Theo dự kiến, Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA Expo 2020) sẽ được tổ chức từ ngày 11-14/3 với sự tham gia của 320 doanh nghiệp. Tuy nhiên, chiều 5/3, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Liên Minh, đại diện ban tổ chức cho biết, chương trình sẽ được dời đến thời điểm thích hợp sau khi hoàn toàn hết dịch Covid-19.
Đây là tình hình chung của hàng loạt hội chợ nội thất trên toàn thế giới, như tại Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Italy... Đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận lượng lớn khách hàng quốc tế, các doanh nghiệp ngành gỗ tìm cách tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh.
'Cơ hội' từ Covid-19
Chia sẻ với Zing.vn, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến một số cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam.
Về ngắn hạn, các doanh nghiệp cần đảm bảo thể chất cho đội ngũ lao động trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, từ đó mới có thể duy trì hoạt động ổn định. Đồng thời, chi tiêu không cần thiết sẽ phải cắt giảm, điển hình là các khoản đầu tư lớn, thậm chí cả chi phí marketing.
Dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến một số cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, giai đoạn này cũng tạo ra áp lực để doanh nghiệp đổi mới, tăng khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh.
"Chi phí nhân công ở Trung Quốc đang tăng lên, đồng thời nước này cũng đang bị Mỹ điều tra chống bán phá giá. Kết hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc đang đình trệ", ông nhận định.
Thực tế, hầu hết nhà máy sản xuất đồ gỗ ở nước này chưa hoạt động trở lại, hoặc đang hoạt động cầm chừng. Do đó, các khách hàng lớn ở Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản... đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường thay thế, trong đó nổi bật là khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Các hiệp định CPTPP, EVFTA đi vào hoạt động sẽ càng tăng khả năng kết nối và ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc gia tăng sức mua lại là điều chưa thể dự báo.
"Hiệp hội sẽ theo dõi để thông báo cho các doanh nghiệp chuẩn bị, tuy nhiên tôi nghĩ sẽ có độ trễ để thị trường phục hồi. Trước mắt, mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, điển hình là Peer 1 Import đã nộp đơn phá sản, còn sàn TMĐT Wayfair cũng cắt giảm nhân sự", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
Bởi vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ của Việt Nam biết tận dụng thời cơ, cải tiến ở tất cả khâu vận hành và đẩy mạnh chuyển đổi không gian số.
Chuyển đổi số: Dữ liệu lớn và bán hàng đa kênh
Theo ông Shawn Xu - Phó Chủ tịch Silversea Media Group, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp công nghệ có trụ sở tại Singapore, ngành nội thất đang chuyển dịch rất nhanh. Khách hàng trẻ tuổi ưa chuộng công nghệ, và tìm hiểu thông tin sản phẩm trên Internet trước khi quyết định mua tại cửa hàng hay trực tuyến.
Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nội thất nhưng chủ yếu là hàng gia công, nên lợi nhuận không nhiều và không có thương hiệu riêng.
Do đó, ông đề xuất đẩy mạnh bán hàng đa kênh, kết hợp giữa các cửa hàng nội thất truyền thống và trực tuyến, đồng thời ứng dụng công nghệ trong tất cả khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận trực tiếp với khách hàng, xây dựng thương hiệu riêng và tận dụng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thực tế, Amazon và Alibaba đều đang cố gắng mở rộng số lượng nhà cung cấp Việt Nam. Trong đó, Amazon bày tỏ mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận với hơn 300 triệu người mua hàng quốc tế trên sàn này, còn Alibaba nêu rõ gỗ và nội thất là một trong ba ngành hàng chính mà hãng đang đẩy mạnh tại Việt Nam.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cùng thảo luận về giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam chiều 5/3. Ảnh: L.A. |
Chiều 5/3, HAWA cũng đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để đẩy mạnh mặt hàng gỗ trên các sàn TMĐT.
Đồng thời, HAWA cũng cùng BIFA (Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương), DOWA (Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai) kí kết với một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa hoạt động quản trị và ứng dụng các công nghệ thực tế ảo, showroom 3D...
Ông Nguyễn Chánh Phương dự đoán, nếu bắt tay vào công cuộc chuyển đổi ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp sẽ cần 3-6 tháng để mở một website bán hàng hoặc phân phối qua một trang TMĐT. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số hoàn toàn đòi hỏi lộ trình ít nhất 3 năm.
Ngành gỗ Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm trong 18 năm qua, cao gấp 5 lần so với tăng trưởng ngành nông nghiệp. Cả nước có trên 4.500 doanh nghiệp với hơn 350.000 lao động toàn ngành, tạo ra giá trị bình quân trên 23.000 USD/lao động.
Trong một hội nghị ngành gỗ hồi đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu ngành gỗ đạt 18-20 tỷ USD năm 2025.