Chiều 5/5, vào chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), chúng tôi tìm được nhiều thông tin về luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.
Phần giới thiệu về luận án này ghi rõ: "Đã thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức TP Sơn La, cho thấy còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế...".
Chiều cùng ngày, ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xác nhận đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được hướng dẫn và bảo vệ tại viện này.
Nội dung đề tài được công bố vào tháng 12/2021 và nghiệm thu thành công cấp viện vào ngày 19/1/2022. Trả lời về tính thực tiễn và chất lượng của luận án tiến sĩ này, ông Hiếu khẳng định đề tài được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy định.
Thông tin về luận án này đã gây xôn xao dư luận những ngày qua. Nhiều người cho rằng đây là hình ảnh "chế", trong khi nhiều người khác nhận xét nội dung đề tài không đủ tầm của một luận án tiến sĩ.
"Đề tài này quá nhỏ, không có tính đóng góp cho xã hội hay cộng đồng khoa học. Nó giống với báo cáo, tham luận hơn là một luận án. Bộ GD&ĐT đặt ra những yêu cầu khắt khe trong đào tạo tiến sĩ nhưng không hiểu sao những luận án này vẫn được duyệt", một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục bức xúc.
Một giáo sư có tiếng của ĐHQG Hà Nội băn khoăn: "Không riêng luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD-ĐT ngập tràn đề tài tiến sĩ về các môn cầu lông, bơi lội...".
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên chuyên trang này còn có đề tài "Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên đại học khối các trường kỹ thuật TP Thái Nguyên" của TS Nguyễn Trường Giang, cơ sở đào tạo là Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh; đề tài "Xây dựng chương trình thể thao ngoại khóa cho sinh viên Trường ĐH Hùng Vương tỉnh Phú Thọ" của TS Lưu Thị Như Quỳnh, cơ sở đào tạo là Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh...
Chưa kể, chuyên trang này cũng lưu giữ thông tin của nhiều đề tài với nội dung na ná nhau, ví dụ: "Nghiên cứu xây dựng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất của Trường ĐH Phú Yên", "Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường ĐH Hải Phòng"...
"Một công trình nghiên cứu, đặc biệt là luận án tiến sĩ, được yêu cầu phải có tính mới, tính ứng dụng, có phương pháp nghiên cứu khoa học bảo đảm độ tin cậy thì mới được xem là đạt chất lượng. Đó là những yêu cầu được Bộ GD&ĐT đặt ra. Nhưng, chúng ta đang thấy những gì? Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, không thể công nhận những tiến sĩ kém chất lượng", một giáo sư thẳng thắn.