Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông báo vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Tối 31/12, không khí lạnh mạnh kết hợp hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới đã gây ra gió hướng bắc mạnh cấp 8-9 ở Huyền Trân. Khu vực ven biển Nam Trung Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7.
Đến 19h ngày 31/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 140 km về phía nam tây nam, cách Huyền Trân khoảng 110 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm là cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 10.
Cơ quan khí tượng dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây nam với vận tốc khoảng 15 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 1/1/2019, vị trí tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 510 km về phía đông nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm tăng lên cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Cùng thời gian vùng nguy hiểm trên Biển Đông (phía Bắc vĩ tuyến 5,0 độ Vĩ Bắc) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, vận tốc giảm còn 10 km/h. Đến 19h ngày 2/1, vị trí tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 320 km về phía đông nam với sức gió không đổi.
Thời tiết ở Sài Gòn và Nam Bộ có thể bị ảnh hưởng do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Hoàng Như. |
Trung tâm dự báo quốc gia cảnh báo ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (sau có thể mạnh lên thành bão) kết hợp với không khí lạnh mạnh khiến khu vực phía tây của nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh. Riêng khu vực Huyền Trân có gió mạnh cấp 8-9.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới. Ảnh: NCHMF. |