Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày 30/4/1975 qua tường thuật của báo chí đương thời

Nhân dân đứng chật trên các đường phố vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt khi các đoàn xe chở quân giải phóng đi qua. Nhiều thanh niên đeo băng đỏ giữ trật tự hoặc chỉ đường cho bộ đội.

Ngày 30/4/19745, đánh dấu thời điểm non sông thu về một mối. 45 năm đã qua đi, nhưng không khí của thời điểm lịch sử ấy vẫn còn được ghi dấu nơi các tài liệu lưu trữ, trong đó có báo chí đương thời dạo đó như báo Nhân dân, Hà Nội mới…

Những giờ phút lịch sử nơi dinh Độc Lập

Trên báo Nhân dân số 7667, ra ngày 1/5/1975, bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh ngày giải phóng” cho hay ngày 30/4 khi quân giải phóng tiến vào, quân Việt Nam Cộng hòa gác trước “phủ tổng thống” (tức dinh Độc Lập) đã đầu hàng quân giải phóng.

Phóng viên hãng tin Reuters tường thuật “đã chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu húc đổ chiếc cột bằng thép vững chắc và cán cờ rơi xuống đất rồi vượt qua. Gần 100 xe tăng khác nhanh chóng tiến lên theo và bộ đội Chính phủ cách mạng tỏa ra khắp khu vực “phủ tổng thống”.

Vẫn theo báo Nhân dân số 7667, lính gác Việt Nam Cộng hòa đầu hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Trong khi đó lá cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay ở lan can tầng hai. Cỗ súng trên các xe tăng “gầm lên và quân lính nổ súng chào mừng”.

Sai Gon ngay 30/4/1975 qua tuong thuat cua bao chi duong thoi anh 1

Báo Hà Nội mới số 2245, ra ngày 1/5/1975 tường thuật sự kiện 30/4/1975. Ảnh: Trần B.A.

Phóng viên hãng tin AFP của Pháp đưa tin, bên trong phủ tổng thống: Cố giấu vẻ xúc động và buồn rầu bằng nụ cười lặng lẽ thường có, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền cùng thủ tướng Vũ Văn Mẫu đứng chờ trong phủ.

Là phóng viên có mặt trong giờ phút lịch sử ấy, Trần Mai Hạnh (tác giả Biên bản chiến tranh 1-2-2-3.75), phóng viên của TTXVN tại Sài Gòn lúc ấy, đã ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong bài “Vào trung tâm thành phố” đăng trên Hà Nội mới, số 2246, ngày 2/5/1975.

Khi quân giải phóng ào vào bên trong dinh Độc Lập, tướng Minh đứng dậy tuyên bố: “Đầu hàng” và nói: “Cách mạng đã về, các anh đã về”. Vẫn lời tướng Minh được Trần Mai Hạnh tường thuật: “Từ sáng chúng tôi đã chờ các ngài tới để bàn giao”. Anh cán bộ quân giải phóng từ tốn và dõng dạc:

“Toàn bộ chính quyền đã về tay cách mạng, chính quyền cũ đã sụp đổ. Người ta không thể giao cái không còn trong tay”. Nội các của Minh im lặng “Nhưng họ mừng và an tâm vì họ được đối xử lịch sử, nhã nhặn và thiện chí. Lúc ấy là 11 giờ 15 phút ngày 30/4/1975”.

Sai Gon ngay 30/4/1975 qua tuong thuat cua bao chi duong thoi anh 2

Nhân dân Sài Gòn tràn về dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Theo Hà Nội mới số 2245, ra ngày 1/5/1975, trong bài “Thành phố Sài Gòn…” ghi lại giờ phút lịch sử kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh: “11 giờ 30 phút ngày 30/4, cờ Chính phủ cách mạng đã tung bay trên nóc phủ tổng thống ngụy quyền và ở khắp thành phố. Thành phố Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn giải phóng”.

Lá cờ giải phóng ấy theo lời nhà báo Trần Mai Hạnh, được kéo lên bởi đại đội trưởng Bùi Quang Thận. Sau khi cờ giải phóng được kéo lên thì “trong loáng mắt, những lá cờ cách mạng xuất hiện phấp phới tung bay trên nóc các cơ quan, tòa nhà, trên khắp thành phố”.

Một không khí hồ hởi khắp phố phường

Khác với dự báo trước đó cho rằng sẽ xảy ra cảnh hỗn loạn khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ngược lại, như hãng tin AFP đưa tin: Xe quân sự chở quân giải phóng chạy cách nhau 30 m trên đường phố, cứ đến mỗi ngã tư lại có một người cầm cờ Mặt trận nhảy xuống.

Bài viết “Sài Gòn những ngày đầu giải phóng” đăng trên báo Tiền phong số 2460, ra ngày 6/5/1975 ghi lại cảnh tượng chưa từng có khi theo bước quân tiến vào thành phố “có những má, những chị dùng xe máy rượt theo, cố gắng ném lên xe những nắm cơm, những gói thức ăn đã chuẩn bị từ bao giờ”.

Giữa hè phố, thanh niên đeo băng đỏ giữ trật tự hoặc xung phong chỉ đường cho bộ đội. Các chiến sĩ giải phóng tay cầm AK47, đi lại nhẹ nhàng, chiếm lĩnh các vị trí quanh dinh Độc Lập: “Nhân dân đứng chật trên các đường phố vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt khi các đoàn xe chở Quân giải phóng đi qua. Những binh lính còn mặc binh phục quân ngụy cũng vỗ tay hoan nghênh”.

Sau khi chiếm lĩnh dinh Độc Lập, nội các Dương Văn Minh đầu hàng, AFP cho hay đến 12 giờ 30 phút, các tuyến phố chính cứ 50m có một chiến sĩ quân giải phóng đứng gác. Việc đi lại diễn ra bình thường. Cảnh tượng thú vị được AFP tường thuật:

“Mang súng trường tự động AK47, những người lính trẻ tuổi của Mặt trận giải phóng, chân đi dép cao su này lập tức được nhân dân hân hoan từ các nhà trong phố đổ xô ra vây quanh. Cười một cách hồn nhiên, họ bắt tay những người lính trẻ này bằng cả hai tay và vỗ vai các chiến sĩ hết sức nồng nhiệt”.

Sai Gon ngay 30/4/1975 qua tuong thuat cua bao chi duong thoi anh 3

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng. Ảnh tư liệu.

Thông tin đưa đến từ các hãng tin AFP, Reuters khá khớp nhau. Ngoài không khí hoan hỉ đón chào quân giải phóng, nhân dân còn cầm cờ giải phóng mới tinh hòa vào cuộc diễu hành của xe tăng quân giải phóng.

Không khí hội hè thay thế cho tình trạng vô chính phủ trước đó. Khi quân giải phóng xuất hiện, tình trạng hỗn loạn chấm dứt. Những hành động cướp phá, ăn trộm có vũ trang cũng lùi xa…

Thành phố Sài Gòn đã mang tên Thành phố Hồ Chí Minh

Điều tưởng chừng như không tưởng ấy là sự thật, vẫn còn ghi dấu trên báo chí dạo ấy. Dẫu phải chính thức đến ngày 2/7/1976, Quốc hội mới đổi tên thành phố Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng trên nhiều tờ báo ra ngày 1/5/1975 đã có những bài viết mang tiêu đề Thành phố Hồ Chí Minh.

Thậm chí báo Nhân dân số 7665, ra ngày 29/4/1975 đã có bài “Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”.

Sai Gon ngay 30/4/1975 qua tuong thuat cua bao chi duong thoi anh 4

Bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh ngày giải phóng” trên báo Nhân dân số 7667, ra ngày 1/5/1975. Ảnh: Trần B.A.

Trong báo Nhân dân số 7667, ra ngày 1/5/1975 có bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh ngày giải phóng”; báo Hà Nội mới số 2245, ra ngày 1/5/1975 cũng có bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh càng rực rỡ tên vàng”. Còn báo Tiền phong số 2460 ra ngày 6/5/1975 có bài “Thành phố Hồ Chí Minh là đích chân trời”, và bài “Ta lại về Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”.

‘Tôi hạnh phúc khi tác nghiệp trong giờ phút huy hoàng của dân tộc’

Trần Mai Hạnh nói niềm tự hào, hạnh phúc nhất trong quãng đời làm báo của ông là được chứng kiến, tác nghiệp trong giờ phút huy hoàng hoàng, trọng đại nhất của lịch sử dân tộc.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm