Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày mai, khai quật các mố cầu vượt qua Đàn Xã Tắc

4 điểm đã được dự tính xây dựng các trụ cầu vượt qua khu vực Đàn Xã Tắc sẽ được chính thức động thổ khai quật vào ngày mai 22/8 để tìm xem có cổ vật ở dưới lòng đất không.

Liên quan đến việc xây cầu vượt nhẹ dành cho ô tô qua Đàn Xã Tắc của Hà Nội, sau những tranh cãi của những chuyên gia, nhà khảo cổ về việc bảo tồn di tích lịch sử này. Tại cuộc hội thảo gần đây do UBND Hà Nội tổ chức, trong 4 phương án xây dựng cầu vượt được đưa ra, phương án 4 cầu vượt đi trên vành đai 1 lệch về phía nam, có bổ sung một nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên đi qua nút giao Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên vành đai 1 được nhiều nhà khoa học đồng thuận. Một số ý kiến cho rằng, phương án này tạo thành chữ Y song cải thiện được không gian, kiến trúc đô thị mà vẫn bảo tồn được Đàn Xã Tắc.

Mới đây, để việc xây dựng cầu vượt không ảnh hưởng đến di tích lịch sử Đàn Xã Tắc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cho phép Viện Khảo cổ học khai quật 4 vị trí dự kiến xây trụ cầu vượt với diện tích 80 m2 nằm gần khu khảo cổ Đàn Xã Tắc. Thời gian khai quật các mố trụ khoảng 3 tháng, kết quả thám sát sẽ được báo cáo Cục Di sản văn hóa.

Mô hình cầu vượt hình chữ Y dự kiến sẽ được xây dựng qua Đàn Xã Tắc của Hà Nội.

Sáng nay 21/8, trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, sau một thời gian chuẩn bị nhân công, phương tiện để khai quật đến nay đơn vị này đã nhận được mặt bằng và dự định sẽ bắt tay vào khai quật từ ngày mai 22/8.

“Ngày mai chúng tôi sẽ làm lễ động thổ và bắt đầu khai quật tại một mố cầu ở đường Hoàng Cầu, sau đó vài ngày sẽ làm tiếp các điểm mố cầu số 3 và 4 cùng trên tuyến đường này. Riêng điểm mố cầu trên tuyến đường Khâm Thiên, do địa điểm khảo cổ phức tạp vì địa hình chật hẹp, các phương tiện giao thông qua lại nên sẽ phải khoanh vùng và phân luồng giao thông để đảm bảo không ùn tắc”, ông Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết.

Trả lời câu hỏi về việc các hố khai quật sẽ được đào sâu bao nhiêu mét, ông Liêm cho biết, chưa thể trả lời chính xác vì còn phụ thuộc vào việc có phát hiện cổ vật hay không.

“Hố sâu bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào lớp di vật được tìm thấy. Tuy nhiên, nếu có di vật chúng tôi sẽ đào cho hết lớp văn hóa”, ông Liêm cho biết.

 

Theo VnMedia

Bạn có thể quan tâm