Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng vẫn chưa dám công khai thưởng Tết

Dù chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên Giáp Ngọ 2014, nhưng rất ít ngân hàng dám công khai về thưởng Tết.

Một năm cắt lương, giảm thưởng

Năm 2013 được nhận định là năm khó khăn nhưng chỉ tiêu của lãnh đạo ngân hàng giao cho các chi nhánh vẫn khá cao, nên để hoàn thành nhiệm vụ được giao là áp lực vô cùng lớn. Chỉ tiêu ngân hàng được giao theo chức vụ. 

Đối với giao dịch viên, chỉ tiêu huy động vốn là 2 tỷ đồng, phó phòng thì 5 tỷ đồng, còn cấp trưởng phòng lên tới 7 tỷ đồng… trong bối cảnh như hiện nay thì để đạt kế hoạch đưa ra chúng tôi chịu áp lực rất lớn, thậm chí stress kinh khủng”, một lãnh đạo cấp chi nhánh ngân hàng than thở.

 Lãnh đạo áp lực 10 thì nhân viên cũng phải chịu một nửa là chia sẻ của chị T.H. nhân viên NHTMCP lớn trên địa bàn quận Ba Đình. “Gần 1 tháng nay, thường xuyên phải đi làm từ 7 giờ sáng đến 20, 21giờ tối vì phải lo “chạy” chỉ tiêu kinh doanh”, chị T.H. cho hay. 

Năm 2013, rất nhiều ngân hàng không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Đó cũng là một phần của lý do dù chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên Giáp Ngọ 2014, nhưng rất ít ngân hàng dám công khai về thưởng Tết.

Được biết, riêng chỉ tiêu lợi nhuận được giao của chi nhánh này là hơn 200 tỷ đồng, nhưng giờ mới hoàn thành 90%. “Dù cả bộ máy đang phải “xoay xở” nhưng chắc chắn năm 2013 khó hoàn thành nhiệm vụ được giao”, chị H. cho biết thêm. Khi không hoàn thành chỉ tiêu được giao, các thành tích thi đua cùng những khoản lương, thưởng của chi nhánh trong năm 2013 sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Chị Bùi Thu - giao dịch viên một chi nhánh NHTMCP ở quận Long Biên, tiết lộ năm nay, nhân viên NH hầu hết đều bị giảm lương,và chị cũng bị giảm tới 30% lương. Nhưng theo chị, bị giảm lương vẫn còn may, chứ nhiều nhân viên đã bị sa thải. Dự kiến trong thời gian tới NH này vẫn đang trong chương trình cắt giảm nhân sự nên lúc nào cũng lo nơm nớp bị mất việc.

Không ít cán bộ NH bày tỏ nỗi lòng vì làm ngành này vất vả, áp lực và cũng dễ rủi ro, nhưng lương, thưởng thấp nên có phần chịu thiệt. Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc MaritimeBank Trần Xuân Quảng cho rằng, trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn chứ không riêng ngành ngân hàng, đến các cổ đông còn chấp nhận cổ tức thấp thì người lao động cũng phải chấp nhận chia sẻ chứ không thể đòi hỏi ở mức cao được.

Ăn theo kết quả kinh doanh 

Về thưởng Tết, cuối tuần qua, dù Vietinbank công bố kết quả kinh doanh tưng bừng (lợi nhuận đạt nhưng nhờ điều chỉnh giảm tới 12,8%, từ mức 8.600 tỷ đồng xuống 7.500 tỷ đồng), lãnh đạo Vietinbank vẫn chưa chính thức đề cập, nhưng theo chia sẻ của một số nhân viên, nhất là khối kinh doanh thuộc các chi nhánh ngân hàng này, thì họ chưa dám nghĩ tới thưởng Tết, do chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao. 

Lãnh đạo cao cấp của một chi nhánh của Vietinbank cho hay, chỉ mong chi nhánh hoàn thành chỉ tiêu và nhận đủ lương là tốt lắm rồi chứ không dám mơ tưởng nhận được thưởng Tết.

“Trong năm chúng tôi đã nhận lương đã hoàn thành nhiệm vụ. Nếu cuối năm chi nhánh không đạt chỉ tiêu lại phải hoàn trả lại lương trong năm”, vị lãnh đạo này nói và cho hay những ngày cận Tết này,  cả chi nhánh đang vắt chân đôn đáo lo chạy chỉ tiêu kinh doanh.

Tin từ MaritimeBank, một lãnh đạo ngân hàng cho hay, hiện chưa có chủ trương chi thưởng Tết cho cán bộ và đợi kết quả kinh doanh ra sao mới tính đến chuyện chia thưởng. “Năm ngoái, chúng tôi chỉ có lương tháng 13 chứ không có thưởng. Nếu có,  cũng rất ít chỉ để động viên chứ kết quả kinh doanh không có gì khởi sắc khó kỳ vọng ở mức thưởng cao”, vị này nói thêm.

Trong khối NHTMCP có một vài điểm sáng như Sacombank, lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ vượt chỉ tiêu đưa ra ở mức 2.800 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết, mức thưởng Tết cho cán bộ NH năm nay không cao đột biến mà bình quân khoảng 2 - 3 tháng lương tùy từng vị trí.

“Bước sang năm 2014 nhiều ngân hàng kỳ vọng bức tranh kinh doanh sáng sủa hơn và mong muốn từ năm 2014 là giai đoạn củng cố và phát triển của ngành này. Hy vọng tình trạng khó khăn sẽ sớm qua, chu kỳ phát triển lại quay trở lại sớm đối với ngành ngân hàng”, lãnh đạo một NHTM bày tỏ.

 

Tuần qua, giới nhà băng xôn xao trước thông tin về bản danh sách thưởng tết của 33 ngân hàng thương mại được tập hợp từ chính các nhân viên ngân hàng “buôn” với nhau.

Theo đó, dự kiến, Tết Nguyên đán sắp tới, hầu hết các NHTM  có mức thưởng phổ biến từ 1 - 2 tháng lương; một số có thêm khoản nhỏ từ 300.000 - 500.000 đồng/người từ quỹ công đoàn; có những trường hợp ngoài tháng lương 13 được hỗ trợ thêm túi quà hoặc thẻ mua hàng; các đơn vị, chi nhánh có thua lỗ hoặc phát sinh nhiều nợ quá hạn sẽ không có thưởng trong năm nay…

Trên thực tế, chưa có một công bố chính thức nào về thưởng Tết. Tại nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt như Vietcombank, LienVietPostBank, thông tin về thưởng Tết được “ém” khá kỹ.

Có một điều cần lưu ý, sự phân hóa lương thưởng trong lĩnh vực ngân hàng rất rõ rệt thông qua các tiêu chí như vị trí, bộ chỉ số chấm điểm đánh giá thành tích nhân viên, phòng, ban.

Tại khối NHTM cổ phần, một sếp cấp phòng có thể gấp từ 2-3 lần lương nhân viên chính; một sếp cấp chi nhánh gấp từ 5- 10 lần. Còn ở những vị trí “chót vót” như Ban tổng giám đốc, chênh lệch có thể lên tới vài chục lần.

Thế nên, cùng là thưởng Tết nhưng có nhân viên nhà băng này lĩnh dăm mười triệu, thì khiêm tốn “sếp” cũng lĩnh tới tiền trăm triệu.

http://www.tienphong.vn/kinh-te/ngan-hang-he-lo-thuong-tet-670980.tpo

Theo Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm