầu thị trường châu Á của Uber, đã bị sa thải sau khi bị phát hiện giữ hồ sơ y tế của một nạn nhân vụ cưỡng bức tại Ấn Độ, và đã từng cho đưa hồ sơ này cho một số quan chức khác của Uber xem.
12/6: "Đầu tàu" phụ trách kinh doanh bị buộc từ chức
Emil Michael, người từng được coi là phụ tá thân cận nhất của Travis Kalanick, đã buộc phải từ chức sau nhiều áp lực.
Emil Michael là người hoạch định toàn bộ chiến lược kinh doanh cho Uber. Tuy nhiên, ông này được xác định dính líu tới một loạt scandal của Uber, cả ở vai trò gián tiếp lẫn trực tiếp.
13/6: Kalanick nghỉ phép trong "tâm bão"
Trong e-mail gửi cho toàn bộ nhân viên công ty, CEO Travis Kalanick cho biết ông sẽ nghỉ phép trong một thời gian. Cũng nhân dịp này, Uber tuyên bố sẽ có những thay đổi lớn cho chính sách và văn hóa làm việc của công ty.
Thời huy hoàng của Travis Kalanick tại Uber đã chấm dứt. |
20/6: Kalanick tuyên bố từ chức
Kỳ nghỉ phép ngắn của Kalanick kết thúc với tuyên bố chính thức từ chức vị trí CEO Uber. Một nhóm gồm 5 nhà đầu tư chiến lược của Uber đã có thư ngỏ yêu cầu Kalanick từ chức.
Tuy nhiên, là nhà sáng lập ra Uber, Kalanick vẫn có chân trong ban điều hành, đồng thời cũng có tác động lớn trong việc lựa chọn CEO mới.