Thị trường FMCG sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Ảnh: Việt Linh |
Báo cáo về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam do hãng nghiên cứu Kantar công bố mới đây cho thấy tổng quy mô thị trường năm 2022 tăng trưởng 5% so với năm trước đó, cao hơn mức tăng 3,7% của năm 2021 so với năm 2020.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong năm qua lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự tăng giá trung bình, bởi sản lượng tiêu thụ không hề có biến động. Trong khi đó, năm 2021, sản lượng tiêu thụ vẫn tăng trưởng thêm 0,3% và giá trung bình chỉ tăng 3,5% so với năm 2020.
Cùng lúc đó, tốc độ tăng trưởng của kênh bán hàng trực tuyến có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm 2021. Dù vậy, kênh trực tuyến vẫn tăng trưởng hai con số (tăng 16%), cùng với siêu thị mini (tăng 22%) và cửa hàng chuyên doanh (tăng 21%).
Nhìn chung, Kantar ghi nhận giá trị các kênh mua sắm hiện đại và truyền thống đều cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt giá trị hàng hóa tiêu thụ tại các chợ tăng cao nhất, lên đến 29%.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia tại Kantar cho rằng các đơn vị bán lẻ không được chủ quan dù GDP năm ngoái tại Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục. Điển hình là vấn đề lạm phát.
"Mặc dù tỷ lệ lạm phát năm ngoái được giữ ở mức thấp hơn khu vực Đông Nam Á và toàn cầu, dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng, với tỷ lệ lạm phát dự kiến chạm mốc 5% đầu năm 2023, là một thách thức lớn đối với Việt Nam", đại diện Kantar nhấn mạnh.
Tăng trưởng GDP theo năm | |||||||||
Nguồn: Tổng hợp. | |||||||||
Nhãn | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 (dự báo của WB) | |
% | 6.21 | 6.81 | 7.08 | 7.02 | 2.91 | 2.58 | 8.02 | 6.5 |
Trên thực tế, so với năm 2021, chỉ số tiêu dùng (CPI) năm 2022 tại Việt Nam đã tăng 3,15%. Trong khi đó, nếu chỉ tính riêng tháng 12 năm ngoái, chỉ số này còn tăng 4,55% so với cùng kỳ.
Để làm rõ hơn mối quan tâm của người tiêu dùng trong năm nay, Kantar còn thực hiện một cuộc khảo sát về nỗi lo lắng của nhiều hộ gia đình Việt. Kết quả cho thấy ngày càng nhiều gia đình quan tâm tới vấn đề thu nhập không ổn định và thất nghiệp hơn so với đầu năm 2022.
Theo đó, đơn vị này nhận định thời gian tới người tiêu dùng sẽ có tâm lý "thắt lưng buộc bụng" hơn. Đồng thời, với bối cảnh giá cả leo thang trong thời gian tới, cộng thêm đà sa thải nhân sự của một số công ty sản xuất sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho cả người tiêu dùng và các nhà bán lẻ.
Cùng chung quan điểm này, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng nhận định năm nay mức độ mua sắm của người tiêu dùng sẽ không gia tăng đáng kể.
"Người tiêu dùng sẽ có tâm lý chi tiêu có kế hoạch hơn. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu, đảm bảo sức khỏe và chi tiêu có phần hạn chế đối với những sản phẩm tiêu dùng được coi là xa xỉ", đại diện hội nói thêm.
Với những dự báo kém tích cực trên, các chuyên gia tại Kantar cho rằng các nhà bán lẻ cần phải tìm cách thấu hiểu tâm lý khách hàng để đưa ra chiến lược giá phù hợp với từng ngành hàng khác nhau.
"Các doanh nghiệp cũng nên cân bằng giữa việc tăng giá và xây dựng thương hiệu, đồng thời bù đắp việc tăng giá bằng chất lượng sản phẩm và thông điệp phù hợp với tâm lý người tiêu dùng", báo cáo khuyến nghị.
Không chỉ Việt Nam bị tác động, Kantar cho biết các chuyên gia kinh tế đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy thoái trong năm nay trước khi hồi phục vào năm 2024.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.