Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu tại Việt Nam

Ngày ngoại giao châu Âu về Khí hậu được tổ chức hôm nay nhằm kêu gọi người dân Việt Nam tăng cường tham gia và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu mà toàn cầu đang phải đối mặt.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier và bà Delphine Malard, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, trong cuộc họp báo sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: An Nhiên
Sáng 17/6, ông Jean-Noël Poirier, đại sứ Pháp tại Việt Nam, và bà Delphine Malard, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cùng các Đại sứ Bỉ, Đan Mạch, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh tổ chức cuộc họp báo về "Ngày ngoại giao châu Âu về Khí hậu".

"Ngày khí hậu nhằm mục đích mời gọi toàn thể công dân tham gia vào Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), giới thiệu quan điểm chung của EU và các hoạt động mà tổ chức tiến hành tại Việt Nam và các quốc gia thành viên để chống biến đổi khí hậu", ông Poirier phát biểu.

Ngày châu Âu về Khí hậu cũng là dịp để giới thiệu về Hội nghị toàn cầu về khí hậu Paris 2015 (COP21) do Pháp đăng cai tổ chức và chủ trì. Hội nghị này là dịp để các nước tham dự trình bày cam kết về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đi đến ký kết thỏa thuận toàn cầu về khí hậu, cho phép hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C. 

Carc đại sứ đạp xe trước khi tham dự họp báo. Ảnh: An Nhiên
Đại sứ các nước thuộc EU đạp chiếc xe đạp bằng tre, thể hiện quyết tâm chống biến đổi khí hậu, trước khi tham dự họp báo. Ảnh: An Nhiên

Việt Nam là một trong các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hậu quả của biến đổi khí hậu. Đại diện các quốc gia châu Âu ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình đối phó với các vấn đề môi trường, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Việt Nam nhằm phát triển một ngành năng lượng bền vững theo hướng phát thải ít carbon tại các khu công nghiệp.

Những nhận định khoa học cho thấy sự gia tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất là do hoạt động của con người gây ra. Với nhịp độ gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm từ 3 đến 5°C vào năm 2100, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tan chảy băng, nước biển dâng cao (khoảng 60 cm nữa) và gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan tại nhiều khu vực trên trái đất, trong đó có Việt Nam.

Liên minh châu Âu với 28 quốc gia thành viên, đang theo đuổi những mục tiêu tham vọng: cắt giảm ít nhất 40% lượng khí thải của Liên minh từ nay tới năm 2030, và 50% tới năm 2050 (so với năm tham chiếu 1990). Chính vì vậy, EU cam kết tham gia tích cực những nỗ lực toàn cầu và khuyến khích sự hợp tác giữa các đối tác quốc tế để đạt được một thỏa thuận tại Paris.

 

Trong khuôn khổ "Ngày ngoại giao châu Âu về Khí hậu", nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức như trình chiếu bộ phim viễn tưởng về chủ đề biến đổi khí hậu tại L’Espace – viện Pháp tại Việt Nam và tổ chức cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu trên mạng xã hội Facebook dành cho mọi công dân Việt Nam.

Con người đang hủy hoại trái đất thế nào?

Môi trường sống của hơn 7 tỷ người trên trái đất đang rơi vào trạng thái nguy hiểm vì ô nhiễm. Nếu tình trạng này kéo dài, loài người sẽ sớm bước vào thời kỳ diệt vong.

An Nhiên

Bạn có thể quan tâm