Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngành phim ảnh Trung Quốc lỗ hàng triệu USD vì khủng hoảng showbiz

Ảnh hưởng từ chính sách mới và scandal nghệ sĩ khiến ngành phim ảnh Trung Quốc lao đao. Trong đó, lĩnh vực truyền hình gánh khoản lỗ khổng lồ vì nhiều dự án không thể lên sóng.

Ngày 6/11, Sina đưa tin giới làm phim Trung Quốc hiện điêu đứng vì lệnh cấm mới, bê bối đời tư của nghệ sĩ và cả bệnh dịch. Hàng chục bộ phim đang bỏ ngỏ thời gian phát hành. Tổng thiệt hại ước tính hàng trăm triệu USD.

Hơn 50 dự án truyền hình bị xếp kho

Theo Sina, từ đầu năm đến nay, nhiều bộ phim truyền hình của Trung Quốc buộc phải hoãn lịch chiếu hoặc ngừng công tác ghi hình do nghệ sĩ tham gia dự án vướng bê bối và bị tẩy chay, hoặc nội dung nằm trong danh sách cấm của cơ quan quản lý văn hóa.

Sohu cho biết có hơn 30 dự án truyền hình liên quan đến đề tài đam mỹ chuẩn bị phát sóng, chịu ảnh hưởng nặng nề từ tuyên bố loại bỏ trào lưu phim chuyển thể có chứa yếu tố đồng tính nam của Tổng cục Quảng bá và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc. Có thể kể đến Hạo y hành, Phong hỏa lưu kim, Vai trái có cậu, Sơn hà biểu lý, Vực sâu, Đoạt mộng.

Theo Sohu, lệnh cấm ban hành đột ngột từ NRTA khiến nhà đầu tư và đoàn phim lao đao vì nhiều dự án đang trong quá trình sản xuất với vốn đầu tư cực khủng. Như Tencent đã bỏ hơn 80 triệu USD để tham gia vào cuộc đua sản xuất phim đam mỹ với 3 dự án. Đoàn phim Cát tinh cao chiếu hay Quỷ phủ thần công phải ngừng quay để thay đổi kịch bản.

Những cái tên như Triệu Vy, Trịnh Sảng, Mạnh Mỹ Kỳ, Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn... cũng khiến hơn chục đoàn phim khốn đốn khi vướng bê bối đời tư nghiêm trọng. Do bị tẩy chay, các dự án phim của họ không thể lên sóng theo kế hoạch. Chỉ riêng Ngô Diệc Phàm đã khiến ê-kíp Thanh trâm hành đứng trước nguy cơ mất trắng 78 triệu USD.

Được lên lịch ra rạp vào tháng 2/2022, Ngã tâm phi dương bị ảnh hưởng lớn khi nữ chính Mạnh Mỹ Kỳ vướng bê bối tình ái. Tác phẩm này được sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Thể thao với vốn đầu tư không nhỏ nhằm tuyên truyền cho Olympics mùa đông. Vì vậy, Ngã tâm phi dương khó dời lịch chiếu.

Trước tình trạng không thể phát hành, các ê-kíp đang gấp rút tìm cách gỡ thế khó. Theo Sina, với những tác phẩm vướng lệnh cấm nội dung như phim đam mỹ, đoàn phim tiến hành đổi tên, sửa kịch bản hoặc mạnh tay cắt toàn bộ cảnh quay gây tranh cãi.

Với những dự án dính tai họa vì scandal nghệ sĩ, sử dụng công nghệ AI để thay mặt hoặc quay lại, là phương án khả thi nhất. Hai cách này ước tính khiến nhà sản xuất lỗ thêm hàng chục triệu NDT. Theo Sohu, chi phí cho công nghệ AI hiện nay là 4.600 USD/phút. Nhà sản xuất Lý Tâm cho biết trung bình một dự án làm lại phải tốn thêm 10-15 triệu USD, chưa tính cát-xê trả cho diễn viên thay thế.

Theo Sina, tiến hành loạt thay đổi để phù hợp với thời cuộc, nhưng khả năng những tác phẩm nói trên được lên sóng, hay thu hồi vốn vẫn rất mông lung, chưa kể chất lượng phim còn không đảm bảo. QQ cho biết Phong hỏa lưu tinh phải cắt bỏ khoảng 5 tập phim khi kiểm duyệt. Dù có giấy phép lên sóng từ đầu tháng 6, đến nay phim vẫn chịu cảnh bị "đắp chiếu".

Phòng vé Trung Quốc biến động

Theo số liệu của Cục quản lý điện ảnh Trung Quốc, tổng doanh thu phòng vé nước này đã đạt 42,5 tỷ NDT, tiếp tục dẫn đầu thị trường điện ảnh thế giới. Năm nay, có 47 bộ phim điện ảnh đạt doanh thu hơn 100 triệu NDT, trong đó có 33 bộ là sản phẩm quốc nội.

Hiện tại, Trung Quốc sở hữu 3 bộ phim nằm trong top 5 tác phẩm có doanh thu cao nhất thế giới năm 2021. Dẫn đầu là Hồ Trường Tân của Ngô Kinh với 858 triệu USD. Đứng thứ 2 và 4 trong danh sách là Xin chào, Lý Hoán AnhThám tử phố Tàu 3. Hai tác phẩm ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán có doanh thu lần lượt là 822 triệu USD633 triệu USD.

Theo Sina, có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, nhưng việc phát hành phim ở Trung Quốc cũng có nhiều điểm đáng lo. Phòng vé xứ tỷ dân hiện nay "ăn nên làm ra" bằng các bom tấn nội địa. Những tựa phim có quy mô trung bình giảm sâu sức cạnh tranh trên thị trường.

Dẫn chứng được đưa ra là doanh thu phòng vé Hoa ngữ dịp lễ Quốc khánh tăng gấp 3,83% so với năm 2019. Thành tích này có được nhờ hai bom tấn là Hồ Trường Tân Tôi và bậc cha chú của tôi. Nhưng trước đó, phòng vé xứ tỷ dân trải qua mùa lễ Trung thu ảm đạm do ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng với việc tác phẩm phát hành thời điểm này thiếu vắng ngôi sao lớn dù loạt phim ra rạp đa dạng về thể loại.

Theo Sina, vào tháng 12 và đầu năm 2022, có tổng cộng 18 tác phẩm điện ảnh dự kiến công chiếu. Nổi bật là Moses trên đồng bằng của Châu Đông Vũ và Lưu Hạo Nhiên; Vượt qua mùa đông giá lạnh để ôm em của Hoàng Bột, Giả Linh; G-Storm 5 của Cổ Thiên Lạc, Trương Trí Lâm, Trịnh Gia Dĩnh...

Tuy nhiên, sau thành tích phòng vé ấn tượng mùa phim lễ Quốc khánh, các nhà phát hành Trung Quốc bước vào dịp lễ cuối năm với tín hiệu không khả quan. Các chuyên gia nhận định phòng vé xứ tỷ dân đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nếu tình hình không khả quan, nhà sản xuất sẽ chùn chân trong việc tung phim mới trong 2 tháng cuối năm.

Đầu tháng 11, Châu Tử Dương - nhà sản xuất tác phẩm Ô Hải - cho biết đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi doanh thu phòng vé không khả quan. Do dịch bệnh, chỉ có 5% cụm rạp ở Trung Quốc đồng ý phát hành dự án này. Tính đến hiện tại, tác phẩm có sự tham gia của Hoàng Hiên, Dương Tử San mới thu về 1,7 triệu USD, chưa đủ tiền trả cát-xê cho diễn viên.

Hợp đồng tiết lộ mặt tối showbiz Trung Quốc

Nghệ sĩ Trung Quốc phải tuân thủ vô điều kiện những sắp xếp của công ty quản lý. Nếu chống đối, họ có nguy cơ bị chặn đường phát triển.

17 tài tử Trung Quốc thành lập nhóm nhạc

17 gương mặt chiến thắng trong Anh trai vượt mọi chông gai lộ diện. Trần Tiểu Xuân là ngôi sao giành vị trí số một.

Di Hy

Bạn có thể quan tâm