Nông dân điêu đứng
Đầu năm 2015, người nông dân trồng mía tại các huyện Đắk Pơ, Kong Chro, Kbang (An Khê) rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khi bị Công ty Đường Bình Định cấn nợ tiền mua mía bằng đường. Sau khi dư luận gây sức ép, công ty này đã ngưng thanh toán bằng đường, nhưng nông dân vẫn chưa biết bao giờ mới được nhận tiền.
Trong niên vụ 2014 -2015, do thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài, cây mía trong vùng Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai kém phát triển, dẫn dến năng suất giảm mạnh. Một nông dân tính toán, nếu như những năm trước, năng suất bình quân là 70 tấn/ha thì nay chỉ còn khoảng 50 tấn/ha. Với giá mía cây hiện nay là 810 đồng/kg, một ha mía chỉ thu về được hơn 40 triệu đồng.
Trong khi đó, tổng số tiền đầu tư, chăm sóc và công thu hoạch đã lên tới hơn 40 triệu đồng. Cũng đầu năm nay, nhiều hộ nông dân trồng mía ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) rơi vào cảnh khó khăn, khi Công ty Mía đường Tuy Hòa (nhà máy đường Đồng Bò) không thu mua mía nữa, nên họ phải bán cho thương lái với giá thấp...
Ngành mía đường của Việt Nam gặp khó khăn nông dân điêu đứng. |
Hai trường hợp điển hình này cho thấy, cuộc sống của người nông dân vẫn bấp bênh với cây mía. Trong khi đó, ngành sản xuất đường trong nước dù được bảo hộ nhưng không có sức cạnh tranh, dù lộ trình mở cửa đang đến gần.
Năm 2014, nhiều công ty sản xuất đường bị thua lỗ, dẫn đến một số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành mía đường. Như: Công ty CP Mía đường Biên Hòa - BHS mua 100% Đường Ninh Hòa, công ty Mía đường Gia Lai sáp nhập với công ty CP Mía đường Thành Thành Công.
Mặc dù các công ty này đã có những bước chuẩn bị nguồn nguyên liệu, một số ít công ty báo lãi, nhưng toàn ngành vẫn chưa khởi sắc, do việc đầu tư về giống mía cho ngành đường đến nay vẫn là con số 0. Hiện nay, nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tự phát chuyển đổi cây mía để trồng các loại cây khác. Trong đó, nông dân Hậu Giang đã phá bỏ khoảng 2.000 ha mía trong 2 năm qua. Trước cảnh trồng mía từ "hòa đến lỗ”, nhiều địa phương đang có kế hoạch giảm tiếp diện tích trồng mía.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi tham gia WTO, một số mặt hàng được Việt Nam bảo hộ, trong đó có đường với mục đích bảo vệ nông dân. Nhưng từ đó đến nay, lợi ích của nông dân trồng mía là hoàn toàn không có, và chính bản thân ngành mía đường cũng không thể cạnh tranh.
Trong khi đó, ngành chế biến thực phẩm có triển vọng sáng sủa hơn nếu giá đường trong nước thấp, còn giá đường cao như bấy lâu nay thì ngành này chẳng có lợi gì.
Chỉ có hai con đường
Một trong những nghịch lý hiện nay là tại sao giá đường sản xuất tại Lào và Thái Lan rất rẻ, trong khi giá đường trong nước lại cao? Thực trạng này khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) có sử dụng nguyên liệu đường và cả nền kinh tế đang phải mua đường giá đắt.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, ngành đường đã được bảo hộ quá lâu nhưng chưa phát triển mạnh, chưa có thêm năng lực cạnh tranh, nên cứ để cạnh tranh sòng phẳng, cho nhập đường để tạo sức ép. "Như vậy họ sẽ chỉ có hai con đường, hoặc thay đổi, hoặc "chết". Nếu "chết" sẽ có người khác làm", TS. Thiên nhấn mạnh.
Với ngành đường, nhiều ý kiến cũng cho rằng, giá thành cao, công nghệ kém là nguyên nhân khiến giá đường trong nước khó cạnh tranh. Theo tính toán, chi phí sản xuất một tấn mía hiện nay tại Việt Nam lên đến 45-55 USD, trong khi ở Thái Lan chỉ 30 USD, tại Lào chỉ 25-30USD.
Theo nhận định chung, giá đường sản xuất tại Việt Nam cao là do chi phí sản xuất cao. Nguyên nhân do nông dân chưa nắm được kỹ thuật tiên tiến, quy mô sản xuất manh mún, chủ yếu canh tác trên diện tích nhỏ, chưa có điều kiện áp dụng cơ giới hóa và các phương pháp tưới hiện đại.
Theo ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, một lĩnh vực mà ngành đường Việt Nam cần giải quyết sớm để nâng cao năng lực cạnh tranh là chất lượng giống mía.
Cách nhanh nhất cạnh tranh là nhập các giống mía tốt ở nước ngoài về chọn tạo ra các giống phù hợp với điều kiện tại Việt Nam để nhân rộng. Ở nhiều nơi, những mô hình nông dân trồng mía hiệu quả cho năng suất trên 120 tấn/ha, và các mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng được qua chính sách khuyến nông của chính các nhà máy đường.
Liên quan đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng: "Khi DN Việt Nam đầu tư ở nước ngoài và có sản phẩm giá rẻ hơn sản xuất trong nước thì nên khuyến kích. Hơn nữa, nếu Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nước đó thì sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam là hợp pháp".
Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam, cũng đồng tình: "Nhà nước đang khuyến khích DN đầu tư ra nước ngoài thì cũng nên khuyến khích và hỗ trợ sản phẩm của DN đó nhập khẩu về Việt Nam khi giá thành của họ rẻ, có lợi cho nền kinh tế và người tiêu dùng".
Sự bảo hộ của Nhà nước với ngành mía đường sắp hết "hiệu lực" khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, và thời điểm Việt Nam đưa thuế nhập khẩu mặt hàng đường từ các nước ASEAN xuống mức 0% chỉ còn chưa đầy 3 năm (2018).