Ông Phan Văn Thụy, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cho biết số lượng tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng chiếm trên 50% tổng giá trị các cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành. Do đó, áp lực giải quyết việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng là rất lớn.
“Kết quả đạt được trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự cũng như sự kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm”, ông Thụy phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 26/3 về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp TAND TP.HCM tổ chức tại TP.HCM.
Tâm lý e ngại mua nhà đất bị kê biên
Ông Thụy cho biết hầu hết vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn. Trong khi đó, tâm lý của người dân vẫn còn e ngại đối với việc mua tài sản thi hành án thông qua tổ chức bán đấu giá. Đây là nguyên nhân khách quan dẫn đến vấn đề chậm xử lý tài sản để thu hồi nợ.
“Tình trạng bất động sản, nhà đất bán đấu giá không có người mua, tài sản phải giảm giá nhiều lần, có những tài sản phải giảm giá 1/3, thậm chí là giảm đến 1/2 mới bán được dẫn đến việc thi hành án phải kéo dài”, đại diện Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho hay.
Song song đó, có yếu tố chủ quan từ chính chấp hành viên, lãnh đạo các cơ quan thi hành án, cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan. Có trường hợp sau khi tổ chức đấu giá thành công, người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền nhưng chấp hành viên chậm tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản theo đúng hợp đồng bán đấu giá tài sản cho người trúng đấu giá, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của ngân hàng.
Một dự án chung cư tại quận 7, TP.HCM có nhiều căn hộ bị ngân hàng phát mãi, bán đấu giá từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngoài ra, các quy định pháp luật vẫn còn một số kẽ hở giúp người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, kéo dài thời gian. Đơn cử như tài sản khi kê biên có tranh chấp sẽ phải hoãn thi hành án chờ kết quả giải quyết của tòa. Thực tế, có rất nhiều vụ việc chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản, đương sự tìm mọi cách tạo ra các tranh chấp giả tạo mục đích chỉ để kéo dài việc thi hành án.
Cố tình tranh chấp để kéo dài thời gian thu hồi tài sản
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Xử lý nợ của SCB cũng nêu thực trạng nhiều trường hợp khi ngân hàng đang yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện thủ tục cưỡng chế, kê biên, phát mãi thì phát sinh tranh chấp tài sản với bên thứ ba.Đây cũng là vấn đề nhức nhối được đại diện các ngân hàng khác như Techcombank, OCB nêu ra tại tọa đàm.
Ông Hải lấy ví dụ nhiều trường hợp khi xử lý tài sản bảo đảm, anh chị em của người bị thu hồi bất động sản lần lượt nộp đơn kiện tranh chấp quyền lợi rồi rút đơn, thậm chí hàng xóm cũng kiện tranh chấp bờ rào. Mỗi lần có người nộp đơn, tòa phải thụ lý và việc xử lý tài sản bị hoãn. Trong khi đó, chủ tài sản vẫn có thể hưởng lợi từ việc cho thuê bất động sản đó.
Sau nhiều năm việc xử lý tài sản bị trì hoãn, dư nợ khoản vay tăng đến vài lần trong khi không phải giá trị tài sản nào cũng có thể tăng tương ứng, dẫn đến ngân hàng bị thiệt hại khi không thể thu hồi đủ gốc, lãi.
Do đó, đại diện SCB kiến nghị cơ quan lập pháp xây dựng chế tài mạnh mẽ đối với đương sự cố ý không chấp hành, tạo tranh chấp để kéo dài thời gian thi hành án. Giải pháp có thể là yêu cầu đương sự khi khởi kiện tranh chấp liên quan đến tài sản đang được thi hành án phải ký quỹ một khoản tiền để bồi thường cho người được thi hành án là ngân hàng nếu đơn kiện đó bị bác.
Phương án này theo ông Hải có thể hạn chế các tranh chấp giả tạo nhằm trốn tránh trách nhiệm phải thi hành án. Đại diện SCB cho rằng cần phải xử lý tiền ký quỹ của người khởi kiện tài sản tranh chấp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngân hàng và răn đe các đối tượng có ý định kéo dài việc thi hành án để trục lợi.