Đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) ngập một đoạn dài sáng 11/10. Ảnh: Đức Phú. |
Theo số liệu đo đạc của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều thực đo tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) tối 10/10 đạt 1,68m, bằng đỉnh triều lịch sử từng được ghi nhận ngày 20/10/2013.
Triều cường kết hợp mưa: ngập chồng ngập
Ngày 11/10, người dân ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 và khu vực H.Nhà Bè tiếp tục khổ sở với đợt triều cường ở mức cao. Triều cường đã làm nhiều con đường biến thành sông.
Từng đợt sóng do ôtô tạo ra vỗ dồn dập làm người chạy xe máy ngã nhào xuống nước, có người vì sợ ngã nên phải đẩy xe, giao thông trở nên hỗn loạn. Hai bên đường Huỳnh Tấn Phát, các cửa hàng buôn bán vẫn chưa mở cửa vì ngập nước. Người dân dùng các tấm bạt lớn, bao tải cát che kín mít trước cửa để chắn nước tràn vào nhà.
Tại đường Phú Thuận, Q.7, nhà một số hộ dân bị ngập nước. Anh Hoàng, người dân tại hẻm số 16, cho biết nước đã ngập mấy ngày nhưng chưa bao giờ cảm thấy ngập nặng như vậy. Đến trưa cùng ngày, dù triều cường đã rút nhưng nhiều nơi vẫn ngập. Đầu giờ chiều, một trận mưa tiếp tục đổ xuống khiến người dân phải hứng chịu cảnh ngập chồng ngập.
Tuy nhiên, đỉnh triều tại trạm Nhà Bè (kênh Đông Điền) đạt đến 1,7m. Đây là mức cao nhất trên hệ thống sông rạch của TP.HCM và lần đầu tiên xuất hiện tại Nhà Bè từ trước tới nay.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, trước nay đỉnh triều tại trạm Nhà Bè lúc nào cũng thấp hơn 1-2cm so với trạm Phú An.
Tuy nhiên đợt triều lần này, đỉnh triều lại có sự đổi chỗ: Nhà Bè lại cao hơn Phú An.
Điều này cho thấy nước triều ở khu vực phía nam dâng cao hơn khu vực trung tâm TP.HCM mà hiện nay chưa lý giải được.
Ông Nguyễn Minh Giám, phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho rằng cần phải có nghiên cứu khoa học mới khẳng định được nguyên nhân, nhưng ông tin có mối liên hệ với tình trạng đô thị hóa, nhiều khu vực đã được xây dựng mới chiếm chỗ mặt nước.
Để giải quyết tình trạng ngập nước trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), trước đây một đơn vị trực thuộc Sở GTVT TP.HCM đề xuất nâng cải tạo cống và nâng mặt đường.
Nhưng ý tưởng trên không được UBND TP chấp thuận vì chỉ giải quyết chống ngập do triều cường trong phạm vi hẹp. Sau đó, UBND TP giao lại cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước đề xuất giải pháp chống ngập cho khu vực Q.7 căn cơ hơn.
Mới đây, trung tâm này đã trình phương án xây dựng tuyến đê bao nội bộ cho toàn bộ khu vực Q.7, đồng thời nâng cấp một số đoạn đường trũng thấp với số vốn đầu tư lên đến 900 tỉ đồng.
Hiện dự án đang được Sở GTVT thẩm định, chưa biết đến khi nào triển khai.
Trong khi đó, khu vực huyện Nhà Bè diện tích rộng và cao trình thấp nên vẫn trông chờ vào dự án xây dựng 12 cống kiểm soát triều cùng hệ thống đê bao khép kín TP.HCM theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt.
Thế nhưng dự án này hiện gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai do nguồn vốn đầu tư quá lớn.
Ông Nguyễn Minh Giám cho biết từ nay đến Tết dương lịch còn khoảng năm đợt triều cường có thể đạt, vượt mức báo động 3 (1,5m), trong đó khả năng sẽ có đỉnh triều xấp xỉ 1,7m như tối 10/10.