Chiều 30/12, các chuyên gia của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có cuộc hội thảo trực tuyến nhằm phân tích và đưa ra nhận định về sự suy yếu của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông cùng sự hình thành và phát triển của một vùng áp thấp mới ở khu vực nam Biển Đông.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia), cho biết áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông suy yếu thành một vùng áp thấp trong khi một vùng áp thấp mới xuất hiện.
Đường đi dự báo của vùng áp thấp và dự báo tối 30/12 cho thấy diễn biến của nó cần được theo dõi thêm. Trong tình huống xấu vùng áp thấp phát triển thành bão, thời tiết khu vực Trung và Nam Bộ sẽ có nhiều biến động. Ảnh: NCHMF. |
Theo kịch bản xấu được cơ quan khí tượng phân tích, vùng áp thấp mới xuất hiện sẽ đi qua phía nam quần đảo Trường Sa và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó, không loại trừ khả năng nó sẽ mạnh lên thành bão đầu cấp 8.
Nếu trường hợp này xảy ra, thời tiết Trung và Nam Bộ sẽ có nhiều biến động. Áp thấp này mạnh lên, tiếp tục tiến sâu, nó sẽ kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông gây mưa to đến rất to ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.
Đặc biệt, từ chiều và đêm 31/12, Nam Trung Bộ sẽ mưa rất lớn và có thể kéo dài 2-3 ngày, tùy theo diễn biễn của áp thấp nhiệt đới (hoặc đã mạnh lên thành bão).
Mưa lớn ở Trung Bộ có thể kéo dài từ đêm 31/12 đến 3 ngày tiếp theo. Đồng thời, hoàn lưu của vùng áp thấp sẽ gây mưa kèm dông lốc, sét và gió mạnh cho Nam Bộ trong 2-3 ngày tới.
Trong trường hợp này, từ đêm 31/12, gió ở khu vực vùng biển ngoài khơi Trung và Nam Bộ mạnh dần lên, đặc biệt, huyện đảo Phú Quý sẽ có gió rất mạnh trong thời gian tới.
Vùng áp thấp mới xuất hiện có thể mạnh lên thành bão cấp 8 gây ảnh hưởng đến Nam Bộ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại phiên thảo luận chiều 30/12, các chuyên gia của cơ quan khí tượng quốc gia thống nhất dự báo khả năng cao áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển ngang qua khu vực phía nam mũi Cà Mau và đi sang vùng Biển Tây.
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho biết áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông đã suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống dự báo khí tượng thủy văn phải hết sức lưu ý những khả năng vùng áp thấp mạnh trở lại thành áp thấp nhiệt đới và đi sang vùng biển phía tây, vùng vịnh Thái Lan để tư vấn cho các địa phương khu vực Nam Bộ chủ động các phương án phòng, tránh.