Tiền tiết kiệm của Tracy Tran đã cạn kiệt. Cô sử dụng phần lớn khoản tiền cho hóa đơn thuê mặt bằng trị giá 13.500 USD/tháng. Tiệm làm móng La Orquidea Salon and Spa của cô Tran đã phải đóng cửa để chống dịch từ tháng 3 đến nay.
“Tôi không biết mình sẽ bám trụ được bao lâu nữa, có thể là 1 tháng thôi”, cô chia sẻ với CBS. Tracy Tran là con gái trong một gia đình đến Mỹ từ Việt Nam. Gia đình nhỏ của cô đang sống cùng với họ hàng tại thành phố San Jose, bang California.
“Tôi phải nuôi sống gia đình và phải trả lương cho 22 nhân viên. Thay mặt mọi người ở đây, tôi nghĩ chúng tôi cần được giúp đỡ”, cô Tran cho biết.
Thợ nail gốc Việt tụ họp tại Westminster, California, vào ngày 8/6 để kêu gọi chính quyền bang cho phép tiệm nail mở cửa trở lại. Ảnh: NBC. |
Tương tự Tracy Tran, nhiều chủ tiệm làm móng tại Mỹ đang lâm vào cảnh bế tắc khi đại dịch không có dấu hiệu kết thúc. Chỉ tính riêng tại bang này, có đến 11.000 tiệm làm móng đang hoạt động.
Chật vật trong đại dịch
Chính quyền bang California đã cho phép nhiều loại hình kinh doanh tái hoạt động song phần lớn tiệm làm móng vẫn chưa được mở cửa do chỉ thị từ các sở y tế địa phương. Trong thời kỳ chống dịch, thợ làm móng bỗng trở thành nhóm đối tượng chịu thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế.
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Trung tâm Lao động UCLA và tổ chức phi lợi nhuận California Healthy Nail Salon Collabrative, khoảng 70% nhân viên làm móng trên toàn bang California là người Mỹ gốc Việt.
Kết quả của cuộc khảo sát trên cũng chỉ ra hơn 30% chủ tiệm nail không thể chi trả tiền thuê mặt bằng trong khi 29% còn lại sẽ phá sản trong một tháng tới. Cuộc khảo sát này đã thu thập thông tin từ hơn 700 nhân viên và chủ tiệm làm móng trên toàn bang.
Biển hiệu của một cửa hàng làm đẹp tại bang California. Ảnh: Flickr. |
Tam Nguyen, nhà đồng sáng lập liên minh nghề nail Nailing it For America, cho biết: “Tôi tin rằng tất cả người Mỹ gốc Việt đều có ít nhất một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn là nhân viên làm móng. Đây là nhóm người nhập cư chịu thiệt hại nghiêm trọng và thiếu công bằng”.
Liên minh này đã ghé thăm 10 cơ sở làm nail ở hạt Santa Clara. Trong đó, một tiệm làm móng đã phá sản, 7 tiệm khác vẫn đóng cửa chống dịch và chỉ có 2 cơ sở còn lại được phép hoạt động với một nhân viên làm móng.
Tam Nguyen ước tính khoảng 25% tiệm làm móng tại bang California sẽ phá sản sau thời kỳ chống dịch. Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng đại dịch có thể là dấu chấm hết cho mô hình kinh doanh gia đình đã nuôi sống bao thế hệ người Mỹ gốc Việt.
Theo CBS, cộng đồng người Mỹ gốc Việt “bén duyên” với ngành làm móng từ những năm 1970. Khi ấy, nữ diễn viên Hollywood Tippi Hedren đã mở một trường dạy nghề làm móng gần Sacramento, phía bắc California.
Đến nay, có khoảng 500.000 người gốc Việt đang sinh sống tại bang California, trong đó có 100.000 người sống tại thành phố San Jose.
Nữ diễn viên Hollywood Tippi Hedren dạy người Việt làm móng. Ảnh: Shutterstock. |
Bế tắc
Trong một cuộc họp báo về đại dịch Covid-19 hôm 7/5, Thống đốc bang California Gavin Newsom tuyên bố: “Dịch bệnh bắt đầu tại bang California, ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng là ở một tiệm làm nail”.
Phát biểu mang tính phân biệt này đã khiến cộng đồng làm nail trên toàn bang phẫn nộ. Thêm vào đó, ông Gavin còn tái khởi động nhiều hoạt động kinh doanh song vẫn coi các tiệm làm móng là một ngoại lệ.
Từ ngày 19/6, bang California đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp và chăm sóc sức khỏe được mở cửa trở lại. Song một số hạt ở vùng vịnh, bao gồm hạt Santa Clara, tiếp tục áp lệnh phong tỏa hoặc lệnh giám sát đối với các tiệm làm móng đến cuối tháng 7.
Giữa các lệnh chống dịch chồng chất, Tam Tran chỉ có thể mở cửa hàng trong 2 ngày và kiếm được 800 USD. Cô cho biết 90% doanh thu của cửa hàng đến từ dịch vụ làm móng.
Một cửa hàng làm móng tại thành phố San Jose, bang California. Ảnh: Los Angeles Times. |
Giờ đây, phần lớn tiệm làm móng không được phép hoạt động ở trong nhà. Các chủ cửa hàng cho biết họ không có không gian và giấy phép kinh doanh để làm việc ngoài trời. Với một số thợ làm móng đơn lẻ tại các bãi đỗ xe, thời tiết là yếu tố khó lường và có thể lấy mất kế sinh nhai của họ bất cứ lúc nào.
Theo tổ chức California Healthy Nail Salon Collaborative, một nhân viên làm móng kiếm được trung bình 21.800 USD/ năm. Cục Điều tra Dân số cho biết mức thu nhập này chỉ bằng 1/3 mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình trên toàn bang.
Thao Bui, liên lạc viên từ Trung tâm Phát triển Đông Nam Á, cho biết nhiều thợ làm móng bị đuổi khỏi nơi cư trú vì không trả đủ tiền thuê nhà. Họ cũng không có khách hàng và nguồn thu trong thời kỳ dịch bệnh.
“Mỗi buổi sáng, tôi thường tự hỏi tôi cần phải làm gì để tiếp tục tồn tại”, Tony Nguyen, điều phối viên tại California Healthy Nail Salon Collaborative, chia sẻ. “Chúng tôi không có câu trả lời”.