Cùng với những doanh nhân nổi tiếng khác như ông Đỗ Quang Hiển, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Thị Nga, Thái Hương… ông Vũ Văn Tiền là một trong những doanh nhân sở hữu ngân hàng và doanh nghiệp đa ngành. Trong đó, ông Tiền nắm vai trò lãnh đạo cấp cao tại cả 2 trụ cột tài chính này.
Ông chủ đứng sau ngân hàng ABBank
Với tổng tài sản đến cuối quý III năm nay đạt hơn 91.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) thuộc nhóm ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ trong hệ thống, quy mô tương đương DongABank, BacABank, NamABank, VietABank…
Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả hoạt động, ABBank lại nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ có lợi nhuận cao nhất.
Năm 2018, nhà băng này ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.912 tỷ và lãi ròng sau thuế 715 tỷ đồng. Con số này cao hơn nhiều so với các ngân hàng cùng quy mô khác như lãi ròng của BacABank là 677 tỷ; NamABank là 591 tỷ; VietABank là 118 tỷ đồng…
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco. Ảnh: T.Đ. |
Trong 9 tháng đầu năm, ABBank cũng ghi nhận 2.539 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm 73% còn lại là lãi đến từ dịch vụ, ngoại hối và chứng khoán kinh doanh - đầu tư…
Sau khi trừ chi phí và các khoản dự phòng, ngân hàng này ghi nhận 774 tỷ đồng lãi sau thuế 9 tháng, tăng 33%.
Đến cuối tháng 9 năm nay, ngân hàng có vốn điều lệ 5.713 tỷ đồng. Tổng huy động vốn từ khách hàng là 63.057 tỷ và cho vay khách hàng đạt 51.010 tỷ. Trong đó, nợ xấu nội bảng của ABBank là 1.766 tỷ, tăng 79%) so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng cũng tăng tương ứng từ 1,89% hồi đầu năm lên 3,39%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 2,78%.
Trong ban lãnh đạo ABBank, hiện ông Vũ Văn Tiền nắm giữ vai trò Phó chủ tịch HĐQT, nhưng trước năm 2018, ông là lãnh đạo cao nhất trong hội đồng quản trị của ngân hàng. Tháng 4/2018, ông rời vị trí này và nhường lại cho ông Đào Mạnh Kháng để đáp ứng quy định của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung.
Trong giai đoạn trước, ông Tiền là lãnh đạo ngồi ghế Chủ tịch HĐQT ABBank lâu nhất từ khi nhà băng này thành lập. Vị doanh nhân gốc Thái Bình nắm giữ vị trí này từ năm 2003 và điều hành hoạt động ngân hàng suốt 15 năm.
Ông cũng chính là người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng ABBank từ một ngân hàng nông thôn với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, 1 điểm giao dịch với 34 nhân viên, hiện phát triển với mạng lưới 135 chi nhánh và phòng giao dịch cùng 4.464 nhân viên.
Ngoài ra, ông Tiền chính là thành viên đại diện vốn của Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) sở hữu 13% vốn ngân hàng.
Geleximco hiện là cổ đông lớn thứ 2 của ABBank sau cổ đông chiến lược Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm 20% vốn.
Trụ cột kinh doanh Geleximco
Doanh nghiệp trung tâm trong sự nghiệp của đại gia Vũ Văn Tiền chính là Tập đoàn Geleximco. Thông qua tập đoàn này đầu tư vào ABBank mà ông Tiền giữ vai trò chủ tịch tại đây suốt nhiều năm.
Geleximco được ông Tiền tham gia thành lập từ năm 1993 với vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng. Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất, đến cuối tháng 7 năm nay, tập đoàn đã tăng vốn lên 9.600 tỷ.
Tại thời điểm tăng vốn, cơ cấu cổ đông của Geleximco không được công bố, nhưng trước đó, khi công ty có vốn 6.000 tỷ. Ông Tiền là cổ đông lớn sở hữu trực tiếp 35% vốn (tương đương 2.100 tỷ vốn góp). Cổ đông lớn nhất của Geleximco là ông Vũ Văn Hậu (em trai ông Tiền) sở hữu 55% vốn, tương đương 3.300 tỷ đồng vốn góp.
Ông Tiền là người nắm giữ vai trò lớn nhất tại Geleximco với vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.
Đến cuối năm 2018, Geleximco có quy mô tổng tài sản hơn 3 tỷ USD với 27 công ty thành viên và hàng chục công ty liên doanh, liên kết.
Tập đoàn này hiện hoạt động với 5 lĩnh vực chính gồm: Sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.
Ở mảng tài chính - ngân hàng, ngoài việc sở hữu 13% vốn ABBank, tập đoàn này cũng là cổ đông lớn sở hữu 42,5% vốn Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS); 83% vốn tại Công ty bất động sản Ngôi Sao An Bình (vốn 550 tỷ). Hiện ông Tiền cũng đang là Chủ tịch HĐQT tại ABS.
Trong mảng công nghiệp, Geleximco là chủ đầu tư, sở hữu hàng loạt nhà máy trong mảng giấy, năng lượng như Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa (vốn đầu tư 200 triệu USD), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (vốn đầu tư hơn 800 triệu USD), Liên doanh Honda, Acecook Việt Nam…
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, năm 2018 ghi nhận 2.200 tỷ đồng doanh thu. Ước tính năm 2019 công ty sẽ cung cấp ra thị trường là 2,1 tỷ kWh điện, quy đổi vào khoảng 3.600 tỷ doanh thu.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Tiền nắm trong tay hàng loạt dự án nghìn tỷ như Khu đô thị Dầu khí Geleximco (Hoài Đức, Hà Nội) tổng vốn đầu tư 10.322 tỷ; Khu đô thị Phú Mãn tổng mức đầu tư 6.465 tỷ; Khu đô thị Geleximco - Lê Trọng Tấn; dự án Thành phố giao lưu Geleximco, dự án Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh)…
Cuối năm 2014, Geleximco từng thâu tóm 35% vốn tại Seaprodex, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Nhà nước (sở hữu 63%). Tuy nhiên, do bất đồng về phương án triển khai các lô đất "vàng" thuộc sở hữu của SeaProdex nên Geleximco đã thoái vốn vào cuối năm 2016.
Geleximco cũng từng đầu tư Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, năm 2013 tập đoàn này xin rút lui với lý do quỹ đất 900 ha và 1 sân golf mà tỉnh Hòa Bình và Hà Nội đối ứng không đủ hoàn vốn đầu tư vào tuyến đường.
Năm 2016, ông Tiền cũng từng đưa ra đề xuất với Bộ GTVT muốn bắt tay cùng Công ty Hong Kong United Investors Holding đầu tư 4 dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,11 triệu tỷ đồng.
Geleximco là doanh nghiệp từng đề xuất bắt tay đối tác Trung Quốc - Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang đầu tư dự án sân bay Long Thành với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 16 tỷ USD.