Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho biết để giải quyết sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống, ngành du lịch Đà Nẵng đang triển khai hàng loạt biện pháp khôi phục, mở mới các đường bay quốc tế để đưa du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
"Khái niệm mở cửa" được lãnh đạo ngành du lịch, doanh nghiệp nhắc đến rất nhiều từ sau khi dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát. Tuy nhiên, theo bà An, một thống kê không mấy khả quan là năm 2019, thành phố đón 31 đường bay trực tiếp quốc tế với hơn 500 chuyến/tuần nhưng sau 2 năm ứng phó dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố bị "đóng băng".
Mở cửa đón ai?
Trả lời phỏng vấn của Zing, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, cho rằng Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn nhưng nguồn khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều.
Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng nhắc lại số liệu: Năm 2019, hai thị trường khách du lịch quốc tế chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, 32% khách từ thị trường Trung Quốc và 23,8% khách từ thị trường Hàn Quốc.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tháng 4, nước ta đón 101.000 lượt khách quốc tế, tăng 242,9% so với tháng trước và tăng 520,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số này, khách Hàn Quốc đạt 28,6 nghìn lượt, tăng 195,1% so với cùng kỳ; khách Mỹ đạt 23,1 nghìn lượt, tăng 2.106,4%. Ở khu vực Đông Bắc Á, Đài Loan đạt 12,8 nghìn lượt, tăng 144%; Nhật Bản đạt 8,8 nghìn lượt, tăng 161%.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trung Quốc là thị trường duy nhất tăng trưởng âm (-20%), do nước này vẫn theo đuổi chính sách "Zero Covid-19”. Ông Quỳnh bình luận việc Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược này thì có thể phải cuối năm nay hoặc đầu năm 2023, người dân của nước đông dân nhất thế giới mới đi du lịch nước ngoài.
Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn nhưng nguồn khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh
Đối với thị trường Nga và các nước Đông Âu, phần lớn người dân vẫn chưa đi du lịch.
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Việt Đà (Viet Da Travel), lý giải việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến du khách nước này cũng chưa trở lại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
"Tình hình chiến sự và việc Mỹ cùng các nước phương Tây ra các chỉ thị trừng phạt nên người Nga cũng sẽ không còn tâm trí đi du lịch như trước", ông Lộc nói.
Cùng chung nhận định, ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nói mặc dù các hãng hàng không (cả Việt Nam cũng như quốc tế) đã khôi phục phần lớn các đường bay đến thị trường truyền thống, tuy nhiên số lượng và tần suất khai thác còn hạn chế.
"Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa được kích hoạt. Các thị trường tại châu Âu, đặc biệt Nga, bị đóng băng từ tháng 2. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết, trong đó có du lịch quốc tế", ông Sơn nhận định.
Hướng đến thị trường đông dân thứ 2 thế giới
Sau khi viện dẫn lại những số liệu nói trên, cả ông Lộc và Chủ tịch Hiệp Khách sạn Đà Nẵng đều cho rằng lâu nay ngành du lịch nước ta chưa quan tâm đúng mức, bỏ qua thị trường Ấn Độ - nước có gần 1,4 tỷ dân.
Thực tế cho thấy khách của Ấn Độ có nhu cầu đi du lịch rất đông, chỉ sau Trung Quốc. Khi người dân Trung Quốc chưa thể đi du lịch do chính sách "Zero Covid-19” thì chúng tôi sẽ hướng tới thị trường Ấn Độ".
Bà Nguyễn Thị Hoài An
Thừa nhận thực tế trên, bà An cũng cho biết ngành du lịch thành phố đang nỗ lực xúc tiến các đường bay quốc tế để tránh phụ thuộc vào những thị trường du lịch truyền thống.
Thành phố sẽ đa dạng hóa thị trường du lịch thông qua việc kết nối với các hãng hàng không trên thế giới.
"Sau Việt Nam, các thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ cũng đang có chính sách mở cửa tích cực. Cùng với mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, có thể dự báo đây là thị trường tiềm năng lớn trong trao đổi thương mại - du lịch”, bà An cho hay.
Nói thêm về tính khả quan của định hướng này, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho rằng Ấn Độ có nhiều điểm mạnh, phù hợp với thị hiếu, tài nguyên du lịch của thành phố như nghỉ dưỡng biển, mua sắm hoặc hội nghị, dịch vụ cưới.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng (phải), trao đổi với đại diện các hãng hàng không Ấn Độ về việc mở các đường bay đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Thực tế cho thấy khách của Ấn Độ có nhu cầu đi du lịch rất đông, chỉ sau Trung Quốc. Khi người dân Trung Quốc chưa thể đi du lịch do chính sách "Zero Covid-19” thì chúng tôi sẽ hướng tới thị trường Ấn Độ", bà An cho biết thêm.
Phát biểu tại các buổi tọa đàm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, bà Usha Padhee, đại diện Bộ Hàng không dân dụng Ấn Độ, cũng nói rằng: "Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ lâu dài. Do đó, chúng tôi hy vọng quan hệ hợp tác của hai bên được duy trì tốt trong tương lai. Các hãng hàng không của chúng tôi đang lên kế hoạch kết nối đưa khách đến Việt Nam".