Ngày ra mắt của nhà hoạt động dân chủ Myanmar có thể bị hoãn
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) muốn thay đổi một từ trong bản tuyên thệ dành cho nghị sĩ mới của nước này, nhưng không nhận được sự đồng tình, khiến kế hoạch ra mắt của bà Aung San Suu Kyi có thể bị lùi lại.
Bà Aung Suu Kyi đã giành chiến thắng gần đây, khi đảng NLD chiếm được 43 trong tổng số 45 ghế còn trống trong cuộc bầu cử lịch sử ngày 1/4 vừa qua. |
Những nghị sĩ mới của đảng NLD cho rằng, những ngôn từ hiện nay của bản tuyên thệ là một trở ngại tiềm năng đối với khả năng thực thi những thay đổi trong một cơ quan lập pháp vốn lâu nay bị chi phối bởi quân đội. Bà Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động nhân quyền vừa được bầu vào quốc hội, từ chối nhận vị trí mới của mình cho đến khi nó được sửa đổi.
Thứ năm vừa qua, người đứng đầu đảng NLD Nyan Win đã đi thăm thủ đô hành chính Naypyidaw để thuyết phục các quan chức bầu cử và lập pháp thay đổi nội dung tuyên thệ, từ "bảo vệ hiến pháp" sang "tôn trọng hiến pháp". Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại.
Đòi hỏi của NLD đặt đảng này vào vị thế đối đầu với các nhà lập pháp khác, cũng như những tướng lĩnh cũ với tư tưởng cải cách trong chính quyền. Những người này muốn bà Aung San Suu Kyi tham gia vào quốc hội để giúp làm tăng uy tín của quốc hội, nhưng lại không muốn đáp ứng một cách dễ dàng các đòi hỏi do đảng của bà đề ra. Phiên họp dự kiến sẽ tiếp tục vào thứ hai tuần tới, bất chấp việc các nghị sĩ mới của NLD có tham gia hay không.
"Chủ tịch Tòa án bầu cử giải thích cho tôi rằng, ngôn ngữ của bản tuyên thệ này đã được áp dụng với tất cả các đại biểu quốc hội của các quốc gia trên thế giới”, Nyan Win cho biết sau chuyến thăm của ông đến Naypyidaw. Ông cũng hứa sẽ truyền tải lại thông điệp này cho bà Aung San Suu Kyi, và đảng NLD sẽ sớm có tuyên bố chính thức về bước đi kế tiếp.
Trước đó, bà Aung San Suu Kyi đã hạ thấp cuộc đối đầu này, cho rằng chính phủ vì lợi ích của nền dân chủ sẽ đáp ứng các yêu cầu do đảng của bà đưa ra. "Chúng tôi không nói rằng sẽ không tham gia quốc hội, nhưng sẽ chỉ thực thi nghĩa vụ sau khi đã tuyên thệ", bà phát biểu. "Thay đổi một số chữ trong lời tuyên thệ cũng là phù hợp với hiến pháp. Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ trở ngại nào trong vấn đề này".
Bà Aung San Suu Kyi hiện đang mang một sứ mệnh chính trị to lớn. Buổi ra mắt của bà dự kiến sẽ diễn ra cùng ngày Liên minh châu Âu tuyên bố tạm dừng một số lệnh trừng phạt theo đề nghị của bà. Mỹ và Úc cũng hứa hẹn sẽ có những động thái tương tự trong những tháng kế tiếp.
Kế hoạch trọng tâm của bà là thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp, để giảm bớt vai trò của quân đội ra khỏi bộ máy chính trị. Hiện tại, hiến pháp Myanmar dành 25% số ghế quốc hội cho các thành viên của lực lượng quân đội.
Bà Aung Suu Kyi đã giành chiến thắng gần đây, khi đảng NLD chiếm được 43 trong tổng số 45 ghế còn trống trong cuộc bầu cử lịch sử ngày 1/4 vừa qua, đánh bại đảng Đoàn kết cầm quyền của Tổng thống Thein Sein, vốn đang chiếm đa số trong cơ quan lập pháp.
LÊ DUY
Theo Infonet.vn