Chia sẻ với ông Ted A. Mc Kinney - Thứ trưởng phụ trách Thương mại và Đối ngoại của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Đại sứ Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) phụ trách nông nghiệp, Grg Doud, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết đến nay, Việt Nam đã cấp phép cho 460 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt cùng 210 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam cho phép Mỹ xuất khẩu 6 loại quả tươi, gồm anh đào, lê, nho, táo, blueberry và cam sang Việt Nam. Đối với bưởi, xuân đào, mơ và mận, Việt Nam cũng đang tiếp tục xem xét, đánh giá rủi ro về kiểm dịch thực vật và an toàn sinh học để sớm cấp phép cho Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam.
Việt Nam đã cấp phép cho 460 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt cùng 210 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Ngược lại, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Mỹ nhanh chóng hoàn tất quy trình, thủ tục đánh giá rủi ro để quả bưởi Việt Nam sớm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đồng thời, Thứ trưởng hy vọng Cục Kiểm định động thực vật Mỹ (APHIS) sớm công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội và Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát tham gia chương trình chiếu xạ quả tươi xuất khẩu sang Mỹ và bổ sung biện pháp xử lý hơi nước nóng (VHT) nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam.
Từ ngày 24-29/2, Đoàn công tác của Việt Nam do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm trưởng đoàn sang Mỹ để tăng cường hợp tác, trao đổi thương mại nông sản giữa Việt Nam và Mỹ. Tham gia đoàn công tác có 19 doanh nghiệp và 1 hiệp hội thuộc 5 nhóm sản phẩm, gồm ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi; sản phẩm thịt, sữa, thủy sản; rau quả; các sản phẩm gỗ và hóa chất, phân bón.
Sau đó, từ ngày 2-13/3, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ cử đoàn sang Việt Nam tiến hành đánh giá giám sát định kỳ đối với chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong muốn phía Mỹ xem xét và đàm phán ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, tạo điều kiện để 2 nước dành ưu đãi cho các nhà đầu tư và kinh doanh trong nông nghiệp nói riêng và toàn bộ ngành kinh tế nói chung.
Đây là một trong những nỗ lực nhằm đa dạng hóa thị trường nông sản của Việt Nam đã được Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương tích cực triển khai từ đầu năm nay để hạn chế tác động của dịch Covid-19 trong ngắn hạn và mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong dài hạn.
Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thịt lợn, Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ khó khăn khi thuế nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ ở mức cao so với các nước đã có FTA với Việt Nam như Australia, Nhật Bản... Do đó, các doanh nghiệp cần lượng vốn lớn để nhập khẩu. Qua rà soát cho thấy, để nhập 200-300 tấn thịt lợn/tháng, doanh nghiệp cần đặt cọc vài chục tỷ đồng cho mỗi lần mua.
Do đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ và tạo điều kiện thông quan cho mặt hàng này. Đồng thời, cơ quan này đề xuất Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng giá hợp lý ở Mỹ và các nước.