Một cuộc chuyển đổi, tái cơ cấu quy mô, bài bản và lớn nhất châu Á tính theo diện tích đất khai thác nông nghiệp gồm cả cây và con. Từ năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu “dứt ruột” một phần “đứa con” đầu lòng là bất động sản để đầu tư vào nông nghiệp bằng việc trồng những cây chủ lực gồm cao su, mía đường, dầu cọ và bắp.
Thực hiện chiến lược đa dạng hóa cây trồng gồm cao su, mía đường, cọ dầu và bắp đi đôi với việc bảo vệ môi trường, duy trì trạng thái cân bằng sinh thái trong vùng dự án.
Triết lý và hướng đi
“Tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, cho nên muốn phát triển bền vững phải quan tâm đến đầu tư và phát triển các nguồn tài nguyên tái tạo”, đó là một trong những triết lý kinh doanh và là hướng tái cơ cấu của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Phát triển nông nghiệp tại Campuchia - hướng đi mới của Hoàng Anh Gia Lai. |
Theo kế hoạch tái cơ cấu của tập đoàn, việc đầu tư vào nông nghiệp được xem là ưu tiên số 1, dựa trên lợi thế là quỹ đất hơn 100.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.
Từ năm 2007, HAGL đã tập trung đầu tư vào cây cao su (diện tích hiện nay gần 50.000 ha), đến năm 2011, đầu tư trồng 10.000 ha mía tại tỉnh Attapeu (Lào). Theo kế hoạch, đến năm 2015, sản lượng mía mà HAGL thu được từ vùng nguyên liệu tại Lào sẽ đạt khoảng 1,192 triệu tấn, tương đương hơn 132.400 tấn đường.
Ngoài ra, HAGL còn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cao su (gần 50.000 ha) và ngô (5.000 ha) tại Lào, Campuchia. Tiếp đến, HAGL tiến hành trồng cây công nghiệp trung hạn khác là cọ dầu. Năm 2013, HAGL bổ sung thêm cây bắp vào danh mục đầu tư, trồng thí điểm 5.000 ha tại Lào và Campuchia. Đây là mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài” của tập đoàn.
Để tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng biệt trên phạm vi quốc tế, HAGL chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến nhất để áp dụng vào quy trình sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp, áp dụng thâm canh trong trồng cây cao su, cọ dầu, mía đường và bắp bằng cách vận dụng một cách triệt để kinh nghiệm ngàn đời là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
HAGL là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel để tăng năng suất và giảm tối đa lượng nước sử dụng, bảo vệ môi trường. Tính đến nay, HAGL đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2013, HAGL thành lập Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (nâng cấp từ Viện nghiên cứu cây cao su), với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư lên đến 1.000 người từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan (mía, bắp), Malaysia (cọ dầu)…
Cụm công nghiệp mía đường tại tỉnh Attapeu, Lào của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai... |
Viện có nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích thổ nhưỡng của các khu vực trồng cao su khác nhau để tạo ra những loại phân bón riêng biệt, với thành phần phù hợp, vừa thích hợp cho cây vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí và tránh lãng phí. Mỗi lĩnh vực đều có các kỹ sư Việt Nam tham gia, chẳng hạn riêng lĩnh vực phân tích đất có 8 kỹ sư người Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các kỹ sư trong nước học hỏi, ứng dụng các công nghệ cao từ các nước…
Đầu tư cho cây tiềm năng
Có thể nói, cọ dầu là cây mới, được HAGL chú trọng đầu tư nhiều nhất. Từ năm 2012, HALG bắt đầu trồng thử nghiệm 4.000 ha cọ dầu tại Lào và Campuchia. Một loại cây quen thuộc với thế giới, trong đó, Indonesia và Malaysia là hai quốc gia có diện tích trồng cọ dầu lớn nhất thế giới hiện nay. Nhưng tại Việt Nam, Lào, Campuchia, việc trồng và khai thác cọ dầu vẫn còn mới mẻ.
Thời gian kiến thiết cơ bản của cây cọ dầu chỉ bằng một nửa so với cây cao su. Chỉ sau 30 tháng kể từ khi trồng, cây cọ dầu sẽ bắt đầu cho quả và được đưa vào khai thác. Chi phí đầu tư mỗi ha cọ dầu cũng chỉ bằng khoảng 60-70% so với cây cao su.
Cọ dầu dự kiến cho năng suất khoảng 30 tấn trái/ha, hàm lượng dầu khoảng 24%. Với giá bán bình quân hiện tại dao dộng từ 750-950 USD/tấn dầu, cọ dầu mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn cao su. Hiện nay, diện tích cọ dầu của HAGL tại Lào và Campuchia đã lên đến 12.300 ha, và dự kiến sắp tới sẽ tăng lên 30.000 ha, chủ yếu nằm ở huyện Koun mum, tỉnh Rattanakiri, Campuchia. Do được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân qua đường ống hiện đại của Israel nên cây cọ dầu của HAGL sinh trưởng tốt và nhanh hơn.
Qua 2 năm trồng, tốc độ sinh trưởng của cọ dầu được các chuyên gia đánh giá là cao hơn cả ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Để phục vụ việc chế biến, tập đoàn đang xây dựng nhà máy chế biến dầu cọ tại Campuchia, công suất 45 tấn quả tươi/giờ, tương đương 270.000 tấn quả tươi/năm, đáp ứng cho diện tích khoảng 9.000 ha.
Trong tương lai, khi diện tích cọ dầu đi vào khai thác nhiều hơn, HAGL sẽ có kế hoạch nâng cấp nhà máy hiện tại hoặc xây dựng thêm các nhà máy chế biến mới phù hợp. Với mục tiêu rút ngắn thời gian đầu tư, nhanh chóng tạo ra dòng tiền, cọ dầu là chương trình đầu tư mới đầy triển vọng của HAGL.
Làng tái định cư tại cụm công nghiệp sản xuất mía đường Attapeu, Lào do Hoàng Anh Gia Lai xây dựng. |
Trả lời về việc đầu tư mạnh cho nông nghiệp ở nước ngoài, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT tập đoàn HAGL cho biết: “Cơ chế chính sách thông thoáng và những ưu đãi là những lý do để tập đoàn đầu tư ở nước khác”. Báo cáo của HAGL cũng cho thấy, việc đầu tư trồng mía tại Campuchia và Lào năng suất cao hơn hẳn so với trong nước.
Cụ thể, năng suất mía tại vùng nguyên liệu của HAGL đạt trung bình 90 tấn/ha, thu hồi 10-11 tấn đường/ha. Trong khi đó, năng suất mía trong nước chỉ đạt 63 tấn/ha, tương đương khoảng 5,7 tấn đường/ha.
Thành quả đầu tư vào nông nghiệp này của HAGL đã bắt đầu cho trái ngọt. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2013 của HAGL đạt 2.771 tỷ đồng, trong đó, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 39%. Đáng chú ý, doanh thu bán đường chiếm hơn 30% trong cơ cấu doanh thu của HAGL năm qua với gần 838 tỷ đồng; doanh thu từ cao su đạt 239 tỷ đồng (gấp 5 lần cùng kỳ).
Và mục tiêu 2014 của HAGL là đạt doanh thu 3.373 tỷ đồng, tăng 602 tỷ đồng so với năm 2013; lợi nhuận sau thuế 1.460 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2013; tỷ lệ cổ tức dự kiến 10-15% bằng tiền mặt. Đây là năm thứ 2, lợi nhuận HAGL tăng trưởng mạnh trở lại sau khi chạm đáy vào năm 2012 do ảnh hưởng của thị trường bất động sản đóng băng. “Dự kiến, đến năm 2015, tôi khẳng định HAGL sẽ thay đổi, có thể đạt mức tăng trưởng đến 100%”, ông Đức tự tin nói.
Năm 2009 chúng tôi đã mạnh dạn hạ giá bất động sản tại TP.HCM đến 40%. Đồng thời, quyết liệt tái cấu trúc, “dứt” bất động sản, lĩnh vực không còn sinh lợi cao để đầu tư vào nông nghiệp. Đó là những quyết định khó khăn và táo bạo.
Nhưng, chúng tôi đã làm đúng, nếu không thì không thể có khối tài sản lớn ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar như hiện nay. Và nếu không chuyển hướng kịp thời, quyết liệt tái cấu trúc, không biết bây giờ HAGL sẽ ra sao”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL.