"Chồng tôi đau ốm đã mấy năm nay nên chỉ ở nhà, không có việc làm, thu nhập. Hai con tôi đang tuổi ăn học. Cả nhà chỉ trông cậy vào 8 triệu đồng tiền lương mỗi tháng nếu có tăng ca, của tôi. Nay bị cho nghỉ việc, tôi đành làm đủ nghề để kiếm sống", chị NH., từng là công nhân một công ty gia công hàng may mặc tại Bình Dương, chia sẻ.
Giữa tháng 7 vừa qua, trong giai đoạn đang liên tục tăng ca sản xuất, chị thấy tên mình trong danh sách cắt giảm nhân sự, với lý do thiếu hụt đơn hàng từ tháng 9.
"Chạy ăn" từng tháng
Nghỉ việc từ ngày 1/9, hơn 1 tuần qua, chị N.H. phụ việc ở một quán cơm gần nhà, nhận 100.000 đồng tiền công mỗi ngày.
"May mắn là tôi đã tiết kiệm một khoản riêng để lo cho 2 con vào năm học mới. Còn tiền trọ, ăn uống sinh hoạt hàng ngày và thuốc men cho chồng, tôi định đăng ký chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm. Chỉ mong mau hết dịch để đi làm công nhân tiếp, công ty tôi cũng hẹn có đơn hàng trở lại sẽ gọi về làm", chị tâm sự.
Chị NH. cho biết có khoảng 100 công nhân nghỉ việc cùng đợt với chị. Trước đó, công ty đã cắt giảm 50% lao động trong đợt dịch đầu tiên.
Lao động ngành may đang đứng trước nguy cơ mất việc làm khi doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng trong 3 tháng cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chia sẻ với Zing, tổng giám đốc một doanh nghiệp may mặc lớn cho biết, số đơn hàng đã nhận được cho quý IV đến nay mới chỉ đạt 50% năng lực sản xuất. Số còn lại sẽ phải "chạy ăn" từng tháng. Chưa kể, hầu hết đối tác mua hàng còn yêu cầu giảm giá 10-20%.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony cũng xác nhận chưa có đơn hàng sau tháng 9. Thực tế, khách hàng quốc tế vẫn gửi email hỏi thông tin sản phẩm và yêu cầu hàng mẫu, tuy nhiên chưa đối tác nào chốt đơn hàng.
Ngành hàng khẩu trang vốn tăng trưởng tốt trong thời gian qua, nay cũng lâm vào khó khăn, bởi khách hàng có thể hủy đơn bất cứ lúc nào.
"Không hẳn là không có đơn hàng, mà là đơn hàng nhỏ lẻ hoặc không có lời. Nếu khó khăn quá, chúng tôi sẽ phải nhận những đơn hàng này để nuôi nhân sự. Còn trước mắt, chúng tôi đang tiếp tục chào hàng khẩu trang và quần áo truyền thống. Sản phẩm quần áo bảo hộ mới ra mắt cũng hy vọng sẽ chốt được đơn hàng cho tháng 10", ông Phạm Quang Anh chia sẻ.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy sản xuất trang phục 8 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng đến cuối năm, thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp chỉ nhận thông tin đơn hàng theo từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.
Bộ Công Thương lý giải, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai và những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình. Đặc biệt, niềm tin tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.
"Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như việc tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn, cho thấy thị trường và cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững lại", báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Le lói điểm sáng
Trao đổi với Zing về thực trạng chung hiện nay, bà Hoàng Ngọc Ánh, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định đơn hàng cho quý IV ở các doanh nghiệp hầu như chưa có nhiều. Dự đoán kịch bản ngành may trong dài hạn có thể giảm 20% tổng mức doanh thu.
Tuy vậy, bà đánh giá vẫn có những doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển đổi tốt, bằng cách khai thác thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng giao dịch trực tuyến. Đồng thời, nhiều đơn vị cũng chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ, thậm chí các mặt hàng mang tính thời trang hơn để nắm bắt nhu cầu tiêu dùng.
Tình hình kinh doanh tại một số doanh nghiệp có phần khả quan hơn khi có kế hoạch chuyển đổi linh hoạt. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Có chung nhìn nhận này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, dẫn ví dụ một số doanh nghiệp nhỏ nhưng vẫn có đủ đơn hàng để sản xuất, thậm chí vượt công suất, phải thuê đơn vị khác gia công thêm.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên gia công hàng thời trang thể thao ở TP.HCM cũng cho biết, sau thời gian dài cố gắng cầm cự và cắt giảm lao động, hiện doanh nghiệp đã dần ổn định hoạt động.
"Đơn hàng đã bắt đầu trở lại bình thường, công nhân không phải giảm một nửa số giờ làm như cách đây 1-2 tháng. Chắc chắn thu nhập của lao động chưa hoàn toàn phục hồi như thời điểm trước dịch, nhưng tình hình hiện nay đã là rất may mắn, nếu so tổng thể toàn ngành", vị này nói.
Thậm chí, đối với Dony, ông Phạm Quang Anh còn xác định giai đoạn thiếu hụt đơn hàng sắp tới là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa vận hành.
"Hiện tại chúng tôi đang xây dựng để đạt chuẩn BSCI (Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh) nhằm đón đầu những đơn hàng lớn ở các thị trường khó tính như EU sau dịch", ông cho biết.