Hai thập kỷ trước, một kỷ nguyên bắt đầu khi những chiếc máy bay bị không tặc kiểm soát đã đâm vào các tòa nhà chọc trời của Mỹ.
Kỷ nguyên đó đã kết thúc trong tuần này với hình ảnh những người Afghanistan tuyệt vọng bám vào máy bay Mỹ, cố gắng thoát khỏi sự hỗn loạn tại Kabul. Một người thiệt mạng trong bộ phận hạ cánh.
Nước Mỹ đã đem đến Afghanistan lực lượng, tiền bạc và những nỗ lực ngoại giao nhằm đánh bại ý tưởng thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Trong bốn nhiệm kỳ tổng thống, hơn 2.400 người Mỹ đã hy sinh mạng sống trên đất Afghanistan và hơn 1.000 tỷ USD được chi tiêu vào cuộc chiến.
Hồi cuối tuần rồi, nỗ lực của nước Mỹ đã thất bại toàn diện với tuyên bố chiến thắng của Taliban, theo New York Times.
Với sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, các ưu tiên của nước Mỹ đã thay đổi. Sức mạnh tương đối của cường quốc số một thế giới không giống như 20 năm trước. Không còn Chiến tranh Lạnh, người Mỹ cũng không mấy mặn mà với những chiến dịch quân sự tại các khu vực xa xôi.
Người dân Afghanistan chờ đợi bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai. Ảnh: Reuters. |
Chuyển hướng quan tâm
“Là tổng thống, tôi kiên quyết rằng chúng ta phải tập trung vào các mối đe dọa ngày hôm nay, vào năm 2021, chứ không phải các mối đe dọa ngày hôm qua”, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ngày 16/8, bảo vệ quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan.
“Quân đội Mỹ không thể, không nên tham chiến và hy sinh trong một cuộc chiến mà các lực lượng Afghanistan thậm chí không sẵn sàng chiến đấu cho chính họ”, ông Biden nói.
Lakhdar Brahimi, nhà ngoại giao Algeria từng là đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Afghanistan và Iraq, cho biết: “Trong nhiều thập niên, Afghanistan là nạn nhân của những người nghĩ mình đang làm điều tốt đẹp. Không có thời điểm nào phù hợp để nước Mỹ rời đi. Tất cả mọi thời điểm đều tốt hoặc xấu như nhau”.
Vào năm 2021, hầu hết người Mỹ muốn rời khỏi Afghanistan và ưu tiên phát triển trong nước.
Nước này đã đạt được mục tiêu tuyên bố ban đầu: "Đánh bại chủ nghĩa khủng bố". Đúng là những tổ chức dưới hình thức như Al Qaeda đã gần như bị đánh bại trong hai thập kỷ qua, nhưng Hồi giáo chính trị vẫn được Taliban duy trì tại Afghanistan.
Một bé gái người Afghanistan chờ đợi tại sân bay Fiumicino, Italy. Ảnh: Reuters. |
Bài viết trên New York Times nhận định rằng chúng ta vẫn còn phải chờ đợi để xem liệu một Taliban được mài giũa bởi kinh nghiệm ngoại giao có thể xoa dịu nỗi lo của người dân và các quốc gia khác hay không. Vả cả câu hỏi liệu họ có ngăn chặn Afghanistan trở thành một mảnh đất màu mỡ cho các âm mưu gây bất ổn hay không.
Sau sụp đổ của chính quyền Afghanistan, phụ nữ và tầng lớp trung lưu mới nổi cảm thấy bị phản bội. Những cuộc tranh luận về việc liệu Mỹ có nên duy trì sự hiện diện quân sự khiêm tốn để ngăn cản Taliban chiếm quyền lực sẽ sớm nổ ra.
Chỉ vài ngày trước, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nghĩ rằng ông vẫn còn hai tuần để đàm phán một quá trình chuyển đổi quyển lực có tổ chức. Nhưng trên thực tế, không có sự hỗ trợ của Mỹ, ông rơi vào tình thế bấp bênh và thất bại. Tổng thống Ghani đã rời khỏi đất nước và chấm dứt mọi hy vọng của một chính quyền dân sự Afghanistan.
Dấu ấn nhiệm kỳ
Tổng thống Biden từ lâu đã hoài nghi về mục đích về cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông hành động với niềm tin rằng rất khó có khả năng Taliban sẽ “vượt qua mọi thứ và sở hữu toàn bộ đất nước” như ông đã nói vào tháng trước.
Những lời nói đó chắc chắn sẽ ám ảnh cả nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, ngay cả khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có lỗi trong vấn đề này. Hình ảnh Đại sứ quán Mỹ tại Kabul đóng cửa và lực lượng Taliban tiếp quản các tòa nhà chính phủ cũng sẽ đồng hành cùng Tổng thống Biden mãi mãi.
“Tôi không nghi ngờ gì về việc đây sẽ là một trách nhiệm rất lớn đối với Tổng thống Biden, cho dù trách nhiệm ấy là do cựu Tổng thống Trump gây ra”, Cameron Munter, cựu đại sứ Mỹ tại Pakistan, nói.
“Điều kinh khủng là chính quyền Mỹ không có kế hoạch. Hầu như không có bất kỳ cuộc tham vấn nào với NATO và rất ít với chính phủ Afghanistan. Đó là thất bại của tình báo, hậu cần và kế hoạch. Cuối cùng, nó là thất bại về chính trị, bởi vì bất kể điều gì, đều là do ông Biden chịu trách nhiệm”, Stephen Heintz, người đứng đầu một quỹ đã làm việc về Afghanistan từ năm 2011, nói.
Người dân trèo lên một chiếc máy bay tại sân bay quốc tế Hamid Karzai. Ảnh: AFP. |
Dù vậy, cách ông Biden và người tiền nhiệm phản ứng với tình hình tại Afghanistan là tâm trạng chung của người Mỹ. Việc rút quân thể hiện chính xác sự thay đổi các ưu tiên của nước Mỹ, bao gồm cả việc hướng tới sự cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc.
Thiếu sót chính sách
New York Times nhận định quyết định đặt chân tới Afghanistan đã mở đầu cho một loạt sai lầm của những nhà hoạch định chính sách Mỹ. Cuộc chiến năm 2003 tại Iraq được tiến hành dựa trên thông tin tình báo thiếu sót đã chiếm mất sự chú ý và nguồn lực từ Afghanistan.
Đánh bại chủ nghĩa khủng bố là một cách nguy hiểm trong việc xây dựng quốc gia. Mục tiêu của Mỹ rất xa vời ở một đất nước chưa bao giờ có một cuộc điều tra dân số và lòng trung thành của bộ lạc rất mạnh mẽ. Nỗ lực xây dựng quân đội Afghanistan đáng tin cậy với khoản đầu tư 83 tỷ USD trở thành một thất bại ê chề.
“Chúng tôi đã cố gắng xây dựng một quân đội Afghanistan theo mô hình Lầu Năm Góc. Nhưng nó không thể hoạt động nếu thiếu chúng tôi”, Vali R. Nasr, cố vấn cấp cao về chính sách Afghanistan từ năm 2009 đến 2011, nói.
Thất bại tại Afghanistan chắc chắn mang lại một bài học đau đớn. Nước Mỹ đã thất bại trong việc cố gắng xây dựng một Afghanistan theo mô hình Mỹ thay vì thích nghi với nhu cầu và năng lực thực tế.
Các bé gái đi học hồi tháng 5 ở Sheberghan, Afghanistan. Ảnh: New York Times. |
Cameron Munter, cựu đại sứ Mỹ tại Pakistan, nhớ lại ông đã đến Afghanistan và thấy “không có kế hoạch nào cả”.
“Các quan chức dường như chỉ quan tâm việc họ có thể phân phối tiền bạc nhanh như thế nào. Sau đó, họ có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ rằng chúng tôi đang chi tiêu số tiền được phân bổ”, ông nói.
Yếu tố thường bị thiếu sót trong quá trình hoạch định chính sách của Mỹ, cả ở Iraq và Afghanistan, là khả năng đặt ra câu hỏi “Chúng ta biết gì về nơi chúng ta sẽ đến”.
“Người Mỹ rất miễn cưỡng thừa nhận rằng họ không biết gì nhiều về những gì đang xảy ra. Họ đã phạm sai lầm vì không có đầy đủ thông tin”, ông Brahimi nói.
Nhưng người Mỹ cũng mang đến những lợi ích cho Afghanistan. Saad Mohseni, một doanh nhân Afghanistan, đã so sánh 20 năm qua với “thời kỳ hoàng kim”, đưa Afghanistan từ thế kỷ XII đến thế kỷ XXI. Phụ nữ được đi học và người dân được kết nối với thế giới.
“Người Afghanistan đã thay đổi mãi mãi”, ông nói.