Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ngành cơ khí đang khát nhân lực chất lượng cao

Với sự phát triển nhanh như hiện nay, ngành cơ khí đang cần lượng lớn lao động chất lượng cao. Tuy vậy, để thu hút lao động trình độ cao vẫn là bài toán nan giải của toàn ngành.

Viec lam co khi anh 1

Những năm gần đây, thế giới dần quen thuộc với các sản phẩm cơ khí đến từ Trung Quốc như ôtô, tàu biển, container, toa tàu hoả, máy móc thiết bị… Chất lượng của những sản phẩm này nhanh chóng tăng lên, tiệm cận với các sản phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Để ngành cơ khí tại đất nước tỷ dân này phát triển nhanh chóng, đạt được những bước tiến đáng kể là nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực cơ khí chất lượng cao.

Chính phủ nước này đã thiết lập nhiều trung tâm phát triển nguồn nhân lực, tập trung các trường đại học, khu nghiên cứu khoa học và trung tâm thông tin hỗ trợ phát triển ngành cơ khí tại các khu công nghiệp chính. Điều này giúp nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào các khu công nghiệp rộng lớn của Trung Quốc.

Khó tìm nhân lực chất lượng cao mặn mà với nghề

Anh Danh Huy, một cựu kỹ sư cơ khí của Đại học Bách Khoa (Hà Nội) kể một câu chuyện đáng buồn, đó là lứa kỹ sư từng học cùng lớp với mình giờ chỉ có khoảng 10% theo ngành, còn lại chuyển sang các nghề khác. Hầu hết, lý do phổ biến là vì ngành này đặc thù khá vất vả, công việc đôi khi nhàm chán. Thậm chí, nếu muốn làm việc cho các doanh nghiệp thì phải chịu khó đi làm xa nhà, tại các khu công nghiệp nằm xa trung tâm. Trong khi đó, khả năng thăng tiến trong nghề không phải ở doanh nghiệp nào cũng tốt.

Chính vì những lý do đó mà nhiều nhân sự ngành cơ khí, dù được đào tạo bài bản ở trình độ đại học nhưng ra trường lại đi làm kinh doanh, có người làm IT, thậm chí có người bỏ nghề chuyển sang nghề dịch vụ.

Theo thống kê, dù là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực tuyển dụng đều đặn qua các năm, nhưng các doanh nghiệp trong ngành cơ khí lúc nào cũng phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực, từ công nhân đến kỹ sư.

Theo VAMI cho biết, nhu cầu nhân lực liên quan tới ngành cơ khí có thể chiếm 28% tổng nhu cầu lao động cả nước

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1,5 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động, số lượng nhân sự của ngành này vẫn tăng trưởng đều đặn khoảng 10-12%/năm. Thậm chí, theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết nhu cầu nhân lực liên quan tới ngành cơ khí có thể chiếm tới 28% tổng nhu cầu lao động cả nước.

Anh Văn Hùng, chủ một công ty cơ khí ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh, chia sẻ sự cạnh tranh trên thị trường lao động cơ khí ngày càng khốc liệt. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tiềm lực yếu thường khó thu hút được lao động trình độ cao hơn.

Anh kể rằng năm 2021, khi có nhiều thợ cơ khí của Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc về nước, anh nắm lấy cơ hội này và chiêu mộ được một số người có tay nghề cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Tuy vậy, bước sang năm 2022, khi kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, nhiều lao động mà anh từng chiêu mộ lại có xu hướng chuyển việc sang những công ty lớn hơn, trả mức lương cao hơn. Điều này càng gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển dài hạn. Doanh nghiệp lại phải tìm kiếm và tiếp tục đào tạo lại một nguồn lao động khác để phù hợp với yêu cầu của mình.

Viec lam co khi anh 2

Một phần nguyên nhân khiến khó thu hút nhân lực chính là sự phát triển không đồng đều của ngành cơ khí trong nước.

Tuy vậy, anh Hùng cũng thừa nhận một phần nguyên nhân khiến khó thu hút nhân lực chính là sự phát triển không đồng đều của ngành cơ khí trong nước, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu. Điều này có thể kiểm chứng khi nguồn nhân lực cơ khí chất lượng trong nước thiếu hụt thì học viên ngành này lại chọn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhiều thợ cơ khí chọn làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vì mức lương cao hơn, môi trường làm việc hiện đại hơn.

Khó thu hút cả người học

Ngành cơ khí ngày càng phát triển nhu cầu nhân lực ngành này tăng nhanh, tuy vậy trong mắt nhiều phụ huynh và học sinh, nghề cơ khí không phải là lựa chọn hàng đầu. Nhiều người ưu tiên học các ngành như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, quản trị kinh doanh… hơn là chọn ngành học cơ khí.

Một giảng viên trường cao đẳng nghề tại Hà Nội chia sẻ các thí sinh chỉ lựa chọn ngành cơ khí khi họ không đủ điểm đậu vào ngành học khác mà họ đăng ký. Nhiều trường còn phải hạ điểm sàn để thu hút các thí sinh, tuy nhiên lại phát sinh thêm vấn đề tiêu cực là chất lượng đầu vào không đồng đều, dẫn đến chất lượng đầu ra không đảm bảo.

Một nguyên nhân nữa là việc đào tạo lao động ngành cơ khí ở Việt Nam vẫn còn yếu so với nhiều nước trên thế giới. Các phương pháp dạy học, máy móc thiết bị để sinh viên học tập và thực hành gần như rất cũ kỹ, có những trang thiết bị đã dùng 10-20 năm. Điều này trở thành rào cản trong việc đào tạo các sinh viên chất lượng.

Viec lam co khi anh 3

Các phương pháp dạy học, máy móc thiết bị để sinh viên học tập và thực hành gần như rất cũ kỹ.

Sau quá trình học, sinh viên cũng rất khó tìm được một cơ sở thực tập đúng chuẩn, đáp ứng được các yêu cầu về trang thiết bị, máy móc, các công nghệ hiện đại. Thậm chí chính đội ngũ giảng viên cơ khí tại một số trường cũng chưa cập nhật các kiến thức, công nghệ mới của thế giới nên chủ yếu dạy các kiến thức cơ bản, công nghệ đã lạc hậu.

Chính phủ cho biết sẽ ưu tiên nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, đào tạo song song thực hành.

Trong chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 được Chính phủ phê duyệt vào năm 2018, phát triển nguồn nhân lực cơ khí được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chính phủ cho biết sẽ ưu tiên nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, đào tạo song song thực hành; hỗ trợ kinh phí để đưa giảng viên và công nhân giỏi đi đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng như yêu cầu.

Theo các chuyên gia, bản thân các doanh nghiệp cũng phải rất coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực. Cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp nhận những kỹ sư, kỹ thuật viên trẻ được đào tạo cơ bản với trình độ đại học, cao đẳng, sau đại học và đội ngũ công nhân từ các trường công nhân kỹ thuật, trường đại học kỹ thuật công nghệ.

Quay lại bài học của Trung Quốc, nước này đã có các trường đại học lớn về cơ khí chế tạo máy, với cả chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học lý thuyết, kết hợp với ứng dụng; hàng năm tăng số lượng các phát minh, mô hình có khả năng ứng dụng trong thực tế; cũng như cung ứng cho ngành cơ khí chế tạo máy của nước này nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng hơn. Cơ khí được biết đến như một môn học chính nhằm mục đích bồi dưỡng nhân tài trong ngành khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Đây cũng là chìa khoá quan trọng giúp ngành cơ khí Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ.

Trần Nguyễn

Bạn có thể quan tâm